Người nổi tiếng

Chuyên Mục

Mạo danh Trấn Thành, Trường Giang để trục lợi có thể đối mặt án tù


Luật sư cho biết hành vi giả mạo game show, nghệ sĩ để lừa lấy tiền phụ huynh có dấu hiệu của tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định pháp luật.


Sau bài viết “Chiêu lừa đảo mạo danh Trấn Thành, Trường Giang", đăng tải trên Znews ngày 5/12, PV Tri thức nhận nhiều phản ánh từ các phụ huynh. Không ít người tiết lộ từng là nạn nhân từ những chiêu trò tinh vi của nhóm đối tượng lừa đảo thông qua hình thức lập fanpage game show giả mạo.

Về phía nhà sản xuất, đại diện các công ty giải trí như Vie Channel, Điền Quân… cho biết họ từng đăng tải nhiều bài viết trên các kênh chính thống để cảnh báo phụ huynh tránh sập bẫy lừa đảo. Tuy nhiên, vấn nạn này vẫn không giải quyết triệt để.

Mỗi ngày trôi qua, những fanpage mạo danh chương trình truyền hình dành cho thí sinh nhí vẫn mọc lên như nấm sau mưa.

Nhà sản xuất bất lực trước vấn nạn mạo danh game show nhí

Ngoài Nhanh như chớp nhí thuộc Vie Channel, nhiều game show giải trí khác dành cho trẻ em cũng bị nhóm đối tượng lừa đảo mạo danh.

Chương trình Biệt tài tí hon do công ty giải trí Điền Quân sản xuất, bị lập hàng loạt trang giả mạo trên các nền tảng mạng xã hội, có thể kể đến như Biệt tài tí hon - Thắp sáng thế hệ tương lai (4,2 nghìn lượt follow).

Loạt game show nhí của Vie Channel, Điền Quân bị giả mạo.

Trên fanpage này, các đối tượng lừa đảo sao chép hình ảnh, nội dung, video từ trang chính chủ của chương trình và chạy quảng cáo công khai. Đồng thời, họ còn liên tục đăng tải thông tin casting cho Biệt tài tí hon nhí mùa 5 với những giải thưởng hấp dẫn để thu hút phụ huynh như quán quân sẽ nhận giải thưởng 150 triệu đồng; á quân: 80 triệu đồng; các bé lọt tới vòng chung kết sẽ được nhà tài trợ chương trình trao tặng một chuyến du lịch cùng gia đình tại Hawaii…

Sau khi dụ dỗ được các phụ huynh nhẹ dạ cả tin, nhóm này dẫn dắt họ tới một group kín rồi yêu cầu tham gia thử thách, chuyển tiền, nhận hoa hồng từ các hoạt động…

Như vậy, cách thức mà nhóm đối tượng lừa đảo này áp dụng hoàn toàn giống với chiêu trò mà PV Tri thức (Znews) đã đề cập ở bài viết trước đó.

Một game show khác của công ty Điền Quân là Người hùng tí hon cũng bị lập hàng loạt fanpage giả mạo trong thời gian qua.

Trao đổi với PV Tri thức (Znews), đại diện truyền thông của Điền Quân cho biết tình trạng các chương trình dành cho trẻ em bị mạo danh xuất hiện đầy rẫy trên các nền tảng mạng xã hội.

Mỗi ngày, công ty nhận được nhiều cuộc gọi của các phụ huynh để phản ánh về việc bị lừa tiền thông qua hình thức thu lệ phí ban đầu trước khi cho con tham gia cuộc thi.

"Cách đây không lâu, chúng tôi cũng đã làm một clip ngắn để cảnh báo các phụ huynh phải cảnh giác, không nên tin lời quảng cáo của những kênh lừa đảo để tránh rơi vào bẫy. Phụ huynh phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đăng ký cho con cái của mình tham gia casting bất cứ chương trình nào", người này trao đổi.

Ngoài ra, đại diện của Điền Quân cũng thông tin họ từng cung cấp các hồ sơ để tố giác lên công an, phối hợp xử lý. Song tình trạng giả mạo game show, lợi dụng hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng vẫn không được giải quyết triệt để.

Về phía Vie Channel, nhà sản xuất đưa ra khuyến cáo: "Chúng tôi có nhận được thông tin một số cá nhân mạo danh chương trình Nhanh như chớp nhí trên các trang mạng xã hội, gọi điện thoại nhằm kêu gọi tham gia các hoạt động, casting... cho mùa 5. Hiện tại, chúng tôi không tổ chức bất kỳ hoạt động, buổi casting nào cho mùa 5 của chương trình. Trong tương lai, nếu tổ chức, mọi thông tin liên quan chỉ được chúng tôi thông báo trên fanpage chính thức của chương trình".

Trước câu hỏi của PV Tri thức (Znews) về việc dù nhà sản xuất đã lên tiếng cảnh báo song tình trạng mạo danh chương trình vẫn tiếp diễn, đại diện Vie Channel nói về động thái tiếp theo: "Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với Meta để loại bỏ bớt các page giả".

Mạo danh game show, nghệ sĩ là hành vi vi phạm pháp luật

Theo luật sư Nguyễn Tiến Hải Dương, Giám đốc công ty luật TNHH MDLF, Đoàn luật sư TP.HCM, hành vi tạo tài khoản giả mạo chương trình dành cho trẻ em để lừa đảo phụ huynh đã xâm phạm tới hai khách thể (đối tượng) chính.

Đầu tiên là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu (thương hiệu) của các chủ sở hữu. Cụ thể, Nhanh như chớp nhí hiện thuộc sở hữu của công ty Vie Channel. Việc các đối tượng lừa đảo sử dụng tên gọi và logo chương trình để đăng tải lên các fanpage giả mạo là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty này.

Ngoài ra, hành vi nói trên cũng xâm phạm tài sản của các nạn nhân bị lừa đảo.

Nhóm đối tượng lừa đảo dụ dỗ phụ huynh bằng những mức giải thưởng hấp dẫn.

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, danh dự và uy tín, cũng như ngăn chặn tình trạng lừa đảo tiếp diễn, nhà sản xuất chương trình có thể báo cáo vi phạm bản quyền với Facebook.

Ngoài ra, trong trường hợp biết được danh tính đối tượng vi phạm, tổ chức, cá nhân có thể tố giác đối tượng đó với cơ quan công an và khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền.

Tuy nhiên, luật sư cũng cho biết trên thực tế, các đối tượng vi phạm rất tinh vi và thường không để lộ thông tin. Vì thế, biện pháp khả thi nhất là thường xuyên cảnh báo người dùng và tích cực báo cáo vi phạm bản quyền với Facebook.

Ngoài ra, nhà sản xuất có thể hỗ trợ các nạn nhân, tập hợp lại cùng trình báo tội phạm, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, xử lý.

"Mặc dù vậy, cũng cần phải lưu ý rằng hiện nay, việc lừa đảo qua mạng với hình thức tương tự như thế này đang rất phố biến. Các đối tượng lừa đảo thường sinh sống ở nước ngoài và lừa đảo về Việt Nam. Chúng thường thuê tài khoản ngân hàng của người khác ở Việt Nam để nhận tiền lừa đảo rồi sau đó rút tiền mặt ra. Do đó, việc truy lùng tung tích của các trường hợp lừa đảo qua mạng như thế này là cực kỳ khó khăn", luật sư Hải Dương nói.

Theo luật sư, hành vi giả mạo chương trình truyền hình, nghệ sĩ để lừa lấy tiền của phụ huynh thí sinh là hoàn toàn có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự. Theo Điều 174 của Bộ luật hình sự hiện hành, người phạm tội lừa đảo có thể bị xử phạt với mức thấp nhất là cải tạo không giam giữ và mức cao nhất là tù chung thân tùy vào tính chất vi phạm, giá trị số tiền lừa đảo.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo dự thảo, các mạng xã hội phải xác thực người dùng bằng số điện thoại di động, phải giải quyết khiếu nại của người dùng và gỡ bỏ các nội dung vi phạm trong vòng 48 giờ khi có thông tin xác minh vi phạm.

"Sau khi Nghị định này có hiệu lực, Nhà nước và người dân có thể có những công cụ hữu hiệu hơn để bảo vệ quyền lợi của mình, ngăn chặn tình trạng lừa đảo qua mạng", luật sư chia sẻ.

Theo Zing News