Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop
Thần tượng nữ ở Hàn Quốc đang đối mặt với nhiều vấn đề nhức nhối. Họ thường xuyên bị tình dục hóa qua hình thức, mức độ khác nhau.
Theo The Korea Times, một đại học ở tỉnh Nam Chungcheong đang vướng tranh cãi coi thường và tình dục hóa thần tượng nữ. Lý do là trong lễ hội âm nhạc do đại học này tổ chức gần đây, Oh My Girl tham gia biểu diễn. Tuy nhiên, những chai nước được nhóm nhạc nữ sử dụng sau đó đã được MC sử dụng như một giải thưởng cho những sinh viên chiến thắng trong cuộc thi tài năng.
Vụ việc một lần nữa cho thấy các thần tượng nữ Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng bị tình dục hóa theo nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Từ những chai nước
Vụ việc diễn ra từ 22/5 nhưng gây tranh cãi suốt những ngày qua. Video ghi lại vụ việc cũng được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Theo video, sau màn trình diễn của Oh My Girl, người dẫn chương trình đã mời các nam sinh lên sân khấu để biểu diễn tài năng. Tại đây họ được thưởng những chai nước mà cả nhóm Oh My Girl đã uống.
Người dẫn chương trình thậm chí hỏi một nam sinh: "Bạn muốn chai nước của ai?". Nam sinh này sau đó nêu tên một thành viên cụ thể và người dẫn chương trình xem xét kỹ lưỡng các chai nước rồi trao một trong số đó cho nam sinh.
Các video về sự kiện đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ khán giả. Cả người dẫn chương trình và nam sinh nhận chai nước đều bị chỉ trích. Trước phản ứng dữ dội từ công chúng, hội sinh viên và MC đã đưa ra lời xin lỗi.
Người dẫn chương trình giải thích: "Tôi đã lầm tưởng đây là một hành động đáng nhớ nhưng cuối cùng nó gây ra tác hại. Một số sinh viên tham gia phần thi tài năng mong đợi những giải thưởng khác nhau và rất bất ngờ khi nhận được chai nước của Oh My Girl. Sự việc xảy ra là do khả năng phán đoán kém của tôi, nên xin hãy chỉ trích tôi chứ không phải các sinh viên".
Hội đồng sinh viên cũng đưa ra tuyên bố: "Chúng tôi xin lỗi những người cảm thấy khó chịu và bị ảnh hưởng bởi các hành động không phù hợp tại lễ hội".
Ban tổ chức cho biết không hề bàn bạc với Oh My Girl trước khi thực hiện hành động trên. Do đó, ban tổ chức đưa ra lời xin lỗi với Oh My Girl cũng như người hâm mộ của nhóm nhạc.
Tuy nhiên, theo The Korea Times, lời xin lỗi không dập tắt được những lời chỉ trích. Mạng xã hội đang xôn xao với những bình luận như: "Bạn có suy nghĩ gì về thần tượng và phụ nữ mà lại làm điều đó?", "Đây có thực sự là một lễ hội đại học không. Quá rẻ tiền", "Tôi không hiểu tại sao điều này lại có thể xảy ra".
Vấn nạn ở Kpop
Tình trạng tình dục hóa thần tượng nữ đang diễn ra theo nhiều hình thức khác nhau tại Hàn Quốc, đặc biệt thông qua các hoạt động biểu diễn hay MV.
Theo Women News, khi làn gió của chủ nghĩa nữ quyền thổi mạnh, nhu cầu thay đổi những quan niệm sai lầm và lệch lạc về giới tính đã ăn sâu trong xã hội Hàn Quốc ngày càng tăng, nhưng thị trường video âm nhạc Kpop hầu như không theo kịp xu hướng của thời đại. Việc tình dục hóa cơ thể phụ nữ vẫn là chuyện thường ngày và phổ biến.
Women News lấy ví dụ MV LALALAY của Sunmi. Trong đó, phần giới thiệu MV có cảnh cánh tay của người phụ nữ thò ra khỏi chiếc vali đặt giữa căn phòng yên tĩnh. Chiếc vali sập xuống, cơ thể người phụ nữ đổ ra ngoài. Người phụ nữ sau đó bò qua sàn. Lý do đoạn video gây tranh cãi là khán giả cho rằng nó gợi nhớ đến hàng loạt vụ án mạng kinh hoàng mà nạn nhân là phụ nữ. MV cũng có nhiều cảnh quay gợi cảm, táo bạo khác.
Video âm nhạc Make her dance của rapper Simon Dominic ngập cảnh phụ nữ mặc bikini, lắc vòng 3. Twerking là kiểu nhảy phổ biến, trong đó bạn lắc hông thật mạnh. Ở MV này, camera liên tục quay cận cảnh ngực và mông của những người phụ nữ.
Cả cơ thể phụ nữ và nam giới đều bị lạm dụng. Tuy nhiên, thị trường âm nhạc thường tình dục hóa cơ thể phụ nữ thường xuyên hơn cả.
Edaily đưa tin Seoul YWCA cùng Cơ quan Xúc tiến Giáo dục Bình đẳng giới Hàn Quốc từng công bố Báo cáo phân tích nội dung bình đẳng giới trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Báo cáo xác định, phân tích các trường hợp bình đẳng giới và phân biệt giới tính trong chương trình giải trí từ 18 đài truyền hình mặt đất, kênh chương trình tổng hợp và truyền hình cáp.
Theo đó, có 51 trường hợp nội dung phân biệt giới tính được phát hiện trong các chương trình, gấp khoảng 3,5 lần so với 15 trường hợp có nội dung bình đẳng giới. Trong đó, có khoảng 5 trường hợp coi phụ nữ là đối tượng tình dục và một trường hợp quấy rối tình dục.
Miss Trot Tomorrow của TV Chosun bị phân tích là chứa đựng sự tình dục hóa đối với phụ nữ, tuyên truyền và đề cao chủ nghĩa ngoại hình. Theo phân tích, Miss Trot dựa trên concept của một cuộc thi sắc đẹp đã bị trục xuất khỏi sóng truyền hình mặt đất vào năm 2002 do tranh cãi về việc thương mại hóa giới tính nữ. Cuộc thi chỉ có nữ tham gia và tất cả đều mặc trang phục hở hang, làm những biểu cảm gợi cảm hoặc dễ thương, biến họ thành đồ vật để thỏa mãn ham muốn của nam giới.
Trong một tập của chương trình, các nghệ sĩ tham gia thậm chí nhảy khiêu khích trong khi mặc trang phục gợi cảm quá mức, chẳng hạn đồ màu da hoặc dạng lưới.
Một vấn nạn khác đe dọa sự an toàn của thần tượng nữ, chính là deepfake. Deepfake có thể hiểu là thay thế chân dung của người này bằng người kia. Và hiện tại, gương mặt người nổi tiếng, đặc biệt thần tượng nữ đang bị sử dụng cho những nội dung đồi trụy.
Theo DongA, Ủy ban An ninh Quốc gia Hàn Quốc đang tiến hành giám sát chuyên sâu nhằm ứng phó với những lo ngại về việc sản xuất và phát tán video deepfake gần đây của ca sĩ Hàn Quốc. Đây là vấn đề đang nhức nhối khắp thế giới, vi phạm quyền nhân thân và gây phẫn nộ trong người hâm mộ Kpop.
Trong khi đó, Kmib đưa tin vào giữa năm 2023, dư luận Hàn Quốc phẫn nộ khi Jang Ye Chan, ứng cử viên cho Hội đồng Tối cao Thanh niên của Đảng Quyền lực Nhân dân, đã viết cuốn tiểu thuyết có nhiều nhân vật gợi nhớ đến những người nổi tiếng nữ và tình dục hóa họ. Trong đó, nhân vật Kim Hae Soo gợi nhớ đến nữ diễn viên Kim Hye Soo. Nhân vật khác có tên Lee Ji Eun và đây là tên thật của ca sĩ IU.
Khi cuộc tranh cãi ngày càng gia tăng, ứng cử viên Jang xuất hiện trên một chương trình phát thanh và cho biết: "Tôi xin lỗi vì đã vô tình liên kết nhân vật trong tiểu thuyết với người nổi tiếng nào đó. Cuốn tiểu thuyết là 100% hư cấu".
Ngoài ra, vụ bê bối Burning Sun đang làm dậy sóng dư luận thông qua bộ phim của BBC cũng cho thấy phụ nữ Hàn Quốc nói chung và người nổi tiếng nói riêng phải đối mặt với nguy hiểm khác là quay lén.
Nữ ca sĩ Goo Hara đã tự kết liệu cuộc đời sau khi trải qua quãng thời gian khủng hoảng nghiêm trọng vì bị bạn trai quay lén. Nhiều người mẫu khác hay khách hàng ở Burning Sun cũng đã và đang sống trong đau khổ vì bị chuốc thuốc, xâm hại tình dục và quay lén.
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)
- Sự khốc liệt ở cuộc thi Trung Quốc có Suni Hạ Linh tham gia (21-May-2024)