Âm nhạc

Chuyên Mục

Đế chế hùng mạnh nhất Kpop dần sụp đổ


SM đang trải qua cuộc tranh chấp lớn về quyền quản lý. Các nghệ sĩ thuộc công ty rơi vào cảnh lao đao, mất phương hướng.


Vụ việc xoay quanh SM Entertainment đang là chủ đề được quan tâm nhất lúc này ở thị trường âm nhạc Hàn Quốc. Ngày 16/2, truyền thông Hàn Quốc tiếp tục cập nhật diễn biến về vụ lục đục nội bộ của SM Entertainment. Điều người hâm mộ lo lắng nhất lúc này là tương lai của các nghệ sĩ trực thuộc công ty.

Diễn biến mới về cuộc chiến giành quyền quản lý của SM

Ngày 16/2, tờ Khan đưa tin Lee Sung Soo - Giám đốc điều hành của SM Entertainment - tố người sáng lập công ty là Lee Soo Man trốn thuế. Theo Lee Sung Soo, Lee Soo Man thành lập một công ty ở nước ngoài để hưởng lợi nhuận từ các nhóm aespa, Super M và WayV. Việc này khiến SM bị điều tra việc trốn thuế cách đây không lâu.

Lee Sung Soo tuyên bố Lee Soo Man yêu cầu một số bài hát của nhóm nhạc trong công ty phải có nội dung trồng cây, bảo vệ môi trường đầy khó hiểu. Các quản lý và cổ đông trong công ty rất phản đối việc này. Với lý do này, màn trở lại của nhóm nhạc aespa bị hoãn. Theo Lee Sung Soo, đằng sau yêu cầu khó hiểu là tham vọng về quyền kinh doanh bất động sản của Lee Soo Man.

Lee Sung Soo cho biết Lee Soo Man muốn xây dựng các thành phố Kpop ở nước ngoài để mở sòng bạc, lễ hội âm nhạc và thoải mái sử dụng chất cấm. Đó là lý do Lee Sung Soo cùng các cổ đông của SM trước đó cách chức Lee Soo Man, đồng thời mở ra kỷ nguyên 3.0 để thoát khỏi chế độ độc quyền của cựu chủ tịch.

Sau tuyên bố của Lee Sung Soo, Cục thuế Quốc gia Hàn Quốc xem xét tiến hành cuộc điều tra thuế với công ty SM Entertainment và Lee Soo Man. Trong khi đó, HYBE - tập đoàn đã mua cổ phần SM từ Lee Soo Man - tuyên bố không biết gì. HYBE nói sẽ đánh giá chi tiết công ty nếu tuyên bố của Lee Sung Soo đúng sự thật.

Tờ Hankyung nhận định SM đang rơi vào cuộc chiến giành quyền quản lý. Mọi việc bắt nguồn từ ngày 3/2 khi Lee Sung Soo và Tak Young Joon - đồng Giám đốc điều hành của SM - tuyên bố mở ra kỷ nguyên SM 3.0 bằng cách thoát khỏi hệ thống sản xuất độc quyền của Lee Soo Man. Thông qua việc phát hành cổ phiếu mới, trái phiếu chuyển đổi (CB), Kakao đã nắm giữ 9,05% cổ phần của SM và trở thành cổ đông lớn thứ hai.

Lee Soo Man phản đối hành động trên và đệ đơn tạm thời cấm SM phát hành cổ phiếu mới, trái phiếu chuyển đổi. Sau đó, Lee Soo Man bắt tay với HYBE - một đối thủ cạnh tranh của SM do Bang Shi Hyuk đứng đầu. HYBE là tập đoàn quản lý nhóm nhạc BTS và NewJeans, Le Sserafim, Seventeen...

Việc Lee Soo Man bán cổ phần cho HYBE đẩy mâu thuẫn nội bộ SM Entertainment lên cao.

Theo tin tức của truyền thông Hàn Quốc ngày 16/2, HYBE đã chính thức mua 14,8% (khoảng 422,8 tỷ won) cổ phần trong SM của Lee Soo Man và tiến cử 7 người làm thành viên hội đồng quản trị mới của SM.

Cuộc chiến của SM chưa tới hồi kết. Lúc này, điều công chúng Hàn Quốc quan tâm là phe Lee Sung Soo, Tak Young Joon với Kakao hay HYBE với Lee Soo Man chiến thắng trong cuộc chiến giành quyền quản lý SM.

Niềm tự hào về SM biến mất

Khi thông tin Lee Soo Man bán cổ phiếu cho HYBE nổ ra, 85% nhân viên của SM Entertainment bỏ phiếu phản đối. Một nhân viên SM thậm chí cho biết cô mất niềm tự hào về công việc khi SM trở thành công ty con của HYBE.

Người này viết: “Sau đại dịch Covid-19, chúng tôi bắt đầu tổ chức nhiều buổi hòa nhạc và công ty hoạt động tốt hơn. Tôi từng làm việc với cảm giác tự hào và tự nhủ: 'Yeah. Hãy giành lại vị trí số một của chúng ta!'. Công việc dồn dập nhưng sau mỗi dự án, tôi lại thấy lòng háo hức. Nhưng bây giờ tôi bị cướp đi cảm giác đó. Từ giờ trở đi, cho dù các nghệ sĩ của công ty có làm tốt như thế nào, chúng tôi cũng sẽ chẳng là gì ngoài một công ty con hoạt động tốt. Tôi chỉ cảm thấy tất cả truyền thống và lịch sử của chúng tôi đã bị phủ nhận”.

Phản ứng này là dễ hiểu bởi SM Entertainment từng là một đế chế, có công rất lớn trong việc gây dựng Kpop lớn mạnh và lan tỏa sức ảnh hưởng tới toàn cầu như hiện nay.

Được thành lập năm 1989 bởi Lee Soo Man, SM Entertainment ngày càng lớn mạnh khi lập ra những ca sĩ, nhóm nhạc hàng đầu của mỗi thế hệ, chẳng hạn S.E.S (1997), nhóm nhạc nam Shinhwa (1998), bộ đôi Fly to the Sky (1999) và nữ ca sĩ BoA (2000). Họ được xem như những "công thần" đặt nền móng cho Kpop.

TVXQ là nhóm nhạc nổi tiếng nhất nhì Kpop thế hệ thứ 2.

Ở những giai đoạn tiếp theo của Kpop, SM có TVXQ, Super Junior, SNSD, SHINee, f(x), EXO, Red Velvet, NCT và mới nhất là aespa. Họ đều là những nghệ sĩ tiêu biểu trong mỗi thế hệ. TVXQ thậm chí được ghi vào sách kỷ lục Guinness thế giới ở mục nghệ sĩ có số lượng fan lớn nhất với 800.000 thành viên. SNSD được mệnh danh nhóm nhạc quốc dân với hàng loạt kỷ lục trong giới âm nhạc.

Với aespa ra mắt cách đây hơn 2 năm, SM tiếp tục thành công trong việc dẫn đầu thị trường. Nhóm nhạc này có liên tiếp hai ca khúc trở thành hiện tượng là Next Level và Savage.

Mô tả về tầm ảnh hưởng của aespa trong ngành công nghiệp âm nhạc, Forbes viết: “Ra mắt vào năm 2020 với đĩa đơn Black Mamba, bộ tứ đã là một trong những nhóm nhạc nữ hot nhất Kpop. Bài hát nổi tiếng nhất của aespa là Next Level phát hành tháng 5/2021 với hơn 215 triệu lượt xem. aespa cũng trở thành đại sứ thương hiệu cho Givenchy”.

SM và JYP, YG từng được gọi tắt là “Big 3”, tức 3 công ty giải trí quyền lực, lớn mạnh nhất Hàn Quốc.

Với thành công kể trên, nhân viên và cả người hâm mộ hoàn toàn có quyền tự hào SM Entertainment từng là một đế chế. Tuy nhiên, sự xuất hiện của những “con cá lớn” như HYBE hay Kakao khiến họ phải lo lắng rằng niềm tự hào đó đang dần tan biến.

Hoạt động của aespa bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì tranh chấp của lãnh đạo.

Nghệ sĩ bị ảnh hưởng

Kakao hay HYBE nắm quyền điều hành SM thì công ty này cũng khó giữ được sự tự chủ về mọi mặt, đặc biệt các ý tưởng sản phẩm âm nhạc. Như vậy, SM sẽ rơi vào tình trạng đánh mất bản sắc riêng. Giới chuyên gia Hàn Quốc nhận định HYBE khả năng lớn sẽ không can thiệp vào mặt nội dung của SM, nhưng nếu trở thành công ty con, SM đã đánh mất chính mình và tự phá bỏ lịch sử đáng tự hào suốt hơn 20 năm qua.

Trước mắt, mọi hoạt động của nghệ sĩ SM bị ảnh hưởng. Cách đây ít ngày, Key nhóm SHINee cho biết anh muốn tổ chức sự kiện âm nhạc cá nhân nhưng không biết bàn bạc vấn đề này với ai vì nội bộ công ty đang quá rắc rối.

Trong khi đó, màn trở lại của aespa cũng bị lùi lịch. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chỗ đứng của aespa trong ngành âm nhạc. Họ là tân binh, vị thế chưa đủ vững mạnh, trong khi các nhóm nhạc mới như New Jeans, IVE, Le Sserafim đang dần bành trướng. aespa không đẩy nhanh hoạt động thì dễ dàng bị thụt lùi so với đối thủ.

Theo Zing News