Âm nhạc

Chuyên Mục

Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền


Các lễ trao giải Hàn Quốc đang xuất hiện tràn lan nhưng với mục đích thương mại và đánh mất giá trị vốn có. Đây là tình trạng nhức nhối khiến fan Kpop lẫn thần tượng mệt mỏi.


Có khoảng 20 lễ trao giải âm nhạc được tổ chức mỗi năm. Tức trung bình, mỗi tháng ở Hàn Quốc có hai lễ trao giải diễn ra. Kpop đang rơi vào tình trạng tràn lan lễ trao giải.

Lễ trao giải vốn rất thiêng liêng với các nghệ sĩ thì nay trở thành một loại hình kinh doanh, tờ Dailian nhận định. Vấn đề là khi các lễ trao giải trở thành phương tiện theo đuổi lợi nhuận, sự công bằng và khách quan cũng mất đi. Việc này tác động tiêu cực đến ngành âm nhạc.

Tình yêu của fan Kpop bị lợi dụng

Vấn đề lớn nhất được chỉ ra là các lễ trao giải đang đặt gánh nặng tài chính lên vai cộng đồng fan Kpop và khiến họ mệt mỏi. Hầu hết lễ trao giải âm nhạc hiện nay quyết định giải thưởng dựa trên bình chọn của người hâm mộ. Đặc biệt, nhiều trường hợp, người hâm mộ phải trả phí để được bình chọn.

Văn hóa bình chọn của fandom (cộng đồng fan) có ​​từ những năm 1990. Văn hóa này bùng nổ vào thời điểm thần tượng thế hệ đầu tiên xuất hiện. Người hâm mộ trực tiếp bình chọn cho ca sĩ mà họ yêu thích. Nhờ thế, ca sĩ được vinh danh với các giải thưởng khác nhau nhờ sức mạnh của fandom. Cũng chính văn hóa này kích thích sự cạnh tranh giữa các nhóm fan.

Bang Si Hyuk, chủ tịch công ty quản lý HYBE của BTS, cho biết trên một chương trình giải trí: "Người hâm mộ Kpop thể hiện sự hòa nhập và khả năng tiêu dùng mạnh mẽ hơn bất kỳ fandom nào khác. Vấn đề là tình cảm của cộng đồng fan Kpop đang bị lợi dụng như một phương tiện để tạo ra lợi nhuận. Họ đang bị đặt gánh nặng kinh tế”.

Nhóm nhạc Kiss Of Life tại Seoul Music Awards lần thứ 33. Ảnh: Fansite.

Một người hâm mộ Kpop phàn nàn: “Vì có quá nhiều lễ trao giải nên điện thoại di động của tôi trở thành một mớ hỗn độn. Họ đang dùng nhiều thủ đoạn như bắt bạn tải xuống một ứng dụng quảng cáo nào đó để có quyền bình chọn. Vì vậy điện thoại di động của tôi gần như tan nát”.

Việc tổ chức lễ trao giải Kpop ở nước ngoài cũng là ví dụ điển hình cho thấy việc người hâm mộ đang chịu đựng áp lực tài chính quá mức.

Mới đây, một lễ trao giải Kpop được tổ chức tại một quốc gia Đông Nam Á và vé được bán ra với giá khá cao khoảng 590.000 won (hơn 400 USD). Xét đến thu nhập bình quân đầu người hàng năm của đất nước này là khoảng 6 triệu won (4.400 USD) và hầu hết người hâm mộ Kpop ở độ tuổi thanh thiếu niên thì đây là một mức giá rất đắt đỏ.

Ở Hàn Quốc, để tham gia các lễ trao giải, người hâm mộ cũng phải tiêu tốn khoảng 10.000 (7 USD) đến 20.000 won (hơn 14 USD). Do đó, ngành công nghiệp Kpop đang phải hứng chịu những lời phàn nàn từ người hâm mộ nước ngoài khi quá tập trung vào lợi nhuận và đưa ra giá vé không phù hợp.

Thần tượng mệt mỏi

Gánh nặng tài chính không chỉ với người hâm mộ. Các nghệ sĩ tham gia sự kiện và công ty quản lý của họ cũng phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế. Thần tượng Kpop thường có lịch trình bận rộn. Nhiều người trong số đó thậm chí phải xếp lịch công việc trước 1-2 năm.

Quan chức của một công ty giải trí cho biết: “Các chuyến lưu diễn đều kéo dài, do đó lịch trình của thần tượng thường được lên kế hoạch trước trong khoảng hai năm. Khoảng thời gian trống giữa các concert sẽ được nghệ sĩ tận dụng để sản xuất album và các sản phẩm, nội dung riêng. Do đó, chúng tôi rất khó sắp xếp thời gian cho các hoạt động khác. Việc này gần như là không thể”.

Vì nghệ sĩ có quá ít thời gian chuẩn bị, tập luyện trong khi lễ trao giải ngày càng tràn lan nên chất lượng các tiết mục trong lễ trao giải ở vài năm trở lại đây được đánh giá là giảm sút. Chưa kể, việc làm việc thâu đêm còn khiến nghệ sĩ đối mặt với nguy hiểm về mặt sức khỏe. Từ đó, lễ trao giải có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, khi sức khỏe của nghệ sĩ giảm sút, lịch trình chạy tour của họ cũng bị thay đổi, dẫn đến giảm doanh thu, truyền thông Hàn Quốc đánh giá.

Một nhân viên quan hệ công chúng trong công ty giải trí cho biết: “Có vẻ hợm hĩnh khi gắn sức khỏe của một nghệ sĩ với lợi nhuận. Nhưng từ góc độ của một công ty giải trí, việc quản lý tốt sức khỏe của nghệ sĩ sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận chính. Do đó, sức khỏe của nghệ sĩ là điều quan trọng nhất. Rất khó để tính toán chính xác mức độ thiệt hại nhưng sự thật là sức khỏe của nghệ sĩ đang gặp nguy hiểm. Hơn nữa, do hầu hết lễ trao giải Kpop hiện giờ được tổ chức ở nước ngoài nên các nghệ sĩ phải di chuyển xa. Điều này càng làm tăng thêm sự mệt mỏi của các nghệ sĩ”.

Jisoo (Lovelyz) và nhiều thần tượng khác từng kiệt sức hoặc ngất xỉu khi đang biểu diễn. Ảnh: NME.

Ngay cả thần tượng vị thành niên cũng phải làm trái quy định để chạy theo lịch trình bận rộn. Theo quy định ở Hàn Quốc, các nghệ sĩ dưới 19 tuổi không được làm việc quá 35-40 giờ mỗi tuần. Tuy nhiên, với lịch trình như hiện tại, nhiều thần tượng không có lựa chọn nào khác ngoài việc vượt quá số giờ quy định.

Bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nghệ sĩ khó lòng từ chối lời mời từ ban tổ chức các lễ trao giải bởi lo ngại đánh mất mối quan hệ. Đặc biệt, trong bối cảnh lễ trao giải “mọc như nấm sau mưa”, trong khi số nhóm nhạc danh tiếng, đủ sức câu kéo fan mua vé lại không nhiều, ban tổ chức phải tìm mọi cách để có được danh sách nghệ sĩ tham gia hấp dẫn.

Họ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu, chẳng hạn lùi lịch tổ chức sự kiện để nhận được cái gật đầu từ công ty quản lý. Cũng vì thế, giá trị của các lễ trao giải càng giảm sút.

Một nguồn tin nói với Dailian: “Ban tổ chức một giải thưởng nói rằng họ có thể thay đổi ngày diễn ra lễ trao giải miễn là chúng tôi xác nhận cho nghệ sĩ tham gia. Tôi tự hỏi liệu lễ trao giải có thể giảm giá trị đến thế không. Do đó, ngay cả khi nhận được giải thưởng ở những lễ trao giải như vậy, các nghệ sĩ cũng không thực sự vui vẻ”.

Một đại diện khác bày tỏ: “Có một hiện thực rõ ràng là, nếu không chấp nhận tham gia, chúng tôi sẽ không được trao giải. Các lễ trao giải hiện giờ thường được tổ chức bởi công ty truyền thông. Do đó, nếu chúng tôi từ chối lời mời, mối quan hệ giữa đôi bên sẽ bị hưởng”.

Trớ trêu thay, phía ban tổ chức lễ trao giải cũng thở dài. Một nhân viên phụ trách việc mời nghệ sĩ cho lễ trao giải phàn nàn: “Chúng tôi ở vào tình thế bắt buộc mời được ca sĩ thần tượng khi tổ chức lễ trao giải. Đôi khi, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đe dọa. Tôi hiểu có những người chỉ trích lễ trao giải hiện giờ chỉ để kiếm tiền. Và ở mức độ nào đó, nhận xét này đúng. Mục đích của các lễ trao giải rõ ràng đã thay đổi so với trước đây. Hiện giờ, lễ trao giải gây bất tiện, khó chịu cho cả nhân viên tổ chức lẫn những nghệ sĩ được mời”.

Theo Zingnews