Truyền hình

Chuyên Mục

Tranh luận về nàng dâu khổ nhất màn ảnh Việt


Nhân vật Son, do Kim Oanh thể hiện, trong "Dưới bóng cây hạnh phúc" được khán giả nhận xét là nàng dâu khổ nhất màn ảnh. Nhiều người thương cô nhưng cũng có ý kiến không đồng tình.


Dưới bóng cây hạnh phúc được ví là phiên bản "sống chung với bố chồng", xoay quanh phận làm dâu của nhân vật Son. Son sống biết điều, chịu thương chịu khó, hết lòng vì gia đình chồng. Ấy vậy mà cô vẫn không làm vừa lòng bố chồng, anh chồng, em chồng - em dâu và cả chồng (Đạt - Mạnh Hưng đóng).

Những mâu thuẫn đời thường đẩy Son vào bi kịch liên tiếp, bị người nhà hiểu lầm, chỉ trích, hắt hủi. Từ khi Nhài (Thạch Huyền đóng), bạn thân của Son, xuất hiện và muốn đòi công bằng cho Son, mọi chuyện càng trở nên rối tung.

Và cũng từ đây, một số tình tiết phim bị cho là vô lý, khiên cưỡng, nhằm mục đích đẩy cao trào.

Nhà chồng đổi thái độ đột ngột khi con dâu đổ bệnh

Cụ thể, biên kịch đặt ra tình huống Son phát hiện có khối u trong người, nghi ngờ bệnh ung thư. Khi biết chuyện, gia đình chồng thay đổi thái độ hoàn toàn, chuyển từ trách móc sang chăm sóc ân cần. Một buổi sáng thức dậy, Son không còn phải tất bật lau nhà, dọn dẹp, nấu ăn. Chồng Son tự tay làm món gà tần cho vợ, em dâu vào bếp, em chồng lau nhà. Bố chồng nhắc nhở con dâu thứ: "Chị Tuyết này, lát nữa hạ lễ, có mấy quả cam Vinh, vắt cho chị cốc nước". Son rưng rưng cảm động nói: "Nếu bị ốm mà được cả nhà chăm sóc như thế này, con chỉ muốn ốm mãi thôi".

Trên fanpage phim, phân cảnh này thu hút hàng nghìn bình luận trái chiều. Khán giả cho rằng màn "quay xe" quá nhanh và dồn dập mang đến cảm giác sượng, ngượng ngùng, thay vì khiến người xem cảm nhận tình cảm gia đình. Theo nhiều ý kiến, tình huống này chưa thực tế, thậm chí gây hiệu ứng ngược.

"Lúc khỏe mạnh thì Son bị đối xử không ra gì. Đến khi có nguy cơ mắc ung thư, cả nhà mới quan tâm, chăm lo từng li từng tý. Xem cảnh này chỉ thấy lố và buồn cười", một khán giả bình luận.

Son được người nhà chăm sóc khi đổ bệnh. Ảnh: VFC.

"Kịch bản phim không hay. Bao nhiêu năm, Son giống như người giúp việc trong nhà, lúc nào cũng bị trách mắng. Chồng thì mặt nặng mày nhẹ. Khi ốm mới được mọi người tỏ ra yêu thương, như vậy có phải là yêu thương không. Chưa thấy tốt đẹp ở đâu, chỉ thấy giả tạo", thành viên mạng khác nêu quan điểm.

Những khán giả khác liên tưởng tình huống này với nội dung phim Thông gia ngõ hẹp - người mẹ chồng cũng thay đổi cách cư xử đột ngột, mời con dâu đến ăn cơm khi nghe tin con mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đó, bà luôn tỏ ra ghét con dâu, thậm chí không nhìn mặt.

Theo diễn biến tiếp theo của Dưới bóng cây hạnh phúc, Son một mình đi khám bệnh và được chẩn đoán không mắc ung thư. Son muốn thông báo tin vui sớm cho gia đình nhưng Nhài khuyên nên giấu kín một thời gian. Nhài nói: "Việc mày bị bệnh khiến cả gia đình ấy tiến bộ, đối xử tử tế với mày. Nên tận hưởng đi".

Tình huống bất hợp lý

Sau đó, Nhài cầm hồ sơ khám bệnh của Son và không hiểu vì sao cô ném vào sọt rác tại tiệm làm tóc của mình - nơi có nhiều khách hàng và nhân viên qua lại. Cuối cùng, nhân viên của Nhài nhặt tập giấy lên và bệnh án lập tức đến tay Thúy - người phụ nữ vốn nhiều chuyện, thích chọc gậy bánh xe và không ưa vợ chồng Son. Không khó đoán rằng tin này sẽ được lan truyền đến tai nhà chồng Son trước khi cô kịp nói sự thật.

Sau khi xem đoạn trích, khán giả đồng loạt cho rằng tình tiết này vô lý, vẫn đi theo mô-típ cũ, quen thuộc của nhiều phim truyền hình Việt. Son được thương cảm, nhưng đồng thời cũng bị trách nhu nhược, ủy mị, không có chính kiến.

"Đang muốn giấu người nhà nhưng lại để bệnh án ở nơi hớ hênh nhất, không hiểu nổi", "Kịch bản bất hợp lý quá", "Tình huống như chuyện đùa", "Một người khôn lanh như Nhài chẳng lẽ lại bất cẩn đến thế"... là một số nhận xét từ khán giả theo dõi phim.

Gia đình chồng của Son bị khán giả chỉ trích. Ảnh: VFC.

Trong những tập trước đó, tác phẩm từng bị phản ứng khi tình huống Son say xỉn vì buồn tủi diễn ra 2 lần liên tiếp. Chỉ khi say, Son mới dám ghen tuông, mắng chồng và nói thật suy nghĩ. Không ít ý kiến cho rằng dường như biên kịch phim Việt bế tắc ý tưởng nên thường dùng cảnh say để giúp các nhân vật nữ phản kháng khi rơi vào cảnh éo le, khổ sở. Bắt đầu từ Hoa hồng trên ngực trái với cảnh say được khen ấn tượng của Hồng Diễm (trong vai Khuê), nhiều phim sau này diễn ra tương tự, có thể kể đến Thương ngày nắng về (nhân vật Khánh của Lan Phương), Hành trình công lý (nhân vật Phương của Hồng Diễm)… Một tình tiết, dù thú vị đến mấy, cũng sẽ trở nên nhàm chán nếu lặp đi lặp lại.

Dưới bóng cây hạnh phúc dự kiến kéo dài 40 tập. Tác phẩm của đạo diễn Vũ Trường Khoa đang được chú ý nhưng cũng đứng trước nguy cơ có thể sa đà vào những mâu thuẫn, dẫn đến dài dòng, luẩn quẩn.

Theo Zing News