Khi thần tượng bị công ty quản lý ngược đãi
Các công ty giải trí Hàn Quốc luôn tìm cách vắt kiệt sức lao động của các thần tượng nhằm thu lợi nhuận. Khi thần tượng không còn mang lại giá trị, họ sẵn sàng bỏ rơi.
Thần tượng đem lại vô số lợi nhuận cho công ty quản lý. Do vậy, một số công ty bất chấp mọi cách để thu lợi từ nghệ sĩ. Họ yêu cầu thần tượng ký những “bản hợp đồng nô lệ” kéo dài tới 13 năm, thậm chí chèn ép, bóc lột sức khỏe của thần tượng.
Các công ty này có xu hướng bỏ rơi thần tượng khi họ không mang lại lợi ích hoặc do công ty muốn tập trung đầu tư cho những nhóm nhạc mới.
Thần tượng bị công ty ngược đãi, tẩy chay
Ngày 23/10, CEO công ty Spire Entertainment bị tố bạo lực thành viên nhóm OMEGA X sau khi buổi biểu diễn của nhóm tại Los Angeles (Mỹ) kết thúc. Video vị CEO to tiếng, dùng vũ lực với nghệ sĩ được đăng trên mạng xã hội nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng.
Sau đó, người này đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc. Cô nói: “Cáo buộc do anti-fan đưa ra. Tôi không ngủ trong nhiều ngày, mệt mỏi đến mức chảy máu mũi. Tôi chỉ thấy khó chịu vì các thành viên không an ủi và chăm sóc tôi. Tôi thường đối xử với họ một cách tử tế". Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra ngờ vực lời giải thích, cho rằng nó quá “qua loa, vòng vo”.
Cuối tháng 8, vụ việc nhóm nhạc nữ Loona phải lưu diễn trong tình trạng sức khỏe không ổn định cũng khiến người hâm mộ phẫn nộ. Theo Insight, trong vòng một tháng, các cô gái phải di chuyển và biểu diễn không ngừng nghỉ tại 14 thành phố của nước Mỹ.
Lịch trình dày đặc khiến các thành viên Loona kiệt sức. Yeojin ngã ngay trên sân khấu, Haseul ngồi hát do vai bị lệch trong khi Choi Ri và Olivia Hye cũng không thể biểu diễn do sức khỏe kém.
Trước tình trạng này, người hâm mộ Loona yêu cầu công ty quản lý Blockberry Creative cho nhóm nhạc khoảng thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, công ty tiếp tục đưa ra thông báo nhóm sẽ tổ chức concert tại Seoul vào tháng 9.
Thành viên Chuu cho biết cô không nhận được bất kỳ thông báo nào về sự kiện sắp diễn ra. Điều này làm dấy lên nghi ngờ nữ ca sĩ bị công ty phân biệt đối xử. Thậm chí, nữ ca sĩ phải tự bỏ tiền để tổ chức buổi họp fan.
Những tài năng bị lãng quên
Ra mắt năm 2009 dưới sự quản lý của SM Entertainment, f(x) được đánh giá là nhóm nhạc nữ tiềm năng khi hội tụ đủ các nhân tố: vocal, visual, rapper và dancer. Tuy nhiên, sự thờ ơ của công ty đại diện khiến f(x) không thể tỏa sáng như kỳ vọng của khán giả.
Trước khi chính thức thông báo rời SM Entertainment, thành viên Amber viết thư tay cho người hâm mộ và giãi bày: “Tôi đã rất kiên trì. Người hâm mộ cũng rất kiên nhẫn. Thế nhưng tôi chẳng thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi và liên tục bị từ chối, rồi lại ôm ấp những hy vọng viển vông".
Nữ ca sĩ cho biết cô dành nhiều thời gian để sản xuất các sản phẩm cá nhân, nghĩ concept, viết đề xuất và trình bày kế hoạch quảng cáo. Song, SM Entertainment chỉ đáp lại: “Chúng tôi không có thời gian cho cô”.
Trên thực tế, nhóm nữ nhà SM phải chịu nhiều thiệt thòi. Ra mắt năm 2009 nhưng phải đến năm 2016, tên fanclub của nhóm mới được công bố. Ngoài ra, trong khi nhiều nhóm nhạc hậu bối như BlackPink có concert đầu tiên sau 2 năm debut, concert đầu tiên của f(x) được tổ chức khi nhóm đã hoạt động 7 năm.
Một năm sau concert, tất cả hoạt động của f(x) đều bị đóng băng cho đến khi các thành viên lần lượt kết thúc hợp đồng với SM Entertainment. Một số người hâm mộ cho rằng lý do SM không quan tâm tới 5 cô gái là lợi nhuận họ mang lại không như những gì công ty kỳ vọng.
YG Entertainment từng bị người hâm mộ chỉ trích vì không quảng bá cho Lee Hi. Sau sản phẩm Breathe được phát hành năm 2016, nữ ca sĩ không có bất kỳ sản phẩm âm nhạc nào cho đến năm 2019. Đến khi gia nhập công ty quản lý mới - AOMG - vào năm 2020, Lee Hi mới xuất hiện nhiều trên đài truyền hình, các sự kiện, lễ hội về âm nhạc và phát hành nhiều ca khúc hit.
Con đường nào cho thần tượng sau khi "dứt áo"?
Sau khi xung đột nổ ra, nhiều thần tượng lựa chọn chấm dứt hợp đồng với công ty quản lý và tìm một công ty mới.
Năm 2008, 3 thành viên của nhóm nhạc DBSK là Jae Joong, Jun Su và Yoo Chun chấm dứt hợp đồng với SM Entertainment do công ty này đưa ra nhiều điều khoản vô lý, bao gồm việc yêu cầu nhóm ký hợp đồng trong 13 năm và chia lợi nhuận không đồng đều. Sau khi rời SM Entertainment, cả ba ký hợp đồng với JYP Entertainment và thành lập nhóm nhạc mới có tên JYJ.
Một số khác lựa chọn rẽ hướng sang các lĩnh vực như diễn xuất, nhạc kịch để phát triển. Luna - cựu thành viên nhóm f(x) - thành công với các vở nhạc kịch Legally Blonde, Coyote Ugly, High School Musical... Trong khi đó, Krystal hoạt động tích cực ở mảng phim ảnh.
Theo trang Korea Joongang Daily, sân khấu nhạc kịch là bến đỗ tiềm năng với các thần tượng bởi họ có những kỹ năng phù hợp với yêu cầu của nhạc kịch như ca hát, vũ đạo hay làm chủ sân khấu. Bên cạnh đó, độ nổi tiếng của họ cũng góp phần thu hút khán giả tới rạp hát.
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop (29-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)