Hành trình nổi tiếng toàn cầu của phim truyền hình Hàn Quốc
Phim truyền hình Hàn Quốc ngày càng phát triển với khán giả quốc tế. Tuy nhiên, sự nổi tiếng này khiến giới chuyên môn lo ngại về vấn đề quyền sở hữu nội dung.
Với Squid Game, phim truyền hình Hàn Quốc đã ghi dấu ấn trên màn ảnh toàn cầu. Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc sau đó liên tục nổi tiếng với khán giả quốc tế, mới nhất là Extraordinary Attorney Woo. Nhìn lại lịch sử phát triển của phim truyền hình Hàn Quốc, có thể thấy thành tích kể trên không phải thành công trong một sớm một chiều.
Các nhà sản xuất Hàn Quốc đã dành nhiều thập kỷ để trau dồi kỹ năng và cố gắng thu phục khán giả toàn cầu. Họ tiên phong cho làn sóng Hàn Quốc hay được gọi là Hallyu.
Khi Hallyu còn non trẻ
Những năm của thập niên 1990 đánh dấu thời điểm các quốc gia ở khu vực châu Á bắt đầu tích cực giao lưu văn hóa. Việc mở cửa thị trường giúp âm nhạc và phim truyền hình Hàn Quốc gieo mầm ở các quốc gia lân cận.
Choi Gwang Sik - giáo sư lịch sử Hàn Quốc tại Đại học Hàn Quốc - so sánh Hallyu với sự giao lưu văn hóa giữa phương Đông và phương Tây thông qua Con đường Tơ lụa cách đây hàng nghìn năm.
“Văn hóa Hàn Quốc từng bị đóng cửa, nhưng chủ yếu là từ thời Joseon. Sau đó, văn hóa Hàn Quốc tiếp xúc tích cực với thế giới bên ngoài và phát triển theo hướng sáng tạo”, Choi Gwang Sik nói.
Thông qua Hallyu, Hàn Quốc từ một nước nhập khẩu văn hóa trở thành nước xuất khẩu. Hàn Quốc chia sẻ với thế giới nền văn hóa của đất nước", Choi Gwang Sik nhận định.
What is Love (1991) được xem như nguồn gốc dẫn đến sự thành công của phim truyền hình Hàn Quốc. Bộ phim của đài MBC có tỷ suất người xem cao nhất mọi thời đại, trung bình là 59,6%. Sự nổi tiếng của phim đưa dàn diễn viên thành ngôi sao hạng A. Lee Soon Jae thậm chí được bầu một ghế trong quốc hội năm 1992.
What is Love là bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc. Phim được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc vào năm 1997. Vào thời điểm đó, chỉ những chương trình hấp dẫn nhất mới có thể tiếp cận khán giả nước ngoài thông qua việc bán bản quyền chính thức. Một số bộ phim khác được phát ở nước ngoài nhưng không có giao dịch chính thức, do vi phạm bản quyền nội dung.
Halluy lần đầu tiên được ghi nhận trên thế giới vào năm 1999, khi chính phủ Hàn Quốc quảng bá âm nhạc của đất nước trên một đĩa CD với tiêu đề “Hallyu - Bài hát đến từ Hàn Quốc”. Trong vài năm sau đó, Hallyu trở thành chủ đề bàn tán trong nước. Giới chuyên môn và truyền thông bày tỏ sự kỳ vọng về nội dung văn hóa Hàn Quốc.
Vào đầu thập kỷ tiếp theo, những năm 2000, Hallyu thực sự đổ bộ vào Nhật Bản. Ca sĩ BoA là trường hợp đầu tiên của Hàn Quốc được đào tạo bài bản nhiều năm và hướng đến thị trường châu Á. Cô phát hành album đầu tay bằng nhiều thứ tiếng. Việc này sau đó trở thành chuẩn mực trong Kpop.
Tuy nhiên, điều đã đưa Hallyu lên một tầm cao mới là bộ phim đình đám của đài KBS năm 2002 Bản tình ca mùa đông với sự tham gia của Bae Yong Jun và Choi Ji Woo. Bae Yong Jun được khán giả nữ Nhật Bản yêu thích và đặt biệt danh Yonsama. Các nhân vật của Bản tình ca mùa đông thậm chí xuất hiện trong bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật Bản Crayon Shin-Chan.
Trong khi đó, Thời kỳ mộc mạc của đài SBS phát sóng nửa cuối năm 2002 bất ngờ được yêu thích ở Mông Cổ. Tỷ suất người xem khi phim phát sóng ở Mông Cổ thậm chí lên tới 80%, theo The Korea Herald.
Năm 2009, phương tiện truyền thông địa phương đưa tin một nhà hàng Hàn Quốc cùng tên được thành lập ở Mông Cổ. Nội thất của nhà hàng được dán các bức ảnh của nam chính trong phim là Ahn Jae Mo. Các tập phim Thời kỳ mộc mạc được phát 24/7 ở nhà hàng này.
Một bộ phim truyền hình khác của Hàn Quốc thành công trên trường quốc tế là Cám dỗ của người vợ ra mắt năm 2008 với sự tham gia của Jang Seo Hee.
Sự thay đổi của thời đại
Năm 2009, luật Hàn Quốc được sửa đổi. Bộ luật mới cho phép các tập đoàn lớn hoặc công ty tin tức sở hữu cổ phần trong các công ty phát thanh truyền hình. Nhờ đó, lĩnh vực phim truyền hình Hàn Quốc được mở rộng. Các kênh truyền hình, đặc biệt đài cáp được rót vốn và có kinh phí lớn để sản xuất phim.
Trong những năm qua, đài truyền hình cáp tvN đã trở thành một trong những “ông lớn” của Hàn Quốc. Đài có nhiều dự án thành công như loạt phim Reply trong những năm 2012-2015 hay Guardian: Lonely and Great God năm 2016. Đặc biệt, Goblin trở thành phim truyền hình cáp đầu tiên vượt quá 20% tỷ lệ người xem. Rating trung bình của phim là 20.5% và cao nhất là 22.1%.
Năm đó, Hậu duệ mặt trời do KBS sản xuất là phim truyền hình ăn khách nhất năm. Nhưng rõ ràng, mảng phim truyền hình không còn chỉ bị thống trị bởi ba ông lớn SBS, KBS và MBC.
Goblin được phát sóng tại Hong Kong, Philippines, Đài Loan, Nhật Bản, Việt Nam, Campuchia và một số khu vực của châu Âu, châu Mỹ. Descendants được bán cho Trung Quốc trước khi có lệnh cấm và được ghi nhận là bộ phim truyền hình Hàn Quốc ăn khách nhất tại quốc gia này vào thời điểm đó. Phim được mua bản quyền để làm lại ở Đài Loan và Philippines.
Thành công năm nay của Extraordinary Attorney Woo là bằng chứng cho thấy ngay cả đài truyền hình nhỏ, ít tiếng tăm cũng có khả năng tạo nên cú hit toàn cầu cho phim truyền hình Hàn Quốc. Bộ phim được thực hiện bởi kênh truyền hình cáp mới thành lập và ít tên tuổi ENA.
Dafna Zur, phó giáo sư Ngôn ngữ và Văn hóa Đông Á tại Đại học Stanford, cho rằng thành công của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc đến từ sự độc đáo và khác biệt.
“Phim truyền hình Hàn Quốc cân bằng giữa tính hiện đại và độc đáo. Câu chuyện trong phim Hàn thường gần gũi, chẳng hạn chàng trai giàu gặp cô gái nghèo, trẻ em bất chấp mong muốn của cha mẹ để tự mình gây dựng cuộc sống. Nhưng câu chuyện được xây dựng theo cách riêng để mang hơi thở Hàn Quốc”, Dafna Zur nhận định.
Phạm vi tiếp cận toàn cầu, thách thức mới
Sự xuất hiện của nền tảng phát trực tuyến là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho các bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Có nghĩa, phim truyền hình Hàn Quốc có thể có tác động lớn hơn trên toàn cầu.
Đầu năm, ngôi sao Squid Game O Yeong Su trở thành người Hàn Quốc đầu tiên chiến thắng tại Quả cầu Vàng. Trong khi đó, Lee Jung Jae và Jung Ho Yeon trở thành người Hàn Quốc đầu tiên giành được giải thưởng Screen Actors Guild ở hạng mục phim truyền hình. Squid Game cũng là loạt phim nước ngoài đầu tiên được đề cử giải Emmy dự kiến diễn ra vào tháng 9.
Tuy thành công ở nước ngoài nhưng phim truyền hình Hàn Quốc cũng gây tranh luận tại quê nhà. The Korea Herald nhận định Squid Game bùng nổ trên toàn thế giới, nhưng không mang đến nhiều lợi nhuận cho các nhà sản xuất Hàn Quốc, dàn diễn viên hoặc những người khác có liên quan. Lý do là quyền sở hữu trí tuệ phim thuộc về nền tảng nước ngoài đã phát hành phim.
Khi phim truyền hình Hàn Quốc mở rộng phạm vi toàn cầu, quyền sở hữu trí tuệ nổi lên như vấn đề đáng lo ngại. Vì quyền sở hữu trí tuệ phim thuộc về nền tảng, nên nền tảng cũng nhận phần lớn lợi nhuận.
Tháng 7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiết lộ kế hoạch chi tổng cộng 4,8 nghìn tỷ won (3,66 tỷ USD) trong 4 năm để hỗ trợ tài chính cho việc sản xuất nội dung phát trực tuyến.
“Hầu hết lợi nhuận từ Squid Game được thu bởi nền tảng phát phim vì họ có quyền sở hữu trí tuệ. Phải có cách nào đó để ngừng chuyển giao quyền sở hữu nội dung của Hàn Quốc cho các nền tảng nước ngoài”, Bộ trưởng Văn hóa Park Bo Gyoon nói.
- Khánh Dư Niên 2 quá xuất sắc nhưng vẫn thua Trường Tương Tư, Dữ Phượng Hành ở điểm này (27-May-2024)
- Phim mới vừa lên sóng, Dương Mịch đã bị 'em gái ruột' hạ knock out (24-May-2024)
- Ảnh cưới chưa từng công bố của Kim Soo Hyun và Kim Ji Won trong 'Nữ hoàng nước mắt' (23-May-2024)
- Vắng Tiêu Chiến, 'Khánh dư niên 2' vẫn phá mốc 15 triệu lượt đặt trước (14-May-2024)
- 'The Lord of the Rings' có phần mới (10-May-2024)
- 'Nữ hoàng nước mắt' lập kỷ lục rating, đánh bại 'Hạ cánh nơi anh' (02-May-2024)
- Nhan sắc nữ chính phim ngôn tình đang gây sốt (20-Apr-2024)
- Phim của Bạch Lộc, Triệu Lộ Tư bị chê cười khi tranh giải Bạch Ngọc Lan (15-Apr-2024)
- 'Nữ hoàng nước mắt' có thêm tập đặc biệt (10-Apr-2024)
- 'Cô đi mà lấy chồng tôi' kết thúc trọn vẹn, rating cao kỷ lục (21-Feb-2024)