USA UK

Chuyên Mục

Lý do diễn viên 'Romeo and Juliet' kiện Paramount sau 55 năm


Hai diễn viên chính của "Romeo and Juliet" đòi bồi thường hơn 500 triệu USD vì cảnh khỏa thân trong bộ phim được quay gần 55 năm trước.


Khi quay Romeo and Juliet của đạo diễn Franco Zeffirelli, Olivia Hussey (71 tuổi) và Leonard Whiting (72 tuổi) khi đó lần lượt 15 và 16 tuổi. Họ đã kiện hãng Paramount lên tòa án ở quận Los Angeles với các tội danh lạm dụng tình dục, quấy rối tình dục và lừa đảo. Trang India Express giải thích các nguyên nhân khiến họ đệ đơn kiện sau hàng chục năm kể từ khi phim phát hành.

Olivia Hussey (phải) và Leonard Whiting trong phim. Ảnh: Paramount Pictures

Vào năm 2020, bang California cho người dân trên 40 tuổi thêm ba năm để có thể nộp đơn kiện lạm dụng tình dục mà họ phải chịu khi còn nhỏ, ngay cả các sự việc xảy ra trong quá khứ, đã hết thời hiệu xét xử theo luật. Thời gian gia hạn kết thúc ngày 31/12/2022, đơn kiện của Hussey và Whiting được đệ trình trước đó một ngày. Họ không phải trường hợp duy nhất sử dụng thời hạn ba năm để khiếu nại. Theo báo cáo của Los Angeles Times, từ ngày 28/12 đến 31/12/2022, hàng nghìn đơn kiện đã được đệ trình, với hơn 2.000 vụ chống lại các tổ chức Giáo hội Công giáo.

Romeo and Juliet thành công tại phòng vé và nhận bốn đề cử Oscar. Tuy nhiên, phim cũng gây tranh cãi về các cảnh phòng the của hai nhân vật chính, để lộ phần mông của Whiting và toàn bộ ngực của Hussey. Hai diễn viên cho biết chịu đựng sự đau khổ về tinh thần và tình cảm trong suốt 55 năm qua, tính từ khi phim ra mắt. Bất chấp thành công của dự án, sự nghiệp cặp sao phát triển rất hạn chế sau đó.

Solomon Gresen, người đại diện của các diễn viên, cho biết thiệt hại Romeo and Juliet gây ra với hai ngôi sao vẫn không giảm bớt, đặc biệt là khi bộ phim mới được phát hành lại. "Paramount sở hữu những hình ảnh khỏa thân của trẻ vị thành niên mà họ biết nên được xóa khỏi phim. Vụ kiện này chắc chắn sẽ là khởi đầu" Gresen nói.

Cây viết Peter Bradshaw của Guardian nhận xét đơn kiện của Leonard Whiting và Olivia Hussey có thể giúp phong trào #MeToo một lần nữa dậy sóng tại Hollywood. Nhà phê bình cho biết nguyên nhân chính gây ra các tranh cãi là một số phương thức làm phim trong quá khứ có thể bị xem không phù hợp so với bối cảnh hiện đại. Bradshaw lấy ví dụ danh tiếng của Bernardo Bertolucci đã bị tổn hại vĩnh viễn khi ông thú nhận không báo trước cho nữ chính Maria Schneider biết chi tiết về cảnh "nóng" trong Last Tango in Paris (1972). Đạo diễn người Italy chỉ thú nhận sau khi Schneider qua đời năm 2011.

Hiện tại, đạo diễn người Áo Ulrich Seidl cũng vướng lùm xùm liên quan đến bộ phim Sparta, với nội dung kể về một kẻ ấu dâm. Ông bị cáo buộc không giải thích chủ đề này cho các diễn viên nhí của mình, ở độ tuổi từ chín đến 16 trước khi tham gia dự án. Seidl nói phim của ông "không phải là sản phẩm để thao túng tư tưởng hay lạm dụng trẻ".

Theo Peter Bradshaw, nhiều nhân vật đã nhận thức và chấp nhận hiện thực này khi tham gia vào ngành phim. Ông lấy ví dụ minh tinh Brooke Shields và các vai diễn gai góc như cô gái vị thành niên bị bóc lột tình dục trong Pretty Baby (1978) hay nhân vật thiếu niên khám phá ra xu hướng tính dục của mình trong The Blue Lagoon (1980). "Cô ấy không hề hối tiếc mặc dù đã nhìn thấy bản chất bóc lột của ngành này rõ ràng như bất kỳ ai", Bradshaw viết trên Guardian.

Tuy nhiên, cách ứng xử của Brooke Shields không thể quy đồng cho các ngôi sao khác ở Hollywood. Trong quá khứ, nhiều nữ diễn viên phải đóng các cảnh thân mật từ sớm để có bàn đạp phát triển sự nghiệp. Kirsten Dunst từng hôn Brad Pitt khi đóng Interview With the Vampire năm 11 tuổi. Cô từng cho biết cảm thấy không thoải mái với cảnh đó nhưng không bình luận thêm. Theo Peter Bradshaw, kết quả vụ kiện giữa cặp sao của Romeo and Juliet và hãng Paramount Pictures có thể mở ra một làn sóng kiện tụng mới tại Hollywood, như cách phong trào #MeToo bùng nổ vài năm trước.

VnExpress