Âm nhạc

Chuyên Mục

Sai lầm của BTS, BlackPink và Kpop


Trong chặng đường tiến ra thị trường toàn cầu, Kpop đã vướng nhiều tranh cãi về chiếm dụng văn hóa. Truyền thông Hàn Quốc nhận định lý do dẫn đến ồn ào là sự thiếu hiểu biết.


Ngày 24/10, tờ Mediaus có bài viết về những sai lầm của Kpop trong quá trình vươn ra toàn cầu. Theo tờ Mediaus, Kpop đã bước sang một chương khác của quá trình toàn cầu hóa. Thời kỳ toàn cầu hóa của Kpop có thể được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên diễn ra vào những năm 2000, khi Kpop bắt đầu thâm nhập thị trường châu Á, đặc biệt Nhật Bản.

Giai đoạn thứ hai (những năm cuối thập niên 2000 tới giữa những năm 2010), ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc củng cố vị thế trên thị trường châu Á và thâm nhập khu vực khác, chẳng hạn Nam Mỹ. Từ giữa những năm 2010, BTS trở thành ngôi sao ở Bắc Mỹ. Đây là giai đoạn thứ 3 khi thị trường phương Tây được mở cửa và dịch bệnh bùng phát.

Hậu quả của sự thiếu hiểu biết

Trong giai đoạn thứ 3, nội dung trực tuyến trở thành sản phẩm chính và tỷ trọng từ thị trường nước ngoài tăng lên. Kpop trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu. Xuất khẩu album bùng nổ. Sau khi các quy tắc phòng tránh dịch được dỡ bỏ, nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc thi nhau thực hiện chuyến lưu diễn trên toàn thế giới. Trung tâm của thị trường Kpop đã chuyển từ Hàn Quốc sang nước ngoài. Thần tượng Kpop giờ đây nhắm mục tiêu vào thị trường phương Tây.

Mediaus nhận định ở khía cạnh công nghiệp, phạm vi ảnh hưởng của Kpop đã liên tục được mở rộng trong thời gian ngắn. Nhưng ở khía cạnh văn hóa, sai lầm là không thể tránh khỏi. Việc truyền bá văn hóa xuyên biên giới đã dẫn đến những cuộc đụng độ. Lý do là Hàn Quốc vốn là quốc gia có môi trường tách biệt với các chủng tộc và nền văn hóa khác trên thế giới.

Jimin, thành viên nhóm BTS từng bị khán giả Nhật Bản chỉ trích.

Ngay cả BTS cũng đã trải qua nhiều khó khăn khác nhau. Một chương trình ca nhạc tại Nhật Bản của BTS đã bị hủy bỏ do thành viên Jimin vướng tranh cãi. Nam ca sĩ mặc áo phông có in hình bom nguyên tử.

Tranh cãi thường xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của giới thần tượng về các vấn đề cấm kỵ ở nước ngoài. Bản thân xã hội Hàn Quốc thiếu sự giáo dục và nhận thức tương đối về xã hội toàn cầu. Vì vậy nhận thức của thần tượng Kpop lẫn công ty quản lý không thể theo kịp tốc độ phát triển quá nhanh chóng của ngành công nghiệp trên toàn cầu.

Vì thế, sự chiếm đoạt văn hóa đang gia tăng ở Kpop. Mamamoo từng bị chỉ trích vì mặc phục trang của châu Phi để hóa trang gây cười trong một chương trình. MV How You Like That của BlackPink phải chỉnh sửa nội dung vì khán giả phát hiện tượng thần Ganesha bị đặt dưới sàn nhà trong cảnh quay của Lisa. Jennie nhiều lần gây tranh cãi khi để tóc tết. Oh My Girl sử dụng hình ảnh của người Mỹ bản địa trong video âm nhạc.

Vấn đề chiếm đoạt văn hóa là một trong những sai lầm của Kpop trong hành trình vươn ra toàn cầu. Cốt lõi của vấn đề vẫn là sự thiếu hiểu biết của các công ty quản lý.

MV How You Like That của BlackPink phải chỉnh sửa sau khi vướng ồn ào.

Chủ nghĩa dân tộc xung quanh Kpop

Truyền thông Hàn Quốc chỉ ra điều quan trọng nhất đằng sau sự phát triển của Kpop hiện tại là chủ nghĩa dân tộc và sự sai lệch trong bản sắc. Bài viết của Mediaus phân tích khi phong trào Black Lives Matter (PV: chiến dịch chống lại bạo lực và phân biệt chủng tộc có hệ thống đối với người da đen) diễn ra, người hâm mộ hy vọng nghệ sĩ Kpop ở Mỹ đóng góp sức ảnh hưởng.

Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, công chúng tranh luận vấn đề này. Khán giả Hàn Quốc tranh cãi việc thần tượng nước họ có cần liên quan đến phong trào này hay không. Điều này được gây ra bởi xu hướng bảo thủ của xã hội Hàn Quốc, chủ nghĩa dân tộc xung quanh Kpop và sự sai lệch trong bản sắc.

Sau thành công của BTS, Kpop được coi như một dòng chảy toàn cầu và khác biệt so với các ngành công nghiệp văn hóa châu Á khác. Từ đó, ý thức dân tộc đang được giao phó cho BTS nói riêng và Kpop nói chung. Kpop thậm chí đang được coi là vấn đề uy tín quốc gia. Do đó, công chúng nước này khó chấp nhận những lời chỉ trích với Kpop. Trong khi đó, mặt trái của ngành công nghiệp âm nhạc đều bị phớt lờ hoặc từ chối giải quyết.

Kpop đã hình thành lượng fan khổng lồ ở Mỹ. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, nó được sử dụng như một biểu tượng tượng trưng cho các nhóm chính trị, quốc gia và dân tộc. Khi ngành công nghiệp này mở rộng ra toàn cầu, Kpop đã biến thành một hệ tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và công cụ phục vụ nhiều ngành nghề khác tại Hàn Quốc. Bài viết của Mediaus cho rằng vấn đề này có thể hủy hoại mục đích ban đầu của Kpop đồng thời tạo sức ép rất lớn lên các công ty giải trí lẫn giới thần tượng.

“Kpop đã được toàn cầu hóa, nhưng xã hội sinh ra Kpop (PV: ý chỉ Hàn Quốc) vẫn chưa được toàn cầu hóa", tờ Mediaus nhận định.

“Chúng ta phải đối mặt với vấn đề này và nhìn nhận Kpop một cách khách quan hơn. Toàn cầu hóa không phải quá trình một sớm một chiều, khi văn hóa Hàn Quốc phát triển và ‘đóng quân’ ở nhiều nơi trên thế giới. Thay vào đó, toàn cầu hóa cũng là quá trình chấp nhận bản sắc của các quốc gia khác, đồng thời trao đổi bình đẳng các nền văn hóa của nhau. Đừng quên sự thật đơn giản này”, Mediaus nhấn mạnh.

Theo Zing News