Âm nhạc

Chuyên Mục

Thần tượng Kpop bị ép thành tiên nữ


Theo giới chuyên môn, các thần tượng từng bị ép trở thành "nàng tiên" với vẻ ngoài hoàn hảo. Tuy nhiên, họ đang dần dũng cảm thể hiện cá tính riêng hơn.


Đại diện của ngành Kpop 10 năm trước - SNSD - gọi khuôn mặt mộc của họ là thứ "cần được giữ cho riêng mình" trong bài hát I Got a Boy (2013). Bây giờ, trong video teaser quảng bá MV Set Me Free mới phát hành gần đây của nhóm nhạc nữ TWICE, các thành viên thoải mái tẩy trang để lộ gương mặt mộc.

Theo Korea JoongAng Daily, từ trước đến nay, phụ nữ Hàn Quốc, đặc biệt giới thần tượng phải tuân theo tiêu chuẩn vẻ đẹp khắc nghiệt. Việc TWICE để lộ mặt mộc cho thấy các quy chuẩn đang dần thay đổi.

Thần tượng nữ bị ép trở thành thần tiên

Kpop cố gắng để tránh dính líu đến một số vấn đề cấp bách nhất trên thế giới, đặc biệt giới tính. Trong ngành công nghiệp cấm kỵ đề cập đến nữ quyền như Kpop, Set Me Free của TWICE xuất hiện như một lời ca ngợi cho làn sóng nhận thức thầm lặng về quyền của phụ nữ.

“Ca khúc chủ đề Set Me Free mang thông điệp: 'Hãy thoát khỏi mọi thứ kìm hãm chúng ta và yêu một cách tự do'”, trưởng nhóm Jihyo của TWICE giải thích về ca khúc mới.

Cảnh tẩy trang không xuất hiện nhiều ở MV, nhưng đoạn teaser cũng đủ để nhận được lời khen ngợi. Công chúng ca ngợi video vì đã “giải phóng bản thân khỏi những tiêu chuẩn xã hội đặt ra cho phụ nữ”, theo Korea JoongAng Daily.

Tất cả nhóm nhạc nữ Kpop từ trước đến này đều không tránh khỏi việc sử dụng vẻ đẹp và sự nữ tính của mình để thu hút khán giả. Họ bị ép đề cao tiêu chuẩn ngoại hình.

Các thành viên TWICE lột bỏ lớp trang điểm trong video teaser mới.

“Các cô gái tuổi teen bị ép gầy đến mức hại sức khỏe. Họ tẩy tóc nhiều lần để có những màu sắc điên rồ nhất. Họ không có lông trên người và luôn có làn da hoàn hảo dù phải trang điểm dày cộp. Trong trường hợp có máy ảnh, tất cả phải nở nụ cười thân thiện”, tờ Korea JoongAng Daily viết.

Những quy tắc nghiêm ngặt về sắc đẹp có lẽ đạt đến đỉnh điểm vào đầu những năm 2010, khi sự tự tin của phụ nữ được cho là đến từ những bộ váy đẹp và cách trang điểm hợp mốt.

Vào năm 2015, ca sĩ Park Bo Ram phát hành một bài hát xoay quanh việc làm thế nào để “trở nên xinh đẹp hơn”, “được khen ngợi” và “được yêu thương”. Bài hát mang tên Beautiful. Nhóm nhạc nữ AOA phát hành Minskirt (2014) với câu từ: "Nếu tôi mặc một chiếc váy ngắn và đi bộ xuống phố, mọi người sẽ nhìn tôi trừ bạn."

Trong thời gian đó, ca sĩ Sunmi chân trần xuất hiện trên sân khấu quảng bá ca khúc Full Moon (2014) và nhóm nhạc nữ Kara mặc quần, đi giày thể thao khi biểu diễn bài hát Mister (2009). Hành động của họ từng được coi là “gây sốc” và bị dư luận phản đối.

Nhóm nhạc Piggy Dolls gồm toàn thành viên có vóc dáng bụ bẫm đã ra mắt vào năm 2011. Các bài hát của nhóm thúc đẩy sự tự tin về cơ thể, ngay cả khi có khuyết điểm. Nhưng họ không thu hút được nhiều sự chú ý.

“Khi bạn gọi ai đó là nữ thần hay nàng tiên, bạn đang hạn chế hành động của họ”, nhà phê bình văn hóa Choi Ji Seon bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn. Ông chỉ trích các quy định hà khắc về ngoại hình của thần tượng nữ ở Kpop. Ông là tác giả cuốn Có phải nữ thần là một lời khen? (2021).

“Các thần tượng buộc phải đóng vai không phải con người. Họ bị ép trở thành một sinh vật vô tội và không có nhu cầu tình dục, gần như trở thành nữ thần hoặc tiên nữ. Họ phải dành thời gian và công sức để theo đuổi hình tượng đó. Khi hình ảnh, phong cách đó không còn hiệu quả, họ sẽ bị loại bỏ”, chuyên gia nhận định.

Thần tượng nữ đang dần dũng cảm hơn

Theo Korea JoongAng Daily, ở Hàn Quốc, ngoại hình của phụ nữ vẫn bị đặt vào tiêu chuẩn hà khắc. Mọi người vẫn thường không ngần ngại hỏi người khác về việc có tăng cân hoặc đã chỉnh sửa gì trên mặt hay không. Đồng thời, câu nói “Bạn ngày càng xinh hơn” vẫn được chấp nhận như một lời khen bình thường trong xã hội Hàn Quốc.

Điều này trái ngược với thế giới phương Tây, nơi chỉ đề cập đến ngoại hình hoặc khuôn mặt của người khác cũng có thể bị coi là thô lỗ. Và với người Hàn Quốc, nữ quyền vẫn được cho là một trong những chủ đề cấm kỵ nhất với những người nổi tiếng.

Năm 2018, Irene của nhóm nhạc nữ Red Velvet đã hứng chịu hàng loạt bình luận ác ý vì đọc cuốn sách về nữ quyền Kim Jiyoung, Born 1982. Trong một buổi họp fan, khi được người hâm mộ hỏi về cuốn sách đọc gần đây, Irene trả lời “Kim Jiyoung, Born 1982”. Vài ngày sau đó, mạng xã hội tràn ngập những bài đăng giận dữ gọi cô là người ủng hộ nữ quyền. Nhiều người thậm chí xé hoặc đốt ảnh của Irene.

Trường hợp tương tự diễn ra vào năm 2019 với ca sĩ HA:TFELT (Yeeun cựu thành viên của nhóm nhạc Wonder Girls). Sau khi công khai tiết lộ mình là người ủng hộ nữ quyền, cô bị tấn công bởi những bình luận ghét bỏ trên Instagram. “Chỉ những người già, hết thời và xấu xí mới trở thành nhà nữ quyền” là bình luận của khán giả dưới bài viết của HA:TFELT.

Tuy nhiên, ca khúc Butterfly ra mắt năm 2022 của nhóm nhạc nữ Loona có nội dung: “Tôi có thể không được ưa thích, nhưng tôi tự do”. Bài hát đầu tiên của ITZY Dalla Dalla (2019) cũng chứa đầy những câu hát tự tin như: “Không cần hoàng tử quyến rũ, không có thời gian cho tình yêu” hay “Đừng hạ thấp tôi vì tôi dám khác biệt”. Trưởng nhóm Soyeon của nhóm nhạc nữ (G)I-DLE giải thích ca khúc mới nhất do cô sáng tác Nxde (2022) sử dụng chữ “x” thay vì chữ “u” trong từ khỏa thân.

ITZY và (G)I-DLE dám thể hiện sự khác biệt trong các sản phẩm âm nhạc.

Cả ca khúc Dalla Dalla lẫn Nxde đều được công chúng đón nhận sau đó đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng. Thành tích trên cho thấy các nghệ sĩ nữ đã dần dũng cảm để bước ra khỏi những tiêu chuẩn hà khắc, đồng thời công chúng cũng dần cởi mở với điều đó.

Đương nhiên, điều này không có nghĩa Kpop đã chấp nhận phong trào “không mặc áo nịt ngực” đã nổ ra ở Hàn Quốc vào cuối những năm 2010. Phong trào này là một phần của chiến dịch xã hội lớn hơn, trong đó phụ nữ loại bỏ các hình thức làm đẹp truyền thống mà xã hội luôn áp đặt cho họ. Qua phong trào này, phụ nữ Hàn Quốc kêu gọi từ bỏ sự lệ thuộc vào lớp trang điểm, hay việc bị coi thường nếu cắt tóc ngắn và không có hình thể lý tưởng.

Nhưng theo giới chuyên môn, thành công của (G)I-DLE hay ITZY là những tín hiệu đáng mừng của Kpop.

Nhà phê bình Park Hee A cũng nhắc đến trường hợp SNSD hay TWICE dám hát về rượu trong Party (năm 2015) và Alcohol Free (năm 2021) để nhấn mạnh sự thay đổi của Kpop. “Chắc chắn có sự tiến bộ, dù nó chỉ ở một số điểm nhất định nào đó”, chuyên gia nói.

“Các nhóm nhạc nữ thế hệ cũ đặc biệt khó thay đổi vì hiện tại mọi thứ đã khác so với khi họ ra mắt. Tuy nhiên, các nhóm nhạc nữ thế hệ mới đã trở nên cởi mở hơn khi nói về việc họ là ai và thể hiện điều đó với công chúng. Sự thay đổi có thể diễn ra từ từ”, nhà phê bình Park Hee A nói.

Theo Zing News