Âm nhạc

Chuyên Mục

Hết tiền, nhiều nhóm nhạc ở Kpop tan rã


Thời gian qua, nhiều công ty giải trí vừa và nhỏ rơi vào khủng hoảng vì dịch bệnh. Chuyên gia nhận định với Channel A rằng Kpop đang sụp đổ từ gốc rễ.


Một số lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật biểu diễn bị đình trệ vì Covid-19. Ảnh hưởng của dịch bệnh với Kpop cũng nghiêm trọng, đặc biệt những công ty giải trí nhỏ và nhóm nhạc ít tên tuổi.

Cuộc sống của họ vốn khó khăn vì thị trường Kpop cạnh tranh khốc liệt lại càng bấp bênh sau khi dịch bệnh bùng phát. Thậm chí, khi chứng kiến sự khủng hoảng của các công ty giải trí vừa và nhỏ, một chuyên gia nói với Channel A : “Kpop đang sụp đổ từ gốc rễ”.

Nguồn sống của những nhóm nhạc không nổi tiếng

Tháng 7, công ty giải trí MAJOR9 thông báo nhóm nhạc nữ Bling Bling tan rã. Họ dừng hoạt động chỉ sau khoảng một năm rưỡi kể từ khi ra mắt. Nhóm nhạc Lunarsolar, Hot Issue cũng lần lượt tan rã vào tháng 4 và 5. Những cái tên kể trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Ngày càng nhiều nhóm nhạc Kpop tan rã. Phần lớn là nhóm nhạc của các công ty vừa hoặc nhỏ. Họ thậm chí chưa được công chúng biết đến đã phải ngậm ngùi chia tay ước mơ trở thành người nổi tiếng.

Trước khi xảy ra đại dịch, một trong những cách kiếm tiền phổ biến nhất cho các nhóm nhạc Kpop là biểu diễn ở sự kiện, đặc biệt lễ hội văn hóa địa phương. Một nghiên cứu do Live Nation cho thấy việc được xem trực tiếp thần tượng biểu diễn với người hâm mộ trung thành là trải nghiệm thú vị. Việc này giúp fan thấy phấn khích gấp 5 lần so với theo dõi thần tượng biểu diễn qua truyền hình hay các nền tảng.

Nhóm nhạc Bling Bling tan rã.

Ngoài sự kiện âm nhạc lớn như KCON hoặc Dream Concert, các nhóm nhạc có thể biểu diễn tại lễ hội văn hóa địa phương như C-Festival và Gangnam Festival. Trong các lễ hội kể trên, sự xuất hiện của nghệ sĩ Kpop có ý nghĩa quan trọng để thu hút khách du lịch nước ngoài. Đặc biệt, khán giả đến lễ hội này thường được miễn phí vé vào cửa nên lượng khách khá đông. Đây là cách hiệu quả để nhóm nhạc vô danh quảng bá tên tuổi.

Lễ hội nghệ sĩ Kpop 2019 ở Seoul Land miễn phí vé vào cửa để khán giả có thể tham quan công viên giải trí và thưởng thức các hoạt động. Đội hình biểu diễn trong sự kiện gồm nhiều nhóm nhạc đến từ những công ty quy mô vừa và nhỏ như Hotshot, TRCNG và JBJ95. Trong khi đó, Kpop Together Festival 2019 được tổ chức tại Lewisville, Texas có sự góp mặt của hai nhóm nhạc nữ Chic Angel và Weki Meki.

Các lễ hội của trường đại học cũng là điểm đến hấp dẫn cho những nhóm nhạc ít nổi tiếng. Tháng 5 thường là thời điểm sinh viên Hàn Quốc kết thúc kỳ thi giữa kỳ và chuẩn bị thi cuối kỳ. Để giúp sinh viên giải tỏa căng thẳng và thúc đẩy tinh thần học tập, các trường thường tổ chức lễ hội. Sinh viên có thể thưởng thức ẩm thực, xem triển lãm và biểu diễn từ câu lạc bộ.

Nhóm nhạc StayC biểu diễn tại lễ hội âm nhạc của Đại học Sungkyunkwan.

Các trường thường mời một số người nổi tiếng đến biểu diễn. Lễ hội âm nhạc của Đại học Hanyang quy tụ nhiều ngôi sao như Psy, Zico, aespa và Brave Girls. Tương tự, STAYC - nhóm nhạc đến từ công ty nhỏ hơn - xuất hiện tại lễ hội của Đại học Sungkyunkwan.

Chi phí tổ chức lễ hội âm nhạc có thể lên tới hơn 100 triệu won. Trong đó, hơn 30 triệu won là khoản tiền được chi để mời các thần tượng Kpop biểu diễn. Những nhóm nhạc ít nổi tiếng sẽ nhận thù lao thấp hơn. Tuy nhiên, theo JoongAng Ilbo, trung bình các nhóm nhận được 20 triệu won khi diễn tại trường đại học. Đây vẫn là số tiền giúp nhiều nhóm nhạc duy trì hoạt động ngay cả khi họ không nổi tiếng.

Công ty vừa và nhỏ khủng hoảng

Với các sự kiện âm nhạc hay concert, giá vé xem tăng mạnh trong vài thập kỷ qua. Những buổi biểu diễn kiểu này luôn mang lại lợi nhuận lớn cho nghệ sĩ. Hiện, giá trung bình để tham dự các concert ở Bắc Mỹ khoảng 80-90 USD. Hơn nữa, Kpop đang nổi tiếng toàn cầu. Nhiều nhóm nhạc đến từ công ty nhỏ không được chú ý ở quê nhà nhưng rất nổi tiếng tại nước ngoài. Việc tổ chức chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới càng trở nên quan trọng với các nhóm nhạc này.

KARD có chuyến lưu diễn đầu tiên vào tháng 5/2017. Họ biểu diễn ở nước ngoài trước cả khi chính thức ra mắt ở Hàn Quốc. Tất cả vé trong chuyến lưu diễn được bán hết trong thời gian ngắn. Điều đó chứng tỏ sự nổi tiếng của họ ở nước ngoài. Kể từ đó, nhóm liên tục tổ chức các sự kiện âm nhạc ở nước ngoài bất chấp việc ở Hàn Quốc, KARD không được nhiều khán giả biết tới.

Dreamcatcher là ví dụ tương tự KARD. Với âm nhạc đậm chất rock và concept kinh dị, Dreamcatcher thu hút sự chú ý của người hâm mộ Kpop toàn cầu với lượng fan lớn, liên tục phát triển trong suốt những năm qua. Họ đã thực hiện ba chuyến lưu diễn nước ngoài trước khi giành được chiến thắng đầu tiên trên chương trình âm nhạc Hàn Quốc là Show Champion nhờ ca khúc Maison.

Tuy nhiên, nguồn thu nhập quan trọng nhất của Dreamcatcher hay KARD bị cắt đứt khi Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. Hầu hết sự kiện biểu diễn trực tiếp bị hoãn. Các nhóm tân binh không thể giao lưu với người hâm mộ và họ chật vật quảng bá tên tuổi. Khi sự kiện âm nhạc, lễ hội lần lượt bị hủy bỏ, các công ty quy mô vừa và nhỏ phải đứng trước ngã ba đường, tờ Channel A nhận định.

Dreamcatcher nổi tiếng ở nước ngoài hơn Hàn Quốc.

Công ty lớn như SM Entertainment, JYP Entertainment và Big Hit Music có thể sử dụng nền tảng của riêng họ để tổ chức các buổi biểu diễn trực tuyến cho nghệ sĩ. Trong khi đó, những nhóm nhạc không có lượng người hâm mộ nước ngoài đủ lớn không thể tổ chức sự kiện âm nhạc trực tuyến.

Trong bối cảnh đó, việc nhóm nhạc tan rã hay công ty phá sản là khó tránh khỏi. Yoon Deung Ryong - CEO của DR Music - nói với Channel A: “99% công ty nhỏ như chúng tôi gần như phá sản. Chúng tôi rất khó để duy trì qua ngày. Chúng tôi gần như bị tiêu diệt".

Lea (thành viên nhóm Black Swan) nói với Channel A: “Thời kỳ hoàng kim của các nhóm nhạc thần tượng rất ngắn ngủi và nó đang trôi qua một cách vô nghĩa vì dịch bệnh. Tôi cảm thấy mình như đang trên vách đá. Tôi đang tập luyện chăm chỉ để ra mắt, nhưng đột nhiên virus lây lan. Cả gia đình tôi ở Brazil và tôi muốn gửi tiền cho họ, nên tôi rất bực bội".

Các công ty giải trí nhỏ phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng về tài chính. Hơn 30 công ty khác nhau đã đóng cửa chỉ trong 6 tháng đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Rất nhiều nhóm nhạc ra mắt năm 2020 và 2021 đã tan rã.

Ngay cả những nhóm đầy triển vọng như Hinapia (gồm 4 thành viên cũ của Pristin) cũng không thể tiếp tục quảng bá. Nhóm ra mắt vào cuối năm 2019 với đĩa đơn Drip và nhận phản ứng khá tốt. OSR Entertainment lên kế hoạch phát hành album thứ hai cho Hinapia vào tháng 3/2020. Nhưng đây là thời điểm Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tại Hàn Quốc. Các hoạt động của nhóm vì thế giảm dần. Tới tháng 8/2020, chỉ 9 tháng sau khi thành lập, Hinapia tan rã.

Các nhóm khác đã cố gắng cầm cự trong các đợt Covid-19. Nhóm nhạc Bvndit mất đến hai năm để phát hành sản phẩm mới mang tên Venom. Trong thời gian nhóm tạm ngừng hoạt động, thành viên Seungeun xuất hiện trên chương trình sống còn Girls Planet 999 của Mnet. Tại đây, cô đề cập đến áp lực và tác động tiêu cực của Covid-19 tới hoạt động của Bvndit.

“Cuộc khủng hoảng chủ yếu ở các công ty vừa và nhỏ. Cú sốc Covid-19 không bao giờ kết thúc. Kpop đang sụp đổ từ gốc rễ”, một chuyên gia nói với Channel A.

Hiện tại, Hàn Quốc nới lỏng các quy định liên quan đến Covid-19. Lễ hội và các sự kiện âm nhạc được tổ chức trở lại. Nhiều nghệ sĩ tiếp tục kế hoạch lưu diễn vòng quanh thế giới. Còn quá sớm để dự đoán sự kết thúc của đại dịch, nhưng ngành giải trí đang dần trở lại bình thường. Sự hồi sinh của các sự kiện trực tiếp đang là niềm hy vọng để những nhóm nhạc và công ty nhỏ đứng vững trở lại.

Theo Zing News