Nhóm nhạc cứu công ty khỏi phá sản
Theo Daum, Seventeen là nhóm nhạc đông thành viên hiếm hoi duy trì danh tiếng và đội hình nguyên vẹn sau nhiều năm hoạt động.
Xuất thân từ Pledis Entertainment - công ty giải trí vốn bị xem là một trong những nguyên nhân khiến “gà nhà” phải chịu kết cục tan rã. Việc thiếu sót trong cách quản lý và định hướng chiến lược, làm kìm hãm sự phát triển của loạt cái tên sáng giá một thời như After School, Pristin, NU’EST… Theo Naver, thời điểm Seventeen debut cũng chính là giai đoạn khủng hoảng nhất của Pledis Entertainment khi phải đối mặt với nhiều khoản nợ không thể chi trả.
Kéo theo đó, những nhóm nhạc gây được tiếng vang trước đó của công ty như After School hay NU’EST cũng không được đón nhận tại quê nhà. Cuối cùng, Pledis Entertainment đã đưa ra quyết định mang tính sống còn: debut Seventeen.
Ra mắt vào thời điểm công ty gặp nhiều khó khăn, dù chưa hoạt động, nhóm nhạc nam 13 thành viên đã phải đứng trước nguy cơ tan rã. Bởi công ty có thể bị phá sản nếu họ thất bại. Thậm chí, Phó chủ tịch Pledis Entertainment đã phải bán nhà để có chi phí hỗ trợ cho nhóm ra mắt. Thêm vào đó, 2015 cũng là năm đánh dấu sự xuất hiện của nhiều nhóm nhạc từ các công ty giải trí lớn như iKON, Monsta X, TWICE... Bởi vậy, Seventeen dường như không có quá nhiều cơ hội để ra mắt thành công.
Thế nhưng, bằng những nỗ lực và tài năng vượt trội, từ một nhóm nhạc không được chú ý, Seventeen ngày càng tỏa sáng và khẳng định vị trí hàng đầu ở Kpop. Trong suốt 7 năm hoạt động, sức mạnh tập thể đã giúp họ chinh phục đỉnh cao sự nghiệp, ghi dấu vào lịch sử Kpop loạt thành tích đáng nể. Sự lớn mạnh của Seventeen càng được chứng minh khi nhóm về hoạt động dưới trướng HYBE – công ty quản lý của BTS. Tháng 7/2021, toàn bộ 13 thành viên đã thống nhất tái ký hợp đồng với công ty Pledis Ent (nay thuộc HYBE) để tiếp tục xây dựng hình ảnh của một khối đoàn kết trong âm nhạc.
Đội hình đa tài, nhiệt huyết
Theo Daum, để có đội hình 13 thành viên toàn diện hiện tại, Seventeen đã trải qua khoảng thời gian dài luyện tập và kiên trì với đam mê. Thậm chí, có những người gia nhập công ty từ khi mới chỉ học cấp 2. Họ trở thành thực tập sinh trong suốt 6-7 năm chỉ để chờ đợi cơ hội được debut. Ban đầu, dự án Seventeen được lên kế hoạch gồm 17 thành viên theo đúng ý nghĩa tên nhóm song cuối cùng kế hoạch lại bị Pledis Entertainment trì hoãn không lý do. Điều này khiến đội hình Seventeen có nhiều thay đổi, một vài thực tập sinh đã quyết định rời đi trong khi các những người còn lại phải tiếp tục cạnh tranh để giành suất debut. Cuối cùng, 13 cá nhân tài năng và nỗ lực nhất đã được chọn vào đội hình Seventeen.
Thời điểm mới ra mắt, “gà nhà” Pledis là nhóm nhạc hiếm hoi đi theo mô hình tự sản xuất. 13 thành viên được chia làm 3 nhóm gồm nhỏ gồm Vocal (Hát), Performance (Trình diễn), Hip-hop và tất cả cùng tham gia vào quá trình sản xuất. Đây chính là yếu tố giúp nhóm nam nhà Pledis tạo nên thương hiệu khác biệt ngay từ những ngày đầu. Trong đó, Woozi chính là nhân tố góp phần quan trọng tạo nên âm nhạc đậm chất Seventeen.
Truyền thông Hàn từng ví sự hiện hữu của Woozi trong nhóm giống như “một quái vật mạnh mẽ”. Bắt đầu với album debut mang tên 17 CARAT đến nay, anh đều là người đảm nhận vai trò sản xuất cho toàn bộ sản phẩm của nhóm với sự hỗ trợ viết lời từ các thành viên. Trong đó, loạt bản hit như Adore U, Mansae, Pretty U, Very Nice… đã cho thấy tài năng nghệ thuật vượt trội của cả 13 thành viên.
Nếu Woozi là người tạo nên âm nhạc của Seventeen, Hoshi lại góp phần giúp nhóm tỏa sáng qua những màn trình diễn đẹp mắt. Thực tế, vũ đạo của nhóm đều do chính Hoshi và các thành viên của Performance Team dàn dựng với các vũ công. Không những vậy, 13 thần tượng nhà Pledis còn tham gia vào việc lên ý tưởng kịch bản cho chương trình thực tế mang tên Going Seventeen - show giải trí với nhiều nội dung hấp dẫn, không chỉ được Carats (fanclub Seventeen) mà đông đảo khán giả đều yêu thích. Hiệu ứng của chương trình giúp mức độ nhận diện của Seventeen với công chúng cũng tăng lên nhanh chóng.
Trang Newsen đánh giá đội hình đa tài, nhiệt huyết chính là yếu tố giúp nhóm có thể “cứu sống” vận mệnh của cả một công ty. Chỉ trong vòng 2 năm hoạt động, Seventeen đã trở thành “Idol xu hướng” khi vừa trở thành thần tượng lại vừa đảm nhận vai trò sản xuất trong các sản phẩm của nhóm.
Màu sắc khác biệt
Không giống hầu hết nhóm nhạc đi theo xu hướng thị trường quốc tế, Seventeen tập trung xây dựng chiến lược phát triển hoạt động tại quê nhà cũng như các quốc gia lớn khác ở châu Á như Nhật Bản hay Trung Quốc. Khi có được danh tiếng ổn định, nhóm cân bằng các hoạt động tại Hàn Quốc và nước ngoài. Trang Korea Times đánh giá chiến lược này vừa giúp danh tiếng của nhóm tại quê nhà không bị sụt giảm vừa tạo độ phủ sóng cho các thành viên ở quốc tế.
Bên cạnh đó, là nhóm nhạc hiếm hoi hoạt động với mô hình tự sản xuất, Seventeen chinh phục khán giả qua những ca khúc kể về câu chuyện của chính bản thân họ. Woozi cho biết âm nhạc của Seventeen ghi lại quãng thời gian thanh xuân của tất cả thành viên. Nhờ đó, người hâm mộ có thể cảm nhận được hình ảnh trưởng thành của nhóm qua từng giai đoạn, từ khi còn là những cậu bé với tình yêu chớm nở đến khi trở thành những chàng trai phải đấu tranh với nhiều áp lực ở tuổi trưởng thành.
Theo Daum, Woozi là người góp phần quan trọng trong việc tạo ra màu sắc độc đáo của Seventeen bởi gu âm nhạc của anh khác hẳn với những thể loại đương thời. Trước đó, Kpop chuộng những bài nhạc bắt tai đi kèm âm thanh quen thuộc. Thế nhưng, Woozi lựa chọn âm nhạc táo bạo hơn khi sử dụng giai điệu có sự biến đổi nhịp điệu liên tục. Thêm vào đó, anh còn tận dụng giọng hát và rap của 13 thành viên để tạo ra những màu sắc âm thanh khác biệt.
Các phân đoạn trong bài đều được phân chia theo âm sắc và cá tính phù hợp với từng người. Cũng vì thế, người nghe có thể thưởng thức một bài hát từ 3-4 phút mà không cảm thấy nhàm chán. Đặc biệt, phần vũ đạo đẹp mắt chính là điểm nhấn cho tổng thể ca khúc. Trang Korea Times đánh giá khả năng đặc biệt của Woozi là có thể hình dung âm nhạc hòa quyện với vũ đạo, tạo sự nổi bật so với những nhóm nhạc cùng thời.
Hơn nữa, việc sở hữu 3 nhóm nhỏ với thế mạnh khác nhau cũng giúp các sản phẩm, màu sắc âm nhạc của nhóm không chỉ đa dạng về ca từ mà còn ở thể loại và concept. Theo Naver, trong 5 năm hoạt động, Seventeen đã thử nghiệm đa dạng thể loại từ pop, ballad đến R&B, EDM, thậm chí nhạc kịch.
Seventeen cũng không đi theo một phong cách nhất định như nhiều nhóm nhạc khác mà luôn cố gắng biến hóa không ngừng. Mỗi lần comeback, nhóm lại đem đến một hình ảnh mới mẻ với những concept độc đáo. Đặc biệt, mỗi màn trình diễn của nhóm đều được đánh giá cao ở tính đồng đều, thống nhất trong đội hình. Đó cũng là lý do Seventeen còn được công nhận là “ông hoàng vũ đạo” của Kpop.
Trang Starnews nhận định để có được những màn trình diễn đồng đều như một thì việc tập luyện là chưa đủ. Điều quan trọng là sự thấu hiểu và phối hợp nhịp nhàng giữa các thành viên. Cả 13 người đã gắn bó từ khi còn là học sinh, cùng nhau luyện tập và vượt qua khó khăn cho đến hiện tại, khi đã trở thành những thần tượng nổi tiếng, họ vẫn giữ mối quan hệ gắn bó, khăng khít. Tinh thần đồng đội của Seventeen ngày càng trở nên mạnh mẽ khi 13 thành viên đều quyết định tiếp tục gia hạn hợp đồng với HYBE sau 7 năm hoạt động.
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop (29-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)