Truyền hình

Chuyên Mục

Netflix gỡ bỏ phim 'Hướng gió mà đi'


Ngày 10/7, Netflix đã gỡ bỏ series "Hướng gió mà đi" sau công văn yêu cầu của Cục Điện ảnh.


Chiều 10/7, sau công văn số 870/ĐA-VP của Cục Điện ảnh, Netflix đã gỡ bỏ bộ phim Flight to you (tựa Việt: Hướng gió mà đi). Đại diện Netlix cho biết sẽ có phản hồi chính thức trong thời gian tới.

Công ty Cổ phần Viễn thông FPT cũng đã gỡ bỏ series khỏi nền tảng xem phim trực tuyến FPT Play.

Trước đó, vào chiều 9/7, ông Đỗ Quốc Việt, phó Cục trưởng Cục Điện ảnh ký công văn số 870/ĐA-VP gửi Công ty Netflix; công văn số 871/ĐA-VP gửi Công ty cổ phần Viễn thông FPT với nội dung yêu cầu gỡ bỏ phim Flight to you.

Theo phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Cục Điện ảnh đã tiến hành rà soát 39 tập phim của Hướng gió mà đi. Sau khi kiểm tra, Cục phát hiện hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trên bản đồ trong nhiều cảnh phim.

Hình ảnh đường lưỡi bò xuất hiện trong một cảnh phim của Hướng gió mà đi.

"Việc thể hiện hình ảnh đường lưỡi bò và những nội dung trong lời thoại và phụ đề như đã nêu trên trong phim là không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam và vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, điều 9 Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15", công văn số 870/ĐA-VP nêu rõ.

Trong công văn gửi Công ty Cổ phần Viễn thông FPT, Cục Điện ảnh cho biết nhận được thông tin phản ánh về việc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT phổ biến phim Hướng gió mà đi (39 tập) trên không gian mạng qua địa chỉ tên miền https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play tới người sử dụng tại Việt Nam. Trong đó nội dung phim Hướng gió mà đi có hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp.

Kết quả tiến hành rà soát, kiểm tra nội dung phim Hướng gió mà đi (39 tập) phổ biến trên không gian mạng tại địa chỉ tên miền https://fptplay.vn và ứng dụng FPT Play cho thấy, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT có thực hiện làm mờ hình ảnh bản đồ trong nhiều cảnh phim Hướng gió mà đi (tại các tập 18, tập 19, tập 21, tập 24, tập 25, tập 26, tập 27, tập 30, tập 38).

Tuy nhiên, Cục Điện ảnh khẳng định, đây là phim có nội dung thể hiện không đúng, xâm phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam nên không phù hợp để phổ biến tại Việt Nam.

Theo Zing News