SNSD phá vỡ định kiến
Khán giả Hàn Quốc cho rằng sau 15 năm hoạt động, SNSD vẫn duy trì được sức hút của mình. Nhóm cho thấy sự trưởng thành trong phong cách.
Ngày 8/8, truyền thông Hàn Quốc đưa tin album kỷ niệm 15 năm ra mắt FOREVER 1 của SNSD cán mốc doanh thu 100.000 bản trên bảng xếp hạng Hanteo. Đây là album bán chạy nhất trong ngày đầu tiên và tuần đầu tiên của nhóm.
Thành tích này cũng giúp SNSD trở thành nhóm nhạc nữ thế hệ 2 duy nhất bán hơn 100.000 bản album chỉ sau một ngày phát hành ở bảng xếp hạng Hanteo.
Sự trở lại được mong chờ
Sau 5 năm vắng bóng trên đường đua âm nhạc, vào ngày 5/8, SNSD chính thức phát hành album FOREVER 1 trên các nền tảng nhạc số trực tuyến.
Không lâu sau khi phát hành, album chiếm vị trí số 1 trên bảng xếp hạng iTunes Top Album tại 31 quốc gia.
Ngày 7/8, SM Entertainment tiết lộ sản phẩm âm nhạc lần này đã đứng đầu bảng xếp hạng tại nhiều quốc gia như Thụy Điển, Phần Lan, Singapore, Nhật Bản, Ai Cập, Indonesia, Nga, Thái Lan và Việt Nam.
Ngoài ra, FOREVER 1 giành hạng 1 trên bảng xếp hạng doanh số album kỹ thuật số của QQ Music, nền tảng âm nhạc lớn nhất Trung Quốc. Album đồng thời leo lên vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng album hàng ngày của Recochoku tại Nhật Bản.
Ca khúc chủ đề FOREVER 1 cũng đón nhận phản hồi khá tích cực ở Hàn Quốc. Sau khi phát hành, bài hát đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc nội địa Bugs và Vibe trong hai ngày 5-6/8.
Loạt thành tích này cho thấy sự quan tâm sâu sắc của người hâm mộ, những người luôn chờ đợi sự trở lại của SNSD. Khán giả đánh giá rằng sau 15 năm hoạt động, cái tên SNSD vẫn chưa đánh mất sức hút.
Bước chân phá vỡ định kiến
Thành công SNSD đạt được đã trở thành cột mốc quan trọng giúp mở rộng con đường phát triển cho các nhóm nhạc nữ Kpop. Kuki News gọi đây là "bước chân phá vỡ định kiến".
Nhóm có tổng cộng 4 lần tổ chức lưu diễn toàn châu Á. Họ đặt chân tới nhiều địa điểm lớn, bao gồm cả Tokyo Dome, nơi được mệnh danh là "sân khấu trong mơ" ở Nhật Bản.
Doanh số bán album của họ cao ngang ngửa với nhóm nhạc nam, điều hiếm thấy ở ngành công nghiệp Kpop khi ấy. Theo Oricon, trong năm 2012, SNSD thu về 4332 tỷ yen (khoảng 32 tỷ USD) tại Nhật Bản chỉ từ doanh số bán album và DVD. Đây cũng là doanh thu cao nhất trong số các ca sĩ Kpop hoạt động ở Nhật vào thời điểm đó.
Cùng năm, mini-album đầu tiên của nhóm nhỏ TaeTiSeo lọt vào bảng xếp hạng Billboard 200 với vị trí thứ 126.
SNSD chứng minh rằng nhóm nhạc nữ cũng có thể vươn đến thị trường toàn cầu. Theo Kuki News, nhóm đặt nền tảng cơ bản cho sự ra đời của các nhóm nhạc nữ thế hệ 3 và 4 như Red Velvet, BlackPink, TWICE.
Trong âm nhạc, SNSD cũng hướng tới sự thử thách và đổi mới. Một ví dụ tiêu biểu là I Got A Boy, bài hát được Billboard đưa vào danh sách "100 ca khúc định hình nên thập kỷ 2010".
Nói về I Got A Boy, Billboard ca khúc là "hình mẫu mà ngành công nghiệp âm nhạc nên tuân theo trong tương lai". Billboard cho rằng bài hát giúp "mở rộng giới hạn của chủ nghĩa thử nghiệm âm nhạc trong thế kỷ 21".
Nhóm nhạc đại diện cho "thiếu nữ"
Giống với tên gọi "thiếu nữ thời đại" (So Nyeo Shi Dae), trong những năm đầu hoạt động, SNSD tập trung thể hiện hình ảnh đa dạng của "thiếu nữ" trong tưởng tượng của mọi người.
Từ hình tượng thiếu nữ can đảm, dám nghĩ dám làm trong ca khúc đầu tay Into The New World, nhóm chuyển qua hình ảnh cô gái nhút nhát nhưng hoạt bát với Gee. Tới Oh!, họ biến thành người con gái đã đủ chín chắn, mạnh mẽ để chủ động thổ lộ tình yêu của mình.
Phân cảnh các thành viên tạo dáng ở gian trưng bày trong cửa hàng, khoe thân hình chuẩn như ma-nơ-canh trong MV Gee, điệu nhảy nổi tiếng Jegi-chagi tại Genie giúp tôn lên lợi thế hình thể của SNSD là đôi chân thẳng và thon dài, lời ca miêu tả cô gái muốn thay đổi bản thân để theo đuổi "oppa" (từ phụ nữ dùng để gọi người đàn ông lớn tuổi hơn trong tiếng Hàn) mình thầm thích ở Oh!, tất cả đều là những hình ảnh mà ngành công nghiệp giải trí hình dung về "thiếu nữ".
"Tất nhiên, thiếu nữ không thể trẻ mãi không già", Kuki News nhận xét khi nói về phong cách của SNSD. Sau 4 năm ra mắt, thông qua các ca khúc như The Boys và I Got A Boy, nhóm chuyển dần sang hình ảnh người phụ nữ trưởng thành và cuốn hút.
Kuki News cho rằng điều này cũng đúng với sự nghiệp cá nhân của từng thành viên.
Trong những năm vừa qua, SNSD cho thấy sự phát triển mang đậm cá tính riêng trong sản phẩm nghệ thuật họ đem tới khán giả.
Họ tích cực tham gia vào nhiều lĩnh vực, từ ca hát, diễn xuất tới chương trình tạp kỹ, thậm chí là cả DJ. Phạm vi hoạt động của họ không chỉ giới hạn ở Hàn Quốc. Sau khi kết thúc hợp đồng cùng SM Entertainment, thành viên Tiffany quyết định quay về Mỹ và "làm lại từ đầu" với âm nhạc.
Dù SNSD không phát hành sản phẩm âm nhạc mới dưới tư cách một nhóm trong nhiều năm, các thành viên SNSD chưa từng vắng bóng.
"Theo thời gian, tôi cảm thấy tất cả thành viên đã trưởng thành", nữ ca sĩ Tae Yeon chia sẻ với giới truyền thông vào ngày 5/8.
Thành viên Soo Young bày tỏ: "Hiện tại, tất cả thành viên đều tập trung vào hoạt động cá nhân của mình, vì vậy, khoảng thời gian chúng tôi ở bên nhau là rất quý giá. Sau 5 năm chăm lo cho hoạt động cá nhân của mình, ý thức trách nhiệm của mọi người đã tăng lên".
Chia sẻ với Kuki News, một người làm việc trong ngành âm nhạc yêu cầu giấu tên nhận xét: "Việc nhóm thể hiện các khía cạnh đa dạng của bản thân thông qua hoạt động cá nhân ở nhiều lĩnh vực khác nhau đã giúp duy trì thương hiệu SNSD".
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop (29-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)