Âm nhạc

Chuyên Mục

Bộ mặt xấu xí của Kpop bị phơi bày


Việc Le Sserafim sử dụng nhạc nền quá lớn trên sân khấu Coachella khiến giả Hàn Quốc thất vọng. Phần trình diễn của nhóm nhạc này cũng phơi bày nhược điểm của Kpop.


Ngày 20/4 (giờ địa phương), Le Sserafim tiếp tục biểu diễn ở Lễ hội âm nhạc Coachella sau một tuần vấp phải vô số chỉ trích từ khán giả trong nước lẫn quốc tế. Truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin và không đánh giá cao tài năng của nhóm nhạc 5 thành viên.

Với sân khấu ngày 20/4, các thành viên cho thấy kỹ năng trình diễn cải thiện đáng kể. Họ không còn hát chênh phô, yếu ớt, liên tục lạc giọng hoặc hụt hơi như tuần trước. Tuy nhiên, theo Ten Asia và nhiều phương tiện truyền thông Hàn Quốc khác, Le Sserafim vẫn không tránh khỏi tranh cãi. Lý do là họ bị chỉ ra lạm dụng AR trong phần trình diễn. Và quả thực việc họ tiến bộ chỉ trong một tuần là điều khó tin.

Một tuần sóng gió, ngập tranh cãi của Le Sserafim

Le Seraphim xuất hiện trên sân khấu của Lễ hội Âm nhạc và Nghệ thuật Thung lũng Coachella được tổ chức tại Indio Sahara, California, Mỹ vào ngày 20/4. Đây là lần thứ hai họ đứng trên sân khấu này sau lần trình diễn đầu tiên là 13/4.

Vướng tranh cãi về khả năng ca hát suốt một tuần trước đó, nhưng dường như các thành viên Le Sserafim không hề mất đi sự tự tin. Nhóm mở đầu với màn trình diễn Antifragile và sau đó là Fearless. Le Sserafim biểu diễn 10 bài hát trong khoảng 40 phút. Kịch bản không quá khác biệt so với lần đầu họ biểu diễn ở Coachella.

Tuy nhiên, điều khác biệt là họ hát tiến bộ hơn hẳn. Giọng hát các thành viên rõ ràng đã ổn định hơn so với lần biểu diễn trước đó. Nếu lần đầu, các thành viên liên tục la hét để che lấp giọng hát quá kém thì ở sân khấu mới nhất, họ cải thiện vấn đề này.

Le Sserafim tiếp tục bị chỉ trích trong buổi diễn thứ 2 của Coachella. Ảnh: Viral Takes.

Tuy nhiên, theo Top Star News, thực chất, kỹ năng ca hát của Le Sserafirm không được cải thiện chỉ sau một tuần. Thay vào đó, họ trình diễn dựa vào AR. Thậm chí trong một câu hát, Chae Won đưa mic đi xa nhưng vẫn phát ra giọng hát của cô.

Theo Maekyung, AR là nhạc bản thu có sẵn không chỉ âm thanh của nhạc cụ mà cả giọng hát của ca sĩ. AR thực chất là bản nhạc hoàn chỉnh mà khán giả vẫn nghe trên các trang nhạc số. Ca sĩ chỉ việc thực hiện vũ đạo, mấp máy môi theo lời bài hát hoặc hát chèn lên bản thu sẵn.

Top Star News cho biết hiện tại phản ứng của khán giả Hàn Quốc với Le Sserafim không hề tích cực. Cư dân mạng bình luận: “Thật buồn cười khi họ lại cố gắng tỏ ra hát live tiến bộ chỉ sau vài ngày gây tranh cãi, họ đâu phải thần thánh”, “Tại sao họ lại tới đó biểu diễn trong khi họ không có kỹ năng. Thật ngốc nghếch”, “Tại sao họ lại trở thành ca sĩ khi không có kỹ năng ca hát”, "Âm lượng của AR quá lớn".

Phơi bày những hạn chế của Kpop

Trong số khán giả bình luận về tiết mục của Le Sserafim, có người bênh vực nhóm và cho rằng họ đang bị đối xử quá bất công. “Các ca sĩ khác cũng sử dụng AR nhưng Le Sserafim bị đối xử khắt khe hơn”, là bình luận được trích đăng trên Top Star News. Bình luận trên cho thấy việc sử dụng AR hay thẳng thắn hơn là hát nhép đã là vấn đề tồn tại nhiều năm qua ở Kpop.

Hát nhép với các thần tượng Kpop là một vấn đề nhạy cảm và khán giả sẽ nổi giận nếu phát hiện ca sĩ nào đó hát nhép. Do đó, nhiều thần tượng Kpop giờ đây thậm chí có cách “đánh lừa” khán giả. Họ sử dụng LAR, một loại của AR. LAR cũng là bản thu hoàn chỉnh gồm cả nhạc cụ lẫn giọng ca sĩ, nhưng có thêm hơi thở từ người thể hiện để nó trở nên tự nhiên, giống với hát live hơn.

Trao đổi với Hankook Ilbo, một chuyên gia trong lĩnh vực âm nhạc cho biết ca sĩ Kpop thường biểu diễn với vũ đạo mạnh mẽ khiến họ hao tổn thể lực và việc sử dụng AR khó tránh khỏi.

Hai thành viên Chae Won và Sakura trên sân khấu ngày 20/4. Ảnh: Fansite.

Một chuyên gia cho biết: “Nhìn vào cảnh quay của khán giả ở buổi diễn, có vẻ việc Le Sserafim sử dụng nhạc thu sẵn đã được sử dụng từ buổi biểu diễn đầu tiên. Tuy nhiên, khi phát trực tiếp trên YouTube, ê-kíp chương trình chỉ thu giọng hát trực tiếp của họ để nâng cao sự tự nhiên. Các nhóm nhạc Kpop coi trọng vũ đạo và thường sử dụng AR ít nhất là 30% và nhiều nhất là 70% để mang lại sự hoàn hảo cho màn trình diễn trong các buổi biểu diễn trực tiếp. Vì vậy rất khó để nói Le Sserafim đã sử dụng quá nhiều AR trong buổi biểu diễn ngày 20/4”.

Trong cuộc trò chuyện với No Cut News, chuyên gia văn hóa đại chúng Park Hee Ah cho biết lâu nay công chúng vẫn phân biệt giữa ca sĩ và thần tượng, đồng thời họ đặt kỳ vọng rất thấp vào các thần tượng. Và với những gì Le Sserafim thể hiện, thì ngay cả sự kỳ vọng tối thiểu của khán giả cũng không được đáp ứng.

Chuyên gia khác đưa ra đánh giá tiêu cực về Le Sserafim. Cụ thể, người này nhận định với No Cut News: “Họ giống nghệ sĩ đại diện cho Hàn Quốc trên một sân khấu lớn. Tuy nhiên, với tư cách là một nhóm nhạc nổi tiếng toàn cầu, họ chỉ trình diễn được đến mức đó”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia chỉ trích HYBE khi chỉ tập trung tạo ra các thần tượng xinh đẹp mà không chú trọng tài năng.

Một giám đốc công ty âm nhạc cho biết: "Sân khấu và hát live là bản chất của âm nhạc. Trong khi đó, Coachella là một trong những lễ hội lớn được người hâm mộ âm nhạc trên toàn thế giới quan tâm, theo dõi. Là nghệ sĩ đại diện cho Kpop, họ gây ra sự thất vọng và nhận phản hồi tiêu cực. HYBE có khả năng sản xuất nhóm nhạc mà mọi người đều công nhận nhưng tập đoàn này dường như bỏ qua bản chất của âm nhạc”.

Vấn đề lạm dụng AR nói chung và cách HYBE xây dựng các nhóm nhạc nói riêng rất đáng lo ngại. Nhà báo Park giải thích: "HYBE hiện nắm giữ cổ phần lớn trong thị trường Kpop nên họ nhận sự kỳ vọng lớn. Giờ đây, có một thực tế là thực tập sinh rất dễ nổi tiếng ngay khi hoạt động nhờ ra mắt dưới công ty con của HYBE. Tuy nhiên, một khi kỳ vọng không được đáp ứng, công chúng sẽ thấy bị phản bội hoặc thất vọng".

Theo Zingnews