Truyền hình

Chuyên Mục

Phim truyền hình Việt gây ức chế


Đây dường như cũng là công thức chung của các phim truyền hình Việt dài tập nhằm mục đích kéo khán giả, tăng rating.


Trường hợp gần nhất của Thương ngày nắng về một lần nữa cho thấy phim truyền hình Việt chuộng mô-típ xây dựng những tình huống bi kịch, đưa nhân vật đến tận cùng đau khổ, trớ trêu. Ngoài ra, mỗi phim cũng sẽ có những nhân vật ghê gớm, nanh nọc hoặc mưu mô, xấu xí đến ngang ngược, vô lý.

Công thức quen thuộc của nhiều phim

Không khó để kể ra những tựa phim từng tạo được sức hút nhưng cũng gây tranh cãi nảy lửa trong vài năm gần đây. Đó là Gạo nếp gạo tẻ, Cây táo nở hoa, Tiếng sét trong mưa, Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng...

Điểm chung của những tác phẩm này là càng về sau càng dài dòng, lan man và chồng chất bi kịch. Điển hình, năm 2021, Cây táo nở hoa và Hương vị tình thân được chiếu cùng thời điểm. Hai bộ phim trở thành đề tài được bàn luận, đánh giá, nhận xét khắp mạng xã hội.

Cây táo nở hoa được làm lại từ bộ phim What’s Wrong, Poong Sang của Hàn Quốc. Với dàn cast có tiếng, gồm Thái Hòa, Hồng Ánh, Nhã Phương, Thúy Ngân, Trương Thế Vinh, Song Luân, phim nhanh chóng được quan tâm.

Loạt phim Việt phát triển kịch bản theo hướng gây ức chế.

Tuy nhiên, sau những hấp dẫn ban đầu, Cây táo nở hoa khiến người xem ức chế bằng loạt tình tiết cường điệu, vô lý. Nhân vật Ngọc (Thái Hòa) và Báu (Nhã Phương) bị “ném đá” suốt hàng chục tập phim. Ngọc yêu thương, bảo vệ các em một cách thái quá. Báu cư xử ngang ngược, bất chấp đúng sai. Xuyên suốt phim, Nhã Phương có quá nhiều cảnh gào khóc, mắng chửi, khiến người xem bội thực.

“Vì sao cây táo mãi không nở hoa?” là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất vào thời điểm phim lên sóng.

Tương tự, Hương vị tình thân được chuyển thể từ kịch bản gốc My only one, kể về hành trình tìm cha ruột của cô gái tên Phương Nam (Phương Oanh đóng). Nhiều phân cảnh đề cao tình cảm gia đình, tình thân đã chạm đến cảm xúc, lấy được nước mắt người xem. Song điểm trừ của phim cũng không ít, nhất là từ phần 2.

Nhiều tình tiết lặp đi lặp lại gây nhàm chán như cảnh bóc phốt, livestream... Một số nhân vật phụ (Diệp là ví dụ) được đẩy lên cao trào trên mức cần thiết, gây ức chế cho người xem. Tuyến nhân vật bà Bích, bà Xuân từng bị phản ứng vì cứ xuất hiện là ồn ào, cãi vã. Vai ông Sinh (Võ Hoài Nam đóng) có lúc bị dồn vào đường cùng, chịu bao nhiêu uất ức, tủi nhục. Kịch bản dường như đi theo hướng khán giả muốn bao nhiêu ức chế thì có bấy nhiêu.

Trong Hướng dương ngược nắng cũng vậy, chuyện mâu thuẫn con chung - con riêng, chính thất - tiểu tam, cuộc chiến giành quyền lực, tài sản tạo ra hàng tá biến cố. Nhân vật Minh Châu (Hồng Diễm hóa thân) bị đẩy đến tận cùng nỗi đau. Cô bị cưỡng hiếp, chịu oan ức và bỏ nhà ra đi. Vì chi tiết này, khán giả từng chỉ trích đội ngũ biên kịch.

Hệ quả của sự luẩn quẩn

Thương ngày nắng về, tác phẩm đang lên sóng giờ vàng VTV, là một minh chứng cho sự luẩn quẩn của kịch bản phim Việt hiện nay. So với bản gốc Mother of Mine, nhiều nội dung được thay đổi, giảm bớt hoặc thêm thắt để phù hợp với văn hóa, đời sống người Việt. Ở phần một, phim khá vừa vặn, đong đầy cảm xúc về tình cảm mẹ con.

Bắt đầu từ phần 2, có thể nói Thương ngày nắng về ngập bi kịch xoay quanh nhân vật Khánh (Lan Phương). Một bà mẹ chồng ghê gớm, đồng bóng, suốt ngày mắng chửi sa sả, một bà chị chồng mưu mô, thủ đoạn đóng vai trò đẩy kịch tính phim. Hai người song kiếm hợp bích, khiến khán giả "nhìn thôi đã thấy ghét".

Một lần nữa, biên kịch tiếp tục thành công trong việc cuốn khán giả vào mạch phim, khiến họ tức thay cho nhân vật, bức xúc thay cho nhân vật. Nhưng đáng tiếc, xét ở khía cạnh nội dung, kịch bản đã không còn đủ mới mẻ, hấp dẫn và sáng tạo. Nhiều tình tiết tạo cho người xem cảm giác đã thấy ở đâu đó hoặc có thể dễ dàng dự đoán diễn biến.

Thương ngày nắng về luẩn quẩn với các bi kịch.

Chẳng hạn, với cảnh Khánh bị chị chồng chuốc thuốc mê rồi lừa đưa đến nhà nghỉ, dàn cảnh ngoại tình, ngay khi ê-kíp tung trailer, nhiều khán giả đã bày tỏ chán ngán. Mô-típ nhân vật bị đẩy vào tình huống cưỡng bức, làm nhục vốn xuất hiện không ít trong các phim truyền hình Việt trước đây, có thể kể đến Hướng dương ngược nắng, Cô gái nhà người ta, 11 tháng 5 ngày, Tình yêu và tham vọng...

Cảnh nhân vật Thương (chị chồng Khánh) nhận quả báo, bị một nhóm người quây, đánh ghen và dằn mặt cũng đã quá quen thuộc trong phim Việt.

Tình huống Đức (Hồng Đăng) một mực đòi ly hôn Khánh do tưởng mắc bệnh nặng, rồi sau đó phát hiện nhầm kết quả được cho là cú "bẻ lái" của biên kịch. Nhưng thực tế, với những gì diễn ra, nhiều khán giả đã đoán trước kịch bản này nên không còn bất ngờ.

Vẫn biết chuyện hôn nhân, gia đình là mảnh đất màu mỡ để các biên kịch khai thác cho mảng phim truyền hình. Đây được coi là đề tài luôn hút khán giả. Nhưng có lẽ đã đến lúc người xem cần thêm những ý tưởng kịch bản thú vị, sáng tạo hơn, được nhìn từ góc khác của cuộc sống, thay vì chỉ tập trung xây dựng nhân vật và tình huống gây ức chế.

Trong một bài phỏng vấn trên Zing trước đây, khi bàn đến vấn đề hạn chế của kịch bản phim Việt, phóng viên từng đặt câu hỏi cho biên kịch Đặng Thiếu Ngân: "Sự phát triển mạnh mẽ của phim Hàn không thể không kể đến đội ngũ biên kịch tài năng, với những ý tưởng drama khác biệt, chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Họ làm phim về bác sĩ hay luật sư với kiến thức đầu tư sâu, rộng. Theo chị, đây có phải là điểm yếu của biên kịch Việt Nam?".

Biên kịch Đặng Thiếu Ngân đưa ra câu trả lời: "Tôi có dịp làm việc với một số biên kịch Hàn Quốc, có cả những ngôi sao biên kịch hạng A, B. Tôi thấy điểm khác biệt lớn nhất không phải là trình độ, khả năng mà là tâm thế và điều kiện khi sáng tác. Họ không giỏi mọi lĩnh vực, để viết về ngành y thì có kiến thức về y khoa. Họ cũng không phải đều khá về ngành luật, khi làm những phim liên quan pháp luật, hiến pháp... Họ cũng không cần lớn lên ở các khu ổ chuột, hay cũng không có quá khứ làm đặc nhiệm hay diễn viên".

Chị lý giải thêm: "Đơn giản, họ được làm nghệ thuật trong môi trường chuyên nghiệp, khi ngành công nghiệp giải trí là một ngành quan trọng, các tác phẩm của họ được đầu tư xứng đáng. Bạn cứ thử nghĩ đi, người viết biết cân đối cảm xúc thế nào, biết cắt gọt ra sao khi trong đầu mình là muôn vàn tình tiết hay, nhưng lại phải cân đong đo đếm xem liệu viết thế thì đoàn phim tìm đâu ra bối cảnh, mượn làm sao được đủ đạo cụ... Chính vì chúng ta chưa có được sự đồng bộ, còn thiếu nhiều yếu tố nên có những thứ biên kịch muốn nhưng không thể đưa hết vào kịch bản".

Theo Zing News