Chuyện màn ảnh

Chuyên Mục

'Đất rừng phương Nam' thu gần 45 tỷ đồng sau ba ngày


"Đất rừng phương Nam" - phim kinh phí 40 tỷ đồng - đạt gần 45 tỷ đồng sau ba ngày chiếu sớm, dù bị chỉ trích "sai lệch lịch sử".


Theo đại diện Box Office Vietnam - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, phim thu hút 465 nghìn lượt khán giả sau ba ngày chiếu sớm, đứng đầu bảng xếp hạng cuối tuần qua (13-15/10).

Tác phẩm vượt trội so với các phim còn lại, như The Exorcist: Believer (1,7 tỷ đồng), Wolfoo and The Mysterious Island (1,6 tỷ đồng). Suất chiếu của Đất rừng phương Nam tại khu vực phía Nam, nhất là ở TP HCM, chiếm tỷ lệ lớn - khoảng 80% tổng số suất trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Khánh Dương - nhà sáng lập Box Office - đánh giá doanh thu mở màn của Đất rừng phương Nam tốt, song kém bùng nổ so với Bố già (2021) - từng đạt 63 tỷ đồng sau ba ngày chiếu sớm, cũng do Trấn Thành đồng sản xuất. Nhà bà Nữ (2023) - một phim khác của Trấn Thành - hiện nắm kỷ lục với thành tích 100 tỷ đồng sau ba ngày. Tuy nhiên, tác phẩm này chiếu vào dịp Tết, thời điểm sức mua vé thường tăng cao so với ngày thường.

Trấn Thành (áo xanh) cùng êkíp giao lưu khán giả Hà Nội tại buổi cine-tour "Đất rừng phương Nam" cuối tuần qua. Ảnh: Huyền Đỗ

Theo chuyên gia, phim có thể sẽ duy trì sức "nóng" khi chiếu chính thức vào ngày 20/10. Sau suất chiếu sớm, phim chịu nhiều ý kiến chỉ trích việc gây hiểu nhầm khi "nâng tầm vai trò của Thiên Địa hội". Hôm 15/10, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Điện ảnh - cho biết nhà sản xuất đề xuất phương án chỉnh sửa phim. Theo đó, tác phẩm sẽ bỏ tên Thiên Địa hội và Nghĩa Hòa đoàn ra khỏi các lời thoại, thay bằng tên Chính Nghĩa hội và Nam Hòa đoàn. Sự thay đổi này nhằm tránh cho người xem liên tưởng đến hai hội nhóm thời nhà Thanh Trung Quốc.

Bên cạnh đó, phim sẽ đặt dòng chữ "bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi" lên đầu. Những chỉnh sửa này sẽ được trình lên Cục Điện ảnh, trước khi phim ra rạp chính thức.

Đất rừng phương Nam lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi. Câu chuyện xoay quanh An (Hạo Khang) - cậu bé lưu lạc ở miền Tây trên đường tìm cha, ở bối cảnh đầu thế kỷ 20. Trên hành trình đó, An được nhiều người dân giàu nghĩa khí giúp đỡ, học cách chấp nhận mất mát để trưởng thành. Giống phiên bản năm 1997 (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), phim đan xen câu chuyện tìm người thân của bé An cùng phong trào khởi nghĩa chống thực dân Pháp của người Nam bộ.

Trấn Thành được đạo diễn Quang Dũng, nhà sản xuất Trinh Hoan mời cùng đầu tư dự án. Diễn viên từng cho biết choáng váng khi êkíp báo kinh phí dự kiến, vì con số quá lớn, phân vân liệu có nên tham gia. Sau khi đọc kịch bản, nhớ lại bản truyền hình năm 1997 - ký ức tuổi thơ một thời, Trấn Thành quyết định góp sức.

VnExpress