Người nổi tiếng

Chuyên Mục

Trấn Thành lên tay nhưng vẫn còn những vụng về đáng tiếc


Khi bàn về "Bố già" (2021), tờ Variety từng nhận định Trấn Thành hoàn toàn có thể vươn ra quốc tế nếu tiết chế được sự ồn ào. Và đến "Mai", vị đạo diễn đã có những tiến bộ rõ rệt.


Gặt hái hơn 1.000 tỷ đồng chỉ sau 3 bộ phim điện ảnh, Trấn Thành lập kỷ lục là đạo diễn Việt đầu tiên chạm tay đến cột mốc doanh thu này. Những tác phẩm của anh không chỉ tạo nên cơn sốt phòng vé, mà còn gây tiếng vang trên các phương tiện truyền thông.

Thành công trên mặt trận thương mại, song đó nay, phim của Trấn Thành vẫn thường vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Giới chuyên môn chưa đánh giá anh quá cao. Trấn Thành cũng bị gắn với các mác "làm phim bình dân", chủ yếu hướng đến tính giải trí đại chúng.

Bố già và Nhà bà Nữ dù sở hữu câu chuyện cảm động, dễ theo dõi nhưng mắc nhiều lỗi trong kịch bản lẫn cách trình bày, mặt khác còn mang nặng tính truyền hình. Song tới Mai, vị đạo diễn đã cho thấy sự chuyển mình rõ rệt.

Phim của Trấn Thành đã bớt tính kịch

Ở Bố già và Nhà bà Nữ, Trấn Thành lựa chọn khởi đầu bằng việc giới thiệu bối cảnh sống của nhân vật. Theo đó, bầu không khí nhộn nhịp, vui tươi được tạo dựng sớm, giúp người xem thoải mái khi bước vào bộ phim. Song, một hạn chế của cách làm này là việc giới thiệu quá nhiều nhân vật trước khi tập trung vào nhân vật chính, vô hình trung khiến hồi một trở nên lộn xộn, khó theo dõi.

Với tác phẩm mới nhất, nam nghệ sĩ đã cho thấy những tiến bộ rõ rệt trong tư duy làm phim. Anh bắt đầu câu chuyện của Mai bằng một cảnh quay khuất mặt nhân vật. Chỉ qua một vài lời thoại, những đặc điểm then chốt của nữ chính như lối sống, cá tính dần hiện lên. Mặt khác, thước phim cũng mang tính kể chuyện cao khi bó buộc nhân vật vào khu chung cư cũ, tạo cảm giác bức bối, ngột ngạt.

Việc đạo diễn sử dụng cảnh quay ngắn để truyền tải nhiều thông tin rất đáng khen ngợi. Cùng với đó, những câu thoại trong Mai cũng vơi bớt tính giáo điều, trở nên đời thường hơn, dung dị hơn.

Với Mai, Trấn Thành đã giảm ồn ào đi đáng kể.

Tiếp nhận lời góp ý từ khán giả, sự ồn ào trong phim Trấn Thành đã giảm đi trông thấy. Thay vì xây dựng những tình huống đậm chất truyền hình, những màn cãi cọ huyên náo như các tác phẩm trước, nam đạo diễn đã biết cách dùng tình huống làm bàn đạp để nhân vật phát triển.

Cùng nhau vượt qua những khó khăn, Mai và Dương từng bước hình thành sự gắn kết. Trấn Thành dành nhiều thời lượng vun đắp bản tình ca của họ. Để từ đó, khán giả có cơ hội cảm nhận sâu những chuyển biến tâm lý, đồng cảm trước những gì nhân vật đã trải qua.

Vận dụng ngôn ngữ điện ảnh

Một trong những điểm khiến phim của Trấn Thành vướng phải tranh cãi là việc lạm dụng thoại. Thậm chí trong hai tác phẩm trước, thoại được sử dụng như một phương thức kể chuyện duy nhất.

Tuy nhiên ở Mai, Trấn Thành đã học được cách đan cài nhịp nhàng nhiều ngôn ngữ điện ảnh khác. Nổi bật nhất là thủ pháp kể chuyện bằng hình ảnh, thứ đã phủ lên tác phẩm của anh lớp chất liệu nghệ thuật ấn tượng.

Ngoài phân cảnh mở đầu, Mai còn nhiều khung hình "biết nói" khác. Đơn cử như khi tranh cãi nổ ra, góc máy đặt Mai trong khung nhà gỗ và đẩy Dương ra ngoài, ẩn ý cho những trách nhiệm nặng nề mà nữ chính phải đơn độc gánh chịu suốt bấy lâu nay. Hay kể cả khi Dương mạnh dạn tiến vào, giữa hai người vẫn có bức tường ngăn cách, phần nào đó gợi ý cho cái kết của cuộc tình đầy sóng gió.

Với Mai, hình ảnh tham gia rất nhiều vào câu chuyện.

Một phân cảnh khác, khi Mai và mẹ Dương trong nhà thờ, khung hình bị chia ra làm hai như miêu tả việc họ không chung một hướng đi.

Ngoài ra, phim còn có nhiều chi tiết mang tính biểu tượng như khung cửa sắt giam cầm Mai, hay đôi cá cảnh đại diện cho tình yêu giữa hai người.

Một thủ pháp khác được vận dụng là cắt cảnh và đặt góc quay. Trấn Thành thường xuyên sử dụng góc máy toàn và trung, khuất mặt nhân vật, đặt khán giả trong góc nhìn của "một bên thứ ba" chứng kiến mọi chuyện. Điều này vừa duy trì sự bí ẩn, vừa tạo ra cảm giác bất an. Để rồi khi câu chuyện hạ màn, người xem chợt ngậm ngùi khi nhận ra những dự cảm không lành trước đó là chính xác.

Cuối cùng, cách biên tập âm thanh cũng là một điểm cộng. Khác với những tác phẩm trước, khi âm nhạc được dùng để mồi chài, dẫn dụ cảm xúc khán giả, Mai chứa đựng nhiều khoảng lặng hợp lý, cho người xem thời gian suy ngẫm. Nhạc phim cũng chỉ được lồng trong những thời khắc quan trọng, đắt giá.

Những vụng về đáng tiếc

Với Mai, có lẽ Trấn Thành hơi “tham”. Nhịp phim quá nhanh so với một tác phẩm tình cảm, lãng mạn, mặt khác lại phô trương tới dư thừa những khung hình nghệ thuật đối với một tác phẩm giải trí đơn thuần. Dù có nhiều khung hình đắt giá, song thời lượng chúng xuất hiện khá ngắn, gây khó trong việc nhận diện. Có lẽ, Trấn Thành cũng không dám mạo hiểm kéo chậm nhịp phim vì sợ đánh mất sự hứng thú của khán giả.

Mai có nhiều điểm đáng khen nhưng chưa hoàn hảo.

Sau cảnh mở đầu có phần chậm chạp, nhịp phim đột ngột bị đẩy nhanh bằng phân đoạn sinh hoạt xô bồ nơi chung cư. Điều đó vô tình khiến tác phẩm bị loạn về nhịp lẫn thể loại ở hồi đầu.

Một điểm trừ khác là phân cảnh kinh dị xuất hiện kém duyên, không ăn nhập với không khí tác phẩm. Cùng với đó, một số chi tiết bị cường điệu, mang màu sắc “Trấn Thành” vẫn rơi rớt ở một vài phân đoạn, khiến trải nghiệm xem Mai chưa thật sự trọn vẹn.

Cuối cùng, Trấn Thành thường có xu hướng đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm, sau đó giải quyết bằng một tai nạn bất ngờ. Cách làm này đã cũ kỹ, có phần thiếu sáng tạo.

Nhìn chung, Mai dù còn hạn chế nhưng vẫn là bước tiến lớn trong phong cách, tư duy làm phim của Trấn Thành, giúp anh thoát khỏi cái mác "làm phim bình dân". Vị đạo diễn còn nhiều điểm cần cải thiện nếu muốn đưa điện ảnh Việt Nam bước ra thế giới, như những gì anh đã chia sẻ.

Theo Zing News