Truyền hình

Chuyên Mục

Khán giả ức chế với kiểu mẹ chồng ở 'Thương ngày nắng về'


Nhiều khán giả ví "Thương ngày nắng về" là phiên bản thứ hai của "Sống chung với mẹ chồng". Nhân vật bà mẹ quá đáng đều do NSND Lan Hương đảm nhận.


Phim truyền hình Thương ngày nắng về đang là chủ đề được bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn. Theo quan sát, khoảng từ tập 15 đến hiện tại (tập 21), nhiều khán giả bày tỏ ức chế khi xem phim. Bởi nội dung tập trung nhiều vào mâu thuẫn gia đình Khánh (Lan Phương) - Đức (Hồng Đăng). Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu được đẩy lên đỉnh điểm với liên tiếp tình huống cãi vã, mắng mỏ, thậm chí động tay động chân.

Xấu xí đến khó chấp nhận

Khánh không chỉ phải đối diện với mẹ chồng ghê gớm, mà còn đính kèm bà chị chồng nanh nọc, lươn lẹo. Sự ghê gớm của bà Hiền và nhân vật Thương được đội ngũ biên kịch khai thác triệt để, thậm chí đôi khi vô lý.

Chính vì lẽ đó, nhiều ý kiến cho rằng phim thời gian qua biến thành phiên bản “sống chung với mẹ chồng”.

Bà Hiền (NSND Lan Hương đóng) ở phần một phim vốn được xây dựng là người phụ nữ đồng bóng, suốt ngày váy áo lụa là và không ưa con dâu. Trong đời sống thường ngày, bà và Khánh cũng đụng độ, cơm không lành canh không ngọt. Song họ vẫn có những khoảnh khắc làm hòa, trò chuyện tương đối dễ chịu.

Sang phần hai, hầu hết phân cảnh của bà Hiền là gào thét, khóc lóc, mắng nhiếc con dâu. Bà dùng những từ nặng nề nhất cho Khánh, chẳng hạn "Cái loại chuyên phá hoại, hỗn láo, đáng lẽ tôi phải dắt về trả cho mẹ nó lâu rồi" hoặc "Nhà tôi vô phúc mới có ngữ con dâu như chị".

Mẹ chồng và chị chồng quá quắt khiến khán giả ức chế.

Trong một cảnh của tập 12, Khánh và chị chồng xảy ra tranh cãi, xô đẩy. Thương vu oan Khánh đẩy cô ngã. Bà Hiền từ trong nhà chạy ra, chưa rõ đầu đuôi sự việc, lập tức tát Khánh đau điếng và chì chiết Đức: "Chỉ có thằng đàn ông ngu mới đội vợ lên đầu thôi".

Đến khi Thương vỡ nợ, khiến cha mẹ phải bán nhà, làm liên lụy gia đình Đức, bà Hiền và Thương vẫn không xuống nước một phút. Ở nhờ trong ngôi nhà của vợ chồng Khánh nhưng Thương lúc nào cũng lườm nguýt, tỏ thái độ vênh váo, cao giọng với em dâu. Thương tự ý lấy áo của Khánh mặc, ăn đồ ăn Khánh nấu riêng cho con. Bà Hiền thì liên tục móc mỉa, nói xấu Khánh.

Dã tâm của Thương còn được lột tả qua chi tiết chuốc thuốc mê, dàn dựng để Khánh bị sàm sỡ, làm nhục trong khách sạn.

Tính cách xấu xí đến mức không chấp nhận được của mẹ chồng, chị chồng khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi, ức chế khi xem phim. Nhiều ý kiến chia sẻ nhìn vào cuộc sống hôn nhân của Khánh, họ chỉ thấy màu sắc tiêu cực, ngột ngạt, khổ sở.

Chưa kể, chuyện mẹ chồng - nàng dâu ngày nay cũng khác xưa rất nhiều. Trường hợp tai quái như bà Hiền không phải không có nhưng không còn điển hình. Cách đây 5 năm, khi Sống chung với mẹ chồng lên sóng, dư luận từng tranh cãi vấn đề này. Và sau 5 năm, một kịch bản với những tình huống tương tự lại tái hiện trên màn ảnh. Khán giả lúc này có quyền đặt câu hỏi chẳng lẽ sau ngần ấy thời gian, bức tranh mẹ chồng - nàng dâu mãi chỉ như vậy. Ít nhất, người xem muốn thấy một cách thể hiện mới và sáng tạo hơn.

"Tôi không xem bộ phim này nhưng vợ tôi xem. Mỗi lần đến phim, cả nhà như cãi nhau, tiếng gào thét, kêu ca của nhân vật khiến tôi ở ngoài cũng thấy mệt mỏi, ức chế tâm lý" - một người xem bày tỏ.

Trên fanpage của phim, nhiều khán giả thể hiện tâm trạng bức xúc đến mức ngỏ ý xin đạo diễn cho vào phim để xử lý nhân vật mẹ chồng và chị chồng, giải oan cho Khánh. Sau tập 21, vai Đức của Hồng Đăng cũng bị ném đá không thương tiếc khi người chồng một mực đòi ly hôn. Trong khi, Khánh, sau bao nhẫn nhịn oan ức, vẫn cố níu kéo vì thương hai con.

"Xem phim mà khóc cười lẫn lộn, tăng xông, chỉ còn thiếu nước muốn tìm đường vào cái tivi để tìm bà chị chồng, thêm bà mẹ chồng rồi cả anh chồng nữa để cho mỗi người một trận. Xem tức quá", "Bao giờ hết chuỗi drama, tôi sẽ quay lại xem phim", "Nhân vật Khánh khổ đến mức ám ảnh người xem", "Đức quá nhu nhược"... là những bình luận từ người xem.

Thông điệp bộ phim ở đâu

Sau loạt drama như đã đề cập ở trên, một bộ phận khán giả đặt câu hỏi về thông điệp cốt lõi mà phim muốn truyền tải. Có ý kiến cho rằng tác phẩm không còn đi đúng mạch ban đầu là tình mẫu tử thiêng liêng. Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khách quan, Thương ngày nắng về chưa bị đi chệch quỹ đạo. Việc sa đà vào mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu là nguyên nhân khiến người xem có cảm nhận khác đi về tổng thể tác phẩm.

Ở tập 21 vừa qua, khán giả lại rưng rưng nghẹn ngào khi chứng kiến hình ảnh bà Nga (nghệ sĩ Thanh Quý) khóc hết nước mắt vì thương con gái. Diễn xuất và lời thoại của NSƯT Thanh Quý chân thực, gần gũi đời sống. Bà Nga vừa khóc vừa nói: “Mẹ thương chị Khánh quá, sao nó lại khổ sở thế Trang ơi. Bỏ nhau rồi sau này sống như thế nào. Mẹ phải đi gặp thằng Đức để xin lỗi nó vì đã bán con vẹt của nó. Mẹ phải xin lỗi cả ông bà thông gia nữa. Mày không thương chị mày à”.

Nghệ sĩ Thanh Quý diễn xuất ấn tượng.

Khoảnh khắc bà Nga và Khánh ôm nhau nức nở sau biến cố cũng là cảnh hay của phim. Câu nói vỗ về “Có mẹ đây rồi, về nhà với mẹ” từ bà Nga khiến nhiều người đồng cảm và cuốn theo cảm xúc nhân vật.

Nếu tiết chế việc đẩy drama, hạn chế thêm thắt tình tiết dài dòng, Thương ngày nắng về có thể sẽ vẫn được khán giả đón nhận nhiều hơn, thay vì phản ứng tiêu cực như những ngày qua.

Theo Zing News