Ranh giới giữa đạo nhạc và tham khảo
Sau tranh cãi của Yoo Hee Yeol, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc liên tục vướng cáo buộc đạo nhạc. Chuyên gia cho rằng nghệ sĩ cần cẩn trọng khi tham khảo âm nhạc.
Ngày 18/7, nam ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng của Hàn Quốc Yoo Hee Yeol tuyên bố rời khỏi chương trình âm nhạc Yoo Hee Yeol's Sketchbook sau 13 năm làm MC vì vướng tranh cãi đạo nhạc.
Dù Yoo Hee Yeol nhiều lần lên tiếng xin lỗi công chúng, cuộc tranh luận gay gắt liên quan tới đạo nhạc trong nền giải trí Hàn Quốc vẫn tiếp tục kéo dài. Hàng loạt nghệ sĩ Kpop vướng cáo buộc đạo nhạc.
Cáo buộc đạo nhạc nổ ra liên tiếp
Tranh cãi về Yoo Hee Yeol nổ ra từ giữa tháng 6. Cụ thể, một người dùng trên diễn đàn thảo luận trực tuyến Hàn Quốc khẳng định rằng bài hát A Very Private Night mà Yoo Hee Yeol cho ra mắt năm 2021 gần giống hệt ca khúc Aqua của nhà soạn nhạc Nhật Bản Ryuichi Sakamoto.
Sau khi xem xét cáo buộc, Yoo và công ty quản lý Antenna Music thừa nhận trong tuyên bố chính thức rằng hai bài hát có chủ đề giống nhau, và họ không thể phủ nhận sự giống nhau giữa cả hai.
Cuộc tranh cãi dường như lắng xuống sau khi Sakamoto trả lời rằng điểm tương đồng trong hai tác phẩm không nghiêm trọng đến mức ông "cần đưa ra hành động pháp lý để bảo vệ tác phẩm của mình".
Tuy nhiên, sự tức giận của công chúng không hề thuyên giảm. Một số tác phẩm khác của Yoo bị đem ra soi xét kỹ lưỡng, trong đó bao gồm Happy Birthday To You và Please Don’t Go My Girl.
Không lâu sau đó, ca sĩ kiêm nhạc sĩ gạo cội Lee Juck và ngôi sao đang lên Lee Mu Jin đối mặt với làn sóng chỉ trích gay gắt vì cáo buộc đạo nhạc liên quan đến hai ca khúc Lie Lie Lie và Traffic Light.
Công ty quản lý của họ phủ nhận mọi nghi ngờ và khẳng định bài hát không đạo nhạc. Trả lời YTN, Lee Juck cho biết anh cảm thấy cáo buộc này "không đáng để phản hồi".
Ngày 22/7, Top Star News đưa tin người dùng trên nhiều diễn đàn thảo luận Hàn Quốc tranh cãi liệu bài hát Heart Burn của nữ ca sĩ Sunmi có đạo ca khúc I Don't Give mà Avril Lavigne phát hành năm 2002 không. Theo họ, hai bài hát có phần mở đầu và nhịp điệu đoạn điệp khúc khá giống nhau.
Ranh giới giữa học hỏi và đạo nhái
Theo The Korea Herald, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc vốn chịu ảnh hưởng lớn từ Mỹ và Nhật Bản. Trong quá khứ, các nhà soạn nhạc, nghệ sĩ luôn thoải mái chia sẻ về cách họ nghiên cứu âm nhạc ở hai khu vực này để tạo nên những ca khúc mang lại cảm giác thời thượng.
"Ngành công nghiệp âm nhạc tại nhiều quốc gia, bao gồm cả Hàn Quốc, phát triển thông qua nghiên cứu, học hỏi âm nhạc từ nơi khác", The Korea Herald nhận xét.
Chia sẻ với The Korea Herald, chuyên gia đồng ý rằng có khả năng việc tạo ra âm nhạc hoàn toàn mới, nguyên bản là điều "không thể".
Theo một nhà soạn nhạc giấu tên, cho đến vài năm trước, "bài hát nghe giống nhạc pop phương Tây" vẫn được xem như lời khen ngợi rất lớn mà một sản phẩm âm nhạc có thể nhận được từ giới chuyên môn và công chúng. Do vậy, trong quá khứ, việc tham khảo đã trở thành thông lệ.
Nhà phê bình nhạc pop Kang Il Kwon tin rằng cách làm này có thể khiến nghệ sĩ trở nên "chai sạn" trong quá trình sáng tạo.
"Không ai phủ nhận sự tồn tại của sử dụng nhạc mẫu và tham khảo. Luôn có người đi trước tạo ra xu hướng và nhiều người khác chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng đó. Tuy nhiên, vấn đề nảy sinh khi các phương pháp này bị lạm dụng", Kang nhận xét.
Theo anh, nếu nghệ sĩ được truyền cảm hứng bởi một thể loại âm nhạc, trạng thái cảm xúc, phong cách hoặc nghệ sĩ nhất định, có thể họ sẽ tạo ra sản phẩm âm nhạc tương tự. Nhưng việc tham khảo một bài hát cụ thể ẩn chứa vấn đề tiềm tàng.
Nhà phê bình nhạc pop Lee Dae Hwa nhấn mạnh vào trách nhiệm của người nghệ sĩ.
"Tôi đồng ý rằng nhạc sĩ có thể vô tình dùng từ hoặc cách diễn đạt tương tự. Nhưng người sáng tạo cần trở nên nhạy cảm và nghiêm ngặt hơn trong khâu kiểm duyệt, đặc biệt khi họ đang sử dụng chủ đề, chủ thể tương tự", Lee nhận xét.
Đạo nhái trong vô thức
Khi công nghệ mới phát triển, từ đó thay đổi cách mọi người thưởng thức sản phẩm giải trí, nhiều người tin rằng nhạc sĩ có thể bị ảnh hưởng bởi bài hát khác mà không nhận thức được.
Trong tuyên bố chính thức, Yoo cho biết anh là người hâm mộ lâu năm của Sakamoto, và âm nhạc của ông chắc hẳn đã "vô thức nằm trong tâm trí" anh, dẫn đến việc anh sáng tác bài hát mang phong cách tương tự.
Ca sĩ, nhạc sĩ Park Sae Byul tin rằng nghệ sĩ bắt đầu sáng tạo sau khi bị ấn tượng, được truyền cảm hứng và chịu ảnh hưởng từ nhân vật hoặc yếu tố nào đó. Do vậy, trong một bài đăng trực tuyến, Park giải thích rằng "đạo nhái trong vô thức" là nguyên nhân khiến đạo nhái còn là vấn đề gây tranh cãi.
Nhà phê bình âm nhạc Kang tin rằng việc thừa nhận hành động "đạo nhái trong vô thức" có thể đem lại mối nguy hại không lường được.
Kang nhận xét: "Một số người cho rằng vấn đề này nên để cho lương tâm của người sáng tạo quyết định. Nhưng tôi tin rằng ý kiến này còn trừu tượng và ngây thơ. Chỉ có nghệ sĩ mới biết được sự thật về hành vi sao chép trong tiềm thức. Tôi tin rằng bênh vực nghệ sĩ vì có thể họ chỉ 'đạo nhái một cách vô thức' là không thuyết phục".
Trong khi đó, nhà phê bình âm nhạc Lee thừa nhận có khả năng nhạc sĩ sáng tác ra bài hát tương tự dù chưa từng nghe, hoặc không hề lấy cảm hứng từ ca khúc gốc.
Thế nhưng, ông nhấn mạnh rằng khi đưa ra tòa án, thẩm phán thường sẽ ra phán quyết có lợi cho người sáng tạo gốc. Ví dụ điển hình là trường hợp của ca khúc My Sweet Lord mà George Harrison phát hành năm 1970.
Harrison thừa nhận rằng ông có biết đến bài hát gốc He’s So Fine, bản hit năm 1963 của Chiffons. Tuy nhiên, vị nhạc sĩ chứng thực rằng ông không nhận thức được sự giống nhau giữa hai ca khúc khi viết bản nhạc.
Mặc dù thẩm phán cảm thấy Harrison không cố ý sao chép nhạc của He’s So Fine, tòa án vẫn đưa ra phán quyết rằng hai bài hát, về mặt âm nhạc, gần như giống hệt nhau.
Dù vậy, không phải lúc nào công chúng cũng hoàn toàn đồng tình với phán quyết của tòa án. Trước đây, Pharrell Williams, Robin Thicke và rapper T.I. bị yêu cầu trả tổng cộng gần 5 triệu USD cho gia đình của Marvin Gaye vì điểm tương đồng giữa bài hát Blurred Lines của họ và ca khúc Got To Give It Up phát hành năm 1977 của Gaye.
Theo nhà phê bình Kang, thẩm phán ra phán quyết có lợi cho gia đình Gaye sau khi Thicke và Williams cố gắng lập luận rằng bài hát không vi phạm bản quyền.
Tuy nhiên, người hâm mộ và giới truyền thông không chỉ trích gay gắt họ vì cáo buộc đạo nhạc. Nhiều người đồng ý rằng bài hát chỉ "gợi liên tưởng" tới cảm giác có trong bài hát của Gaye chứ không trực tiếp đạo nhái ca khúc.
"Trường hợp vi phạm bản quyền có thể là cuộc chiến pháp lý giữa nghệ sĩ và nhà xuất bản gốc. Nhưng, suy cho cùng, phán quyết cuối cùng hoàn toàn nằm trong tay dư luận", Kang nói với The Korea Herald.
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop (29-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)