Âm nhạc

Chuyên Mục

Công ty quản lý hoảng loạn khi thành viên BTS lần lượt nhập ngũ


Kpop gặp khó khăn trong hành trình chinh phục thị trường âm nhạc nước ngoài khi BTS nhập ngũ. Công ty quản lý của nhóm cũng không tránh khỏi thiệt hại kinh tế.


Ngày 17/10, tờ Korea Times đưa tin Jin là thành viên đầu tiên của BTS nhập ngũ. Sau đó, các thành viên của BTS lần lượt thực hiện nghĩa vụ quân sự. Họ hy vọng có thể tái hợp và hoạt động trở lại vào năm 2025.

Thông tin trên chấm dứt tranh cãi kéo dài hơn một năm qua của các quan chức lẫn công chúng Hàn Quốc về việc có nên miễn nghĩa vụ quân sự cho BTS hay không. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều mối lo ngại với tương lai của BTS, công ty quản lý HYBE lẫn ngành âm nhạc Hàn Quốc.

Thiệt hại cho công ty quản lý khi BTS nhập ngũ

Đầu tiên với BTS, danh tiếng và sức ảnh hưởng của nhóm có lẽ không bị quá ảnh hưởng dù họ tạm dừng hoạt động trong khoảng hai năm. Nhóm sở hữu lượng fan đông đảo và trung thành. Những người hâm mộ này sẵn sàng chờ đợi thần tượng của họ. Nhiều nhóm nhạc nam khác của Kpop đã chứng minh việc nhập ngũ không quá ảnh hưởng tới vị trí tại ngành công nghiệp âm nhạc, đặc biệt các nhóm nhạc hàng đầu. Big Bang là một ví dụ.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện ở Hàn Quốc. Ở thị trường Mỹ, tương lai của BTS là điều khó dự đoán. Lý do là chỗ đứng của BTS nói riêng và Kpop nói chung ở Mỹ chưa đủ vững chắc. Vị trí đó càng có thể lung lay khi nhóm tạm dừng hoạt động tới 2 năm.

Với công ty quản lý Big Hit Music và tập đoàn HYBE, sự vắng bóng của BTS càng đáng lo ngại. Bởi thời gian qua, nguồn thu lớn nhất của HYBE đến từ nhóm nhạc BTS. Theo Billboard, thị phần của BTS chiếm 60% tổng doanh thu của HYBE vào năm 2021.

Theo tin tức đầu tháng 10 của My Daily, từ khi vấn đề nhập ngũ của BTS được đưa ra bàn luận, HYBE đã thiệt hại hơn 10 tỷ USD trong năm qua. Cổ phiếu của HYBE giảm khoảng 70% từ mức giá đỉnh điểm xuống dưới mức giá IPO (Initial Public Offering tức giá phát hành công khai lần đầu). Đồng nghĩa, khi BTS chính thức nhập ngũ, HYBE có thể sẽ thiệt hại nhiều hơn.

Sau Jin, các thành viên của BTS sẽ lần lượt nhập ngũ. Ảnh: Rolling Stone Japan.

Tờ My Daily thậm chí nhận định HYBE đang đứng trước tình trạng hoảng loạn, bất chấp việc thời gian qua tập đoàn này tích cực đầu tư vào công nghệ AI, CNTT, cũng như NFT nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào BTS.

My Daily phân tích trên thị trường KOSPI, ngày 28/9, HYBE kết thúc giao dịch ở mức 130.000 won, giảm 10.000 won (khoảng 7,14%) so với ngày trước đó. Tại thời điểm niêm yết là tháng 10/2020, giá chào bán cổ phiếu của HYBE ra công chúng là khoảng 135.000 won. Giá cao nhất cổ phiếu HYBE từng có là 421.500 won.

Ngày 17/10, trước những lo lắng của cổ đông và dư luận, HYBE cho biết việc BTS nhập ngũ không phải quyết định đột ngột. Tập đoàn đã có sự chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro từ vấn đề này trong suốt thời gian qua. HYBE trấn an các cổ đông nhằm tránh sự hỗn loạn quá lớn khi tin tức BTS nhập ngũ chính thức được công bố.

Trong quá khứ, HYBE bị chỉ trích vì để doanh thu dựa quá nhiều vào các hoạt động và thành tích của BTS. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới, HYBE khẳng định họ đang có hệ thống đa công ty với sự hội tụ âm nhạc và công nghệ sáng tạo. Tập đoàn đảm bảo phát triển liên tục và bền vững ngay cả khi các thành viên BTS vắng mặt.

"9 công ty con của tập đoàn đang tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc và nội dung khác nhau. Chúng tôi có thể xây dựng đội hình nghệ sĩ toàn cầu như Seventeen, TXT, ENHYPEN, Le Sserafirm, NewJeans, Zico, fromis_9, Justin Bieber và Ariana Grande”, tập đoàn tuyên bố.

HYBE cho biết thêm: "Chúng tôi cũng chuẩn bị một kế hoạch chi tiết để tăng cường sự ảnh hưởng của tập đoàn trên thị trường âm nhạc toàn cầu. Chúng tôi ra mắt 4 nhóm nhạc mới ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ vào năm 2023".

Bất chấp cam kết của HYBE, tập đoàn vẫn đang đứng trước khó khăn. Tờ Economist đưa tin sau khi thông tin về BTS được thông báo, giá cổ phiếu của HYBE đóng ở mức 115.000 won, giảm 2,54% (3.000 won) so với hôm trước. Truyền thông Hàn Quốc phân tích các nhà đầu tư đang rụt rè trong việc mua cổ phiếu của HYBE do BTS tuyên bố ngừng hoạt động nhóm.

Tương lai của Kpop trên thị trường Mỹ

Kpop đang trên đà phát triển ở thị trường âm nhạc Mỹ và toàn cầu. Trong đó, BTS và BlackPink chính là hai nhóm nhạc đóng vai trò quan trọng nhất đồng thời có sức ảnh hưởng mạnh nhất tại Mỹ. Tuy nhiên, ngoài họ, Kpop chưa có nhóm nhạc nào khác thực sự nổi tiếng tại Mỹ cũng như thị trường toàn cầu.

Theo bài viết đăng cuối năm 2021, VOX nhận định BTS là nhóm nhạc Kpop duy nhất có bước đột phá ở Mỹ. Dựa trên số liệu của Soundcharts, VOX chỉ ra ngoài BTS, các nghệ sĩ Kpop khác có rất ít lượt phát sóng trên 40 đài radio chính thống và hàng đầu của Mỹ. Đồng nghĩa, Kpop còn rất mờ nhạt ở thị trường âm nhạc lớn nhất thế giới.

Giờ đây, BTS tạm dừng hoạt động, cơ hội để Kpop tiếp tục tham vọng “xâm chiếm” Mỹ và thế giới càng trở nên khó khăn hơn.

Trước đó, giới chính trị Hàn Quốc tranh luận suốt thời gian dài về việc có nên miễn nghĩa vụ quân sự cho BTS hay không. Lý do là BTS đang đạt nhiều thành công trên thị trường âm nhạc thế giới, từ đó mang về lợi ích kinh tế cho mọi lĩnh vực của Hàn Quốc. Nhiều chính trị gia cho rằng BTS cần được miễn nghĩa vụ quân sự để giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

Giới chuyên gia lo ngại khi BTS nhập ngũ. Ảnh: HYBE.

Lee Taek Gwang, giáo sư nghiên cứu văn hóa tại Đại học Kyung Hee nói với Billboard: “Chính phủ và các cơ quan chức năng quan tâm đến việc BTS được miễn nghĩa vụ quân sự vì nhóm mang lại lợi ích chính trị. Họ muốn ngăn chặn bất kỳ rủi ro của việc BTS nhập ngũ với nền kinh tế”.

Theo Viện nghiên cứu Hyundai, thành công của BTS giúp tạo ra khoảng 3,54 tỷ USD từ khách tham quan nước ngoài và xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, đồ trang điểm, thực phẩm. Đại diện Sung Il Jong của Đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền ước tính một bài hát đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard của BTS có thể tạo ra sự bùng nổ kinh tế trị giá 1,38 tỷ USD. Nhóm có 6 bài hát đạt được thứ hạng này.

Theo Zing News