Âm nhạc

Chuyên Mục

Kpop xuống cấp


Chuyên gia nhận định việc mất đi cá tính, màu sắc riêng khiến Kpop ngày càng tụt lùi và giảm sức cạnh tranh trên thị trường âm nhạc quốc tế.


Theo Edaily, những tác dụng từ quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Kpop đang được bộc lộ ở khắp mọi nơi. Quy mô của ngành công nghiệp Kpop tăng lên đáng kể trong vài năm qua nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về việc thị trường này mất dần sự cạnh tranh do thiếu đi màu sắc riêng biệt giữa các thần tượng.

Các chuyên gia cho rằng xung đột nội bộ giữa tập đoàn HYBE và giám đốc điều hành ADOR Min Hee Jin nổ ra gần đây là kết quả của một vết thương đã mưng mủ suốt thời gian dài.

Xung đột giữa hai công ty bắt đầu khi Min Hee Jin tố ILLIT, nhóm nhạc trực thuộc Belift Lab, một công ty con của HYBE sao chép ý tưởng từ NewJeans (do ADOR quản lý). Edaily nhận định vấn đề trên hoàn toàn trái ngược với tuyên bố HYBE từng đưa ra là tạo nên sức mạnh tổng hợp với các màu sắc khác biệt.

Từ câu chuyện của HYBE, nhiều chuyên gia lo ngại khi Kpop hiện giờ đặt sự nổi tiếng và lợi nhuận lên trên cá tính, màu sắc âm nhạc. Trong tình huống đó, Kpop có thể tụt dốc ngay lập tức.

Shim Hee Cheol, giáo sư quản lý giải trí tại Viện Truyền thông và Nghệ thuật Dong-ah, cho biết: “Từ 'pop' trong 'Kpop' một phần ngụ ý rằng thể loại âm nhạc này rất phổ biến. Tuy nhiên, nếu chỉ theo đuổi các yếu tố đại chúng, Kpop có thể lặp lại trường hợp Jpop. Jpop đã mất đi khả năng cạnh tranh do âm nhạc được tiêu chuẩn hóa”.

Sản xuất thần tượng như những cỗ máy

HYBE là công ty giải trí số 1 Hàn Quốc. Tập đoàn này tăng doanh thu gấp khoảng 4 lần từ 587 tỷ won vào năm 2019 lên 2.178 tỷ won vào năm 2023. HYBE phát triển nhanh chóng đến mức được coi là một "thế lực" của Kpop. Đây là thành tựu tập đoàn này đạt được thông qua “hệ thống đa nhãn hiệu”, tức gồm nhiều công ty con khác nhau.

Hệ thống đa nhãn hiệu của HYBE được thiết kế để giảm sự phụ thuộc của tập đoàn vào các nghệ sĩ và hãng thu âm cụ thể. Đồng thời, cách vận hành từng công ty con một cách độc lập cũng gia tăng sự cạnh tranh giữa các công ty đó để từ đó tăng thêm lợi nhuận. Theo đó, HYBE có 6 công ty chỉ riêng ở Hàn Quốc, bao gồm Big Hit Music (quản lý BTS, TXT), Pledis (Seventeen, TWS), ADOR (NewJeans), Source Music (Le Sserafim), Belift Lab (ENHYPEN, ILLIT) và KOZ Entertainment.

Thông qua hệ thống đa nhãn hiệu được thiết lập, HYBE đã và đang dần nuôi dưỡng thế hệ ngôi sao Kpop tiếp nối nhóm nhạc BTS. Trong đó, NewJeans đã càn quét bảng xếp hạng đĩa đơn và album chính của Billboard. Họ hiện là nhóm nhạc hàng đầu Kpop, thậm chí mới đây đứng thứ 3 trong danh sách 40 người nổi tiếng quyền lực nhất Hàn Quốc chỉ sau BlackPink và Son Heung Min.

ILLIT bị Min Hee Jin chỉ trích đạo nhái NewJeans. Ảnh: Belift Lab.

Những nhóm nhạc khác của HYBE như TXT, ENHYPEN, Le Sserafim đang đạt được thành công không chỉ ở Hàn Quốc mà cả Mỹ và Nhật Bản. Đây là kết quả của việc mỗi công ty con cạnh tranh với nhau và tạo ra nội dung riêng biệt.

Tuy nhiên, thông qua tranh cãi gần đây giữa HYBE với Min Hee Jin, mối lo ngại về sự cá tính và khác biệt của Kpop đang tiếp tục nảy sinh. HYBE tố Min Hee Jin muốn giành quyền quản lý ADOR dù tập đoàn này sở hữu tới 80% cổ phần của công ty. Min Hee Jin sau đó đáp trả. Nữ CEO cho biết hai bên mâu thuẫn vì HYBE để ILLIT cố tình đạo nhái NewJeans.

CEO Min nói trong một cuộc họp báo trước đó: “Nếu bạn sao chép NewJeans, nhóm nhạc đó sẽ trở thành NewJeans thứ hai và điều này dẫn đến kết quả tồi tệ trong công ty về lâu dài”. CEO Min tức giận khi HYBE chỉ nhắm đến lợi nhuận ngắn hạn mà không quan tâm tới cá tính riêng của nghệ sĩ, cũng như các công ty con trực thuộc tập đoàn này.

Các chuyên gia cho rằng tranh cãi ILLIT sao chép NewJeans là nghiêm trọng. Bởi nó xảy ra ở công ty hàng đầu trong ngành giải trí.

CEO Min chỉ trích HYBE khi “tiếp tay” cho Belift Lab sao chép NewJeans, đồng thời lên án quá trình công nghiệp hóa Kpop. Vì Kpop dễ dàng tận dụng các phong cách đang phổ biến, thịnh hành để từ đó kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Do đó, nhiều chuyên gia lo ngại Kpop hiện giờ “sản xuất hàng loạt thần tượng kiểu nhà máy”. Trong vài năm qua, âm nhạc dễ nghe là bí quyết để các nhóm nhạc trở nên phổ biến. Ngoài ra, họ cũng phát hành đồng loạt các bài hát tiếng Anh như một động thái nhắm vào thị trường Mỹ.

Các chương trình “sống còn” cũng đang đẩy nhanh quá trình biến Kpop thành một "công xưởng". Trong đó, các giám khảo, huấn luyện viên thường chọn thí sinh dựa trên tiêu chí “phù hợp với sự mong đợi của công chúng” thay vì những gương mặt mới, có tài năng.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun cho biết: “Có vẻ đây là mặt trái của thị trường Kpop đang thay đổi. Ngành âm nhạc cần suy nghĩ về hệ thống đa nhãn hiệu".

Hướng đi cho Kpop

Mặt khác, ở Mỹ, hàng năm các ngôi sao lớn đều được “sinh ra”, trong đó có ngôi sao nhạc pop Taylor Swift, Olivia Rodrigo hay Victoria Monét… Tất cả họ đều là ca sĩ, nhạc sĩ, tự sáng tác bài hát và kể câu chuyện của riêng mình. Nhờ đó, âm nhạc của họ ngày càng khác biệt và phát triển với tính cạnh tranh riêng.

Các chuyên gia khuyên Kpop cũng nên noi gương Mỹ và nuôi dưỡng sự đa dạng. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon Sik cho biết: “Chúng ta cần thiết lập một hệ thống cho phép nhiều loại nhạc và nghệ sĩ xuất hiện”.

Việc bán album có random card ảnh của các thành viên nhóm nhạc thần tượng cũng là một trong những “căn bệnh kinh niên” trên thị trường âm nhạc Kpop, chuyên gia nhận định với Edaily. Trên thực tế, các công ty giải trí Hàn Quốc đang sản xuất mỗi album với hàng loạt phiên bản khác nhau. Ngoài ra, họ còn sắp xếp một cách ngẫu nhiên thẻ ảnh hay poster của các thành viên trong một nhóm vào từng album.

NewJeans là nhóm nhạc do ADOR quản lý. Họ đã tạo nên làn gió mới cho Kpop với âm nhạc dễ nghe, bắt tai. Ảnh: ADOR.

Tức, mỗi phiên bản album sẽ có chất lượng, hình thức sản xuất khác nhau và thậm chí trong cùng một phiên bản, các album cũng chứa những thẻ ảnh hoàn toàn khác nhau. Đó là “chiêu trò” để các công ty tăng số album bán ra. Người hâm mộ vì muốn có được thẻ ảnh hay poster của thành viên họ yêu thích sẽ phải mua thật nhiều album. Việc này dẫn đến tình trạng người hâm mộ chỉ giữ lại photocard sau khi có được album và vứt bỏ những thứ còn lại trong đó, bao gồm đĩa CD.

Lim Jin Mo, một nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng, cho biết: “Kpop được công nhận về mặt hình ảnh và trình diễn. Nhưng trong tình huống nó không có tính thuyết phục về mặt nghệ thuật, tôi lo ngại điều đó có tác động tiêu cực đến thời kỳ hoàng kim của Kpop. Chúng ta phải thể hiện một hình ảnh mẫu mực, phù hợp với vị thế toàn cầu hiện có”.

Theo Zingnews