Trăn trở quy định cảnh tình dục, bạo lực trong điện ảnh Việt
Trong hội thảo thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội diễn ra sáng 10/11, các nhà làm phim trao đổi về quy định xoay quanh cảnh tình dục, bạo lực trong điện ảnh Việt.
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội là sự kiện được giới nghệ thuật quan tâm những ngày qua. Sau buổi khai mạc diễn ra tối 8/11 tại Hà Nội, liên hoan phim có nhiều hoạt động thu hút khán giả, đặc biệt các hội thảo điện ảnh. Thông qua các hội thảo, giới làm phim Việt Nam và quốc tế cùng trao đổi về nhiều vấn đề, chẳng hạn sự phát triển của điện ảnh hay giới hạn cho cảnh tình dục, bạo lực trong phim.
Băn khoăn của giới biên kịch
Sáng 10/11, hội thảo Điện ảnh - Nhân văn, thích ứng và phát triển thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội diễn ra tại Hà Nội. “Tình dục, bạo lực, tín ngưỡng - 3 trong số 11 nội dung bị cấm trong hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim?” là một trong những chủ đề được đưa ra trao đổi.
Tự do trong sáng tác là vấn đề đau đáu của các biên kịch, Thạc sĩ Đặng Thu Hà - Giảng viên chuyên ngành Biên kịch tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhận định.
Thạc sĩ Đặng Thu Hà đặt vấn đề Luật Điện ảnh đã được Quốc hội thông qua ngày 15/6 có quy định chi tiết về 11 nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Trong đó, 3 nội dung được cho là có tác động trực tiếp tới tư duy sáng tạo, hiệu quả, chất lượng sản phẩm và công tác thẩm định điện ảnh. Ba nội dung bao gồm tình dục, bạo lực và tín ngưỡng tôn giáo.
Tuy nhiên, theo bà Đặng Thu Hà, chính 3 yếu tố trên từng góp phần làm nên sức hấp dẫn cho điện ảnh ở nhiều quốc gia và trong nhiều giai đoạn lịch sử. Do đó, bà băn khoăn giới hạn của cảnh bạo lực, tình dục trong phim ra sao để không phạm luật mà vẫn đảm bảo sự hấp dẫn, thu hút khán giả.
“Có những người cho rằng điện ảnh gắn liền với bạo lực, tình dục. Trong khi đó, các yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm nên thể loại kinh dị, giật gân, trinh thám. Không thể nào né tránh và người sáng tác mong muốn được sử dụng những yếu tố trên để tăng tính hấp dẫn đồng thời coi đó là phương thức biểu đạt. Câu hỏi chúng tôi đặt ra là làm thế nào để cân bằng giữa luật điện ảnh với những rào cản và sự tự do sáng tác để tăng sức hấp dẫn”, Thạc sĩ Đặng Thu Hà nói trong hội thảo. Đây là điều bà Đặng Thu Hà và giới biên kịch nói chung băn khoăn.
Ông Đỗ Duy Anh - nguyên Phó cục trưởng Cục Điện ảnh - giải đáp thắc mắc của bà Đặng Thu Hà. Theo ông Đỗ Duy Anh, không riêng Việt Nam mà các nước trên thế giới đều có những quy định về bạo lực, tình dục và tín ngưỡng để các yếu tố đó được khán giả chấp nhận. Ông nhấn mạnh các nhà quản lý đã tôn trọng sự tự do sáng tạo của nghệ sĩ.
“Có người bạn Mỹ nói với tôi rằng phim không có yếu tố tình dục, bạo lực thì khó có người xem. Đương nhiên, hai yếu tố nói trên là sự hấp dẫn trong điện ảnh. Do đó, chúng tôi khi làm luật đã tôn trọng sự tự do của những người sáng tạo”, ông Đỗ Duy Anh nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, nhà biên kịch Đặng Thu Hà cho rằng khía cạnh nào trong nghệ thuật cũng yêu cầu sự tôn trọng tự do sáng tạo. Qua quá trình trao đổi với các nhà làm phim, bà cũng nhận được những chia sẻ đầy băn khoăn, trăn trở từ các đồng nghiệp về giới hạn trong quy định về cảnh bạo lực, tình dục và tín ngưỡng. Tuy nhiên, nhà biên kịch nhận định bên cạnh sự tự do sáng tạo, vẫn cần các quy định bởi đây là khuôn khổ để bảo vệ sự tự do.
“Theo dõi các bộ phim quốc tế, có thể thấy họ theo sát với lịch sử phát triển con người. Lịch sử của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều gắn liền với đấu tranh. Và tất cả chúng ta ở đây có ai yêu tình dục không. Có chứ. Chúng ta phải có đức tin thì mới sống đúng giá trị. Tuy nhiên, điều quan trọng là giới hạn của các cảnh bạo lực, tình dục đến đâu. Điều đó đòi hỏi các biên kịch ý thức rất rõ mục tiêu của họ là gì. Theo tôi, phim giải trí hay nghệ thuật thì mục tiêu cuối cùng là tạo ra sự giao hòa giữa bộ phim và khán giả. Do đó, tôi hy vọng chúng ta đặt bản thân vào vị trí của nhau để cùng nỗ lực. Sự tự do nào cũng đòi hỏi sự cố gắng vì những giá trị đẹp đẽ”, bà Đặng Thu Hà nói.
Chuyên gia Hàn Quốc: "Khán giả Việt vẫn còn định kiến với phim Việt"
Cũng trong khuôn khổ Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội, vào ngày 9/11 trước đó, Hội thảo "Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc" đã diễn ra với nhiều diễn giả trong giới phim Việt Nam và Hàn Quốc.
Ông Park Ki Yong, Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc chia sẻ về kinh nghiệm phát triển của điện ảnh nước này. Theo ông Park Ki Yong, yếu tố khiến điện ảnh, truyền hình Hàn thành công là các bộ phim mang phong cách Hàn, phim kiểu Hàn nói về xã hội Hàn.
Ông lấy ví dụ bộ phim Trò chơi con mực gây sốt năm 2021. Ông Park Ki Yong nhận định phim thành công vì mang đậm tính nhân văn, những cảnh quay cảm động, ấm áp so với các phim sinh tồn khác.
Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc nói: “Phim Hàn thành công không phải do nội dung đặc biệt, thay vào đó là chất lượng vượt trội. Người Hàn sống trong xã hội dữ dội và đầy nhiệt huyết. Phim Hàn phản ánh chân thật xã hội đó”.
Ông Ko Jae Soo, Tổng Giám đốc CJ Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể áp dụng nhiều kinh nghiệm từ sự phát triển của điện ảnh Hàn Quốc, chẳng hạn đa dạng hóa mục đích sử dụng rạp chiếu phim và mở rộng đối tượng, phạm vi hưởng thụ điện ảnh. Ông cho biết việc phục vụ nhu cầu xem phim của khán giả những vùng sâu, vùng xa là điều cần thiết.
Ông Jung Tae Sung - Tổng Giám đốc CJ HK nói thêm để phát triển điện ảnh nước nhà, người Việt Nam phải ưu tiên xem phim Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ người xem phim nội địa còn quá ít và đây là điều đáng tiếc. Khán giả Việt vẫn có định kiến với phim Việt Nam. Một phần lý do là Việt Nam đang có nhiều phim hay từ Hollywood, Hàn Quốc.
“Trong 10 năm qua, điện ảnh Việt Nam có nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ cho việc sản xuất phim, nhưng cần mở cửa hơn nữa trong sáng tác, hợp tác với các nước trong tương lai”, ông Jung Tae Sung nói.
Ông cho rằng nên chú trọng đào tạo nhân lực cho điện ảnh. “Khi làm phim, chúng tôi xác định 4 yếu tố để có bộ phim hay: kịch bản, diễn xuất (bao gồm đạo diễn, diễn viên), quay phim và dựng phim. Ở Việt Nam, kịch bản vẫn hạn chế, diễn xuất (gồm cả đạo diễn) còn thiếu, chưa mời được đạo diễn có tiếng trên thế giới về hợp tác”, ông Jung Tae Sung đề xuất Việt Nam tạo cơ hội cho giới trẻ.
Ngoài ra, theo ông Jung Tae Sung, Việt Nam cần quản lý hiệu quả hơn nữa việc tải và xem phim lậu. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của điện ảnh và công nghiệp điện ảnh. Trong quá khứ, Hàn Quốc cũng tốn thời gian khá dài để loại bỏ việc xem, tải phim lậu.
- Thúy Ngân, Võ Cảnh đóng 'Secret Love' bản Việt (13-May-2024)
- Chúng Ta Của 8 Năm Sau gây tranh cãi vì đẩy Huyền Lizzie vào bi kịch (27-Feb-2024)
- Khán giả bức xúc với kết phim 'Yêu trước ngày cưới' (24-Feb-2024)
- Huyền Lizzie hé lộ lý do Chúng Ta Của 8 Năm Sau dừng chiếu, chuyện gì đây? (05-Feb-2024)
- Chúng Ta Của 8 Năm Sau bất ngờ bị tẩy chay, lý do giống hệt như Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình (19-Jan-2024)
- Đạo diễn 'Chúng ta của 8 năm sau' úp mở cái kết cho nam - nữ chính (18-Jan-2024)
- Quỳnh Kool có phân cảnh ấn tượng, sắp vượt mặt Huyền Lizzie về diễn xuất (09-Jan-2024)
- 'Gia đình mình vui bất thình lình' là phim truyền hình của năm 2023 (02-Jan-2024)
- Phim 'Đội điều tra số 7' tái hiện các vụ án có thật (15-Dec-2023)
- Chúng Ta Của 8 Năm Sau gây tranh cãi, Huyền Lizzie bất ngờ bị khán giả đòi bỏ vai (13-Dec-2023)