Khủng hoảng của HYBE: Bị công chúng chỉ trích, nội bộ đấu tố lẫn nhau
Chỉ trong một thời gian ngắn, "gã khổng lồ" HYBE liên tục gặp sóng gió.
Căng thẳng giữa HYBE và Min Hee Jin - CEO công ty con ADOR hiện đang chiếm sóng mạng xã hội. Đây dường như là khoảng thời gian sóng gió nhất đối với tập đoàn được mệnh danh là "gã khổng lồ Kpop". Thực tế, trước khi bắt đầu ồn ào tranh giành quyền quản lý trong nội bộ, HYBE đã liên tục đối mặt với những lời chỉ trích từ công chúng.
tracking
Tiền thân của HYBE là Big Hit Entertainment - đơn vị chủ quản BTS. Tập đoàn bắt đầu mở rộng quy mô khi thu mua hàng loạt công ty giải trí nổi tiếng như Pledis Ent. (quản lý SEVENTEEN, NU'EST), Source Music (quản lý GFRIEND), KOZ Ent. (quản lý ZICO...) Ngoài ra, HYBE cũng sở hữu hai công ty con gồm Belift Lab và ADOR.
HYBE bị gọi là cỗ máy kiếm tiền, lò đào tạo công nghiệp
Dưới thời kỳ HYBE, hàng loạt nhóm nhạc thần tượng thế hệ mới lần lượt ra đời, phải kể đến TXT, ENHYPEN, LE SSERAFIM, NewJeans, BOYNEXTDOOR, &TEAM, TWS hay ILLIT. Thành công là điều không phủ nhận nhưng song song đó, HYBE cũng gây tranh cãi vì chất lượng các idol mà mình đầu tư sản xuất. Có ba cái tên được đem ra để chứng minh cho điều này gồm NewJeans, LE SSERAFIM và ILLIT.
Cả ba nhóm đều sở hữu ngoại hình bắt mắt, âm nhạc hợp xu hướng, được "rót tiền" đầu tư mạnh tay và liên tiếp đạt những thành tích ấn tượng về nhạc số lẫn doanh số album. Tuy nhiên, NewJeans, LE SSERAFIM và ILLIT lại nhận nhiều phản hồi tiêu cực về giọng hát. Các sân khấu hát live kém cỏi ngập tràn những lời chỉ trích, gần nhất là tân binh ILLIT. Đặc biệt, màn hát trình diễn của LE SSERAFIM tại lễ hội âm nhạc Coachella 2024 mới đây còn bị đánh giá là "thảm họa".
Vì lẽ đó, HYBE đang bị công chúng đánh giá là "cỗ máy kiếm tiền", "lò đào tạo công nghiệp" vì sản xuất thần tượng hàng loạt mà không quan tâm đến chất lượng. Yếu tố giọng hát dường như bị xem nhẹ mà chỉ tập trung vào âm nhạc và trình diễn. Ngay lập tức, HYBE được đem ra so sánh với Big 3 gồm SM, JYP hay YG. Đây đều là các ông lớn Kpop sở hữu dàn idol được đánh giá cao về thực lực. Mặt khác, những thiếu sót quan trọng của NewJeans, LE SSERAFIM và ILLIT cũng làm nhiều người hoài nghi về khả năng đi đường dài của các nhóm nhạc này.
Khán giả cho rằng vì sự vắng mặt tạm thời của BTS - nghệ sĩ đóng góp phần lớn vào doanh thu cho tập đoàn - nên HYBE đã vội vàng tạo ra nhiều nhóm nhạc trong thời gian ngắn nhất có thể nhằm mục đích giảm phụ thuộc vào một nhóm nhất định. Bên cạnh đó, định hướng của HYBE khiến nhiều người phân vân liệu tiêu chuẩn của idol Kpop có đang ngày càng bị hạ thấp so với thế hệ đi trước?
Lục đục nội bộ
Sự thành công của nhóm nhạc nữ NewJeans do CEO Min Hee Jin trực tiếp sản xuất, HYBE "rót vốn" đã giúp tập đoàn này nâng tầm vị thế trên bản đồ Kpop. Tưởng chừng tương lai rộng mở nhưng liên tiếp những màn đấu tố qua lại từ hôm qua cho đến nay đã khiến người hâm mộ hoang mang.
Theo HYBE, CEO Min Hee Jin đang có ý định chiếm quyền quản lý, tách ADOR khỏi công ty mẹ. Vì thế, tập đoàn triệu tập cuộc họp cổ đông, yêu cầu nữ CEO từ chức. Đáp lại, Min Hee Jin phủ nhận các cáo buộc. Cô thẳng thừng tuyên bố ILLIT là bản sao NewJeans. Sau đó tiếp tục khẳng định hai nhóm nam TWS và RIIZE (nhà SM) cũng đều sao chép NewJeans. Gây sốc hơn cả là phát ngôn "Chủ tịch Bang Shi Hyuk sao chép tôi để tạo nên BTS".
Hiện tại, mâu thuẫn của CEO Min Hee Jin và HYBE vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể thấy, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất giữa trận chiến này chắc chắn là NewJeans khi nhóm đang là một trong những nghệ sĩ "cá kiếm" nhất hiện nay. Đặc biệt, các cô gái cũng sắp sửa comeback với sản phẩm âm nhạc mới.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu NewJeans muốn cùng "mẹ đẻ" Min Hee Jin rời khỏi tập đoàn HYBE, một trận chiến pháp lý căng thẳng có thể xảy ra. Điều này đồng nghĩa với việc mọi hoạt động nghệ thuật của nhóm ở thì tương lai có khả năng sẽ bị gián đoạn.
Liên tiếp ồn ào xảy đến, dường như HYBE đang ở trong thời điểm khó khăn nhất kể từ khi thành lập. Tuy nhiên, khán giả nhận định rằng với thế lực hùng mạnh như hiện nay, không khó để tập đoàn này tìm lại thế cân bằng. Quan trọng hơn cả, người hâm mộ hy vọng những mâu thuẫn hay tranh cãi sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các nghệ sĩ.
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop (29-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)