BlackPink tính toán quá nhiều
Trong single mới nhất "Pink Venom", người ta thấy rõ những toan tính để biến bài hát thành bản hit bùng nổ, nhưng đôi khi những điều đó lại mang đến tác dụng ngược.
2 năm trước, chúng ta từng thấy những bước đi bùng nổ của 4 cô gái BlackPink khi How you like that công phá hàng loạt các kỷ lục tại các bảng xếp hạng, một Ice Cream giúp các cô gái trở thành nhóm nhạc nữ KPop đầu tiên có thể tiến vào top 20 của bảng xếp hạng Billboard Hot 100 danh giá. Có thể thấy những toan tính rất rõ ràng của đội ngũ sản xuất trong cả hai sản phẩm ấy.
Với How you like that, người nghe được thấy một bản trap/hiphop đậm đặc màu sắc quen thuộc của các bản hit lừng lẫy DDU-DU DDU-DU hay Kill this love đã từng đem lại thành công vang dội cho 4 cô gái, nhằm đảm bảo cho một màn comeback chắc chắn bùng nổ.
Qua Ice Cream, không gian âm nhạc lại lật ngược sang hường phấn mộng mơ, kết hợp với một trong những cái tên hot bậc nhất của US-UK là Selena Gomez đã đảm bảo mang đến những thành tích quốc tế “vô tiền khoáng hậu” đối với một girlgroup KPop.
Tất cả những tính toán của đội ngũ sản xuất đều thành công vang dội, cái tên BlackPink phủ sóng đúng như những gì họ mong muốn. Tuy nhiên, âm nhạc lại đóng góp không nhiều trong thành công đó, vẫn là BlackPink mà khán giả từng biết đến qua rất nhiều các bài hát trước đó, không khác biệt, không đột phá.
Tính toán thật nhiều, ăn nhập thật ít
Sau 2 năm vắng bóng, BlackPink chính thức trở lại với Pink Venom, mở đường cho một dự án mới không kém hứa hẹn như The Album một dạo. Thế nên, chúng ta lại thấy đội ngũ sản xuất của BlackPink tính toán. Những đường đi nước bước lần này thậm chí còn có phần lộ liễu hơn How you like that.
Ta thấy tiếng đàn tranh Hàn Quốc trong intro mở màn, tiếng guitar đan xen trong pre-chorus, ảnh hưởng của âm nhạc Ấn Độ mạnh mẽ trong chorus, màu sắc old school hiphop đậm đặc trong verse 2 của bài,... Rất nhiều yếu tố khác nhau được cài cắm trong bài, nhưng dường như không có yếu tố nào ăn nhập vào nhau.
Cốt lõi của Pink Venom vẫn là một bản trap/hiphop tương tự như các bản hit hàng đầu trước đây của nhóm. Công thức sản xuất vẫn rất quen thuộc: Đoạn chorus với lyrics đơn giản lặp đi lặp lại, Jennie và Lisa thay phiên nhau trình bày (nhưng hầu như không đem lại sự khác biệt bởi tông giọng giống nhau), đoạn outro bùng nổ kết thúc.
Tất cả những yếu tố thêm thắt vào như đã nói ở trên, hầu như chỉ có nhiệm vụ tạo ra thêm những cuộc bàn luận không hồi kết.
Nếu không sử dụng đến những thứ đó, mà thay bằng các yếu tố khác thì bài hát vẫn không có gì thay đổi bởi mấu chốt là đoạn chorus và outro thì vẫn như thế mà thôi. Chính vì thế, sự gắn kết của chúng với toàn bộ bài hát là rất mong manh. Thậm chí, yếu tố thời trang trong sản phẩm lần này cũng được tính toán rất nhiều.
Ngoài việc xuất hiện với vô vàn các trang phục đắt đỏ, thậm chí mang cả logo của Manchester United vào trong MV, thì đội ngũ sản xuất cho BlackPink còn tính toán để cho Jennie nhắc đến Coco - gợi nhớ đến thương hiệu Chanel mà Jennie đang đại diện.
Lisa thì nhắc thẳng đến thương hiệu Celine trong phần lyrics. Chưa phải là quá dày đặc nhưng cũng đủ để thấy ekip của BlackPink tính toán nhiều thế nào để Pink Venom có thể đạt được hiệu quả viral ngoài âm nhạc, và điều đó phần nào làm lu mờ đi chính bản thân bài hát.
Bởi sức hút đặc biệt, 4 cô gái vẫn tìm được sự tỏa sáng
Tuy nhiên, những tính toán dày đặc của ekip sản xuất Pink Venom không hoàn toàn là tệ. Trong một bản phối nặng tính hiphop thế này, Lisa và Jennie đều chứng tỏ khả năng của mình rất tốt.
Cú chuyển giữa bài sang verse 2, đổi hẳn sang màu sắc old school hiphop trong bài tưởng chừng như sẽ gây khó chịu, nhưng sức hút của Jennie và Lisa đã khỏa lấp được hết những vấn đề đó. Cả hai rap với một tinh thần máu lửa, flow có sự biến đổi đa dạng, lyrics hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng cả hai đều không cho thấy sự gượng gạo nào mà trình bày rất thoải mái, phát âm chuẩn.
Jennie và Lisa mang đến 2 verse rap liên tiếp nhưng màu sắc của họ thì rất khác biệt, khẳng định rõ cá tính riêng biệt của bản thân. Chỉ đáng tiếc là cả 2 không mang được tinh thần đó đến đoạn chorus, khiến cho phân đoạn này bị giống nhau, tạo cảm giác lặp lại không đặc sắc.
Jisoo và Rosé không được góp giọng trong những phân đoạn quan trọng trong bài. Tuy nhiên, màu giọng độc đáo của cả hai vẫn giúp họ có những điểm sáng riêng. Đặc biệt, phân đoạn bridge khi cả hai thay phiên trình bày để màu giọng có phần đối nghịch của họ liên tục nâng đỡ, bổ trợ cho nhau, đẩy không khí dồn dập chuẩn bị cho phân đoạn outro khá tốt.
Rosé thường bị nhận xét nhiều về màu giọng hơi chói, nhưng ở Pink Venom cô đã che được khuyết điểm này, có nhiều tiết chế và có sự trình bày trọn vẹn. Tương tự, Jisoo cũng không có phân đoạn nào đi quá giới hạn của bản thân, mọi thứ đều vừa vặn.
Pink Venom không tạo được bất ngờ cho người nghe chính bởi sự tính toán quá nhiều của ekip. Với sản phẩm này, người nghe không được thấy một hình ảnh mới của BlackPink so với 2 năm, thậm chí là 3 hay 4 năm trước. Tuy nhiên, bởi sức hút của 4 thành viên là quá đặc biệt, họ vẫn tự tìm được những khoảnh khắc tỏa sáng cho riêng mình, và phần nào làm người hâm mộ hài lòng.
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop (29-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)