Truyền hình

Chuyên Mục

Phim truyền hình Việt sôi động năm 2021


"Hương vị tình thân", "Hướng dương ngược nắng" và "Cây táo nở hoa" là những phim được người Việt tìm kiếm nhiều nhất trong năm.


Lĩnh vực truyền hình trở mình trong năm nay, giữa bối cảnh các rạp chiếu phim điện ảnh đóng cửa, nhiều hoạt động giải trí bị đình trệ. Các phim tạo sức nóng chủ yếu xoay quanh đề tài tâm lý tình cảm. Theo thống kê của Google, Hương vị tình thân, Hướng dương ngược nắng, Cây táo nở hoa được tìm kiếm nhiều nhất trên ứng dụng này.

Nghệ sĩ Khải Hưng cho biết ông theo dõi tất cả phim truyền hình chiếu năm qua. Theo ông, phim Việt hiện nay thu hút vì đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người xem với các đề tài gần gũi, liên quan gia đình như mối quan hệ vợ chồng, mẹ chồng nàng dâu, mâu thuẫn con chung con riêng. "Những năm trước, mỗi năm chỉ có một, hai tác phẩm gây chú nhưng giờ đây, các phim tạo sức hút đều từ đầu đến cuối năm. Tôi nghĩ đây là dấu hiệu đáng mừng của ngành truyền hình", Khải Hưng nói.

10 phim Việt có rating cao nhất tính đến hết tháng 10 năm nay, với nhóm khán giả từ 15 - 54 tuổi. Nguồn: Kantar Media Vietnam

Ngoài các phim đề tài gia đình, đạo diễn gạo cội cũng đánh giá cao một số phim đề tài khác về cuộc sống nông thôn (Phố trong làng, Mùa hoa tìm lại) hay tuổi trẻ khởi nghiệp (11 tháng 5 ngày), hình sự (Mặt nạ gương, Hồ sơ cá sấu). Ông cho rằng: "Đội ngũ biên kịch, đạo diễn đã nỗ lực mở rộng nội dung, chọn những gương mặt mới để tạo màu sắc cho phim truyền hình, đồng thời qua đó truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về lòng tốt, sự nỗ lực trong cuộc sống".

So với vài năm trước, thành tích từng bộ phim chưa vượt qua Người phán xử (2017, rating 5,42%), Quỳnh Búp Bê (2018, rating có thời điểm lên đến 10%). Tuy nhiên, các tác phẩm được sản xuất nhanh, chất lượng đồng đều hơn. Theo số liệu từ Kantar Media Vietnam, nhiều phim có rating trên 4% như Mặt nạ gương (4,8%), 11 tháng 5 ngày (4,7 %), Mùa hoa tìm lại (4,4%), Hãy nói lời yêu (4,4%), Hướng dương ngược nắng (4,1%). Con số này tương đương cơn sốt của Gạo nếp gạo tẻ (2018, rating 4,7), vượt qua một số phim nổi bật khác như Tiếng sét trong mưa (2019, rating 3,6), Tình yêu và tham vọng (2020, rating 2,9). Nhiều phim như Hương vị tình thân, Ngày mai bình yên thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu" (vừa quay vừa phát sóng) trong thời dịch.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng của phim Hương vị tình thân cho biết êkíp thông thường, đoàn phim có khoảng 70-80 người, hiện rút xuống còn khoảng một nửa. Mọi người tuân thủ quy định 5K khi làm việc. Anh cũng phải đứng từ xa chỉ đạo, dùng loa điều phối. Họ gặp khó trong việc xin bối cảnh, nhất là ở ngoài trời, thường phải chọn những khu xa dân cư. Mỗi khi ra ngoại thành quay, anh và cả êkíp phải xét nghiệm ngay trong đêm để kịp có kết quả, đủ điều kiện di chuyển. Êkíp phim Ngày mai bình yên chọn nhiều bối cảnh trong nhà, đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ, nhân viên đoàn phim.

Điểm trừ của phim Việt là một số kịch bản chịu ảnh hưởng từ nước ngoài, ôm đồm nhiều chi tiết, dẫn đến tình trạng "đầu voi đuôi chuột", đuối khi kéo dài. Hương vị tình thân được chuyển thể từ kịch bản My only one trong khi Cây táo nở hoa Việt hóa từ What’s wrong, Poong Sang, đều của Hàn Quốc. Dù là tác phẩm do nhóm kịch bản người Việt sáng tạo, một số khán giả nhận xét Hướng dương ngược nắng gợi nhớ không khí của nhiều phim tranh đấu gia tộc của Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong.

Phim mới phát sóng gần đây - Thương ngày nắng về - cũng chuyển thể từ Mother of Mine của Hàn. Trên mạng xã hội, một số khán giả nhận xét tình tiết mẹ đẻ ép con gái bán thân, bỏ cháu không phù hợp thực tế, văn hóa Việt. Các phim này đều hấp dẫn ở giai đoạn đầu, lê thê chặng giữa, cài cắm nhiều tình tiết kịch tính đến vô lý.

Dù vướng một số tranh cãi, nhiều phim níu chân người xem nhờ diễn xuất của dàn nghệ sĩ như Võ Hoài Nam, Phương Oanh, Mạnh Trường, Quách Thu Phương (Hương vị tình thân), Thái Hòa, Hồng Ánh, Nhã Phương (Cây táo nở hoa), Thu Hà, Lương Thu Trang, Việt Anh (Hướng dương ngược nắng). Ngoài ra, đa số phim có kết thúc nhân văn, hướng người xem đến những giá trị tốt đẹp.

Theo Vnexpress