Âm nhạc

Chuyên Mục

Thần tượng Kpop bị vắt kiệt sức


Theo Edaily Star, Kpop phát triển nhanh chóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý các thần tượng mà còn làm mất những giá trị đặc trưng của nền âm nhạc xứ kim chi.


Bài viết của phóng viên tờ Edaily Star - Kim Hyun Sik - chỉ ra rằng sự mở rộng quy mô thị trường Kpop thời đại toàn cầu hóa gây ảnh hưởng to lớn đến hệ thống vận hành và phát triển của Kpop.

Mối lo ngại ngày càng lớn khi các công ty giải trí bắt thần tượng phải liên tục chạy đua theo thành tích mà bỏ quên những giá trị cốt lõi để tạo nên vị thế Kpop hiện tại.

Kpop phát triển nhanh chóng gây ảnh hưởng đến mô hình đào tạo của các thần tượng. Ảnh: Twitter.

Qua việc phản ánh tình trạng đáng báo động của thị trường Kpop, ông Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi mô hình đào tạo thần tượng ở Hàn Quốc: “Nếu cuộc đua lập kỷ lục album tiếp tục diễn ra, tình trạng thần tượng kiệt sức ngày càng nhiều”.

Thần tượng bị vắt kiệt sức

Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng - Jung Min Jae - cho biết: “Các ca sĩ nước ngoài thường có thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp tục trở lại hoạt động âm nhạc tiếp theo. Trong khi đó, để duy trì sức nóng tên tuổi, thần tượng Kpop thường xuyên phải phát hành album, thực hiện quảng bá, tổ chức concert, tham gia sự kiện, sân khấu âm nhạc, chương trình thực tế… Họ dường như rất mệt mỏi và vất vả. Bởi vậy, các thần tượng cần được cắt giảm bớt khối lượng công việc cũng như thời gian hoạt động liên tục".

Gần đây, BTS đã công khai bày tỏ căng thẳng mà họ phải chịu đựng từ lúc ra mắt đến hiện tại, khi nhóm đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Sự mệt mỏi là điều bất cứ idol nào cũng từng trải qua, nhất là ở vị thế toàn cầu như BTS.

Trong BTS Dinner Festa 2022, các thành viên đã nhìn lại hành trình 9 năm và thừa nhận đã phải trải qua quãng thời gian dài kiệt sức. Bởi vậy, họ quyết định tạm gác các hoạt động nhóm để dành thời gian phát triển và hoàn thiện bản thân. Trưởng nhóm RM nói: "Tôi luôn nghĩ rằng BTS khác biệt so với các nhóm khác. Nhưng vấn đề của Kpop và toàn bộ hệ thống ngành công nghiệp thần tượng hiện nay là các nghệ sĩ không có thời gian để trưởng thành".

Thần tượng Kpop thường xuyên phải hoạt động với lịch trình căng thẳng.

Theo Edaily Star, BTS đã không kiểm soát được chu kỳ và khối lượng công việc của họ. Thay vì nghỉ ngơi, nhóm lại dành thời gian cho các hoạt động nhằm duy trì vị trí hàng đầu trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, kể từ khi ra mắt, BTS hoàn toàn tập trung vào các hoạt động nhóm mà không có bất kỳ lịch trình cá nhân. Từng thành viên đều có mức độ ảnh hưởng mạnh mẽ, họ lại chưa sử dụng thời gian hợp lý để chăm sóc và nuôi dưỡng bản thân.

Thế nhưng, một số ý kiến cho rằng BTS miệt mài với các hoạt động nhóm vì họ hiểu và sẵn sàng đáp ứng mong muốn của người hâm mộ. Trong thời điểm đại dịch, khi các hoạt động giải trí bị trì hoãn, sự xuất hiện thường xuyên của BTS càng trở nên ý nghĩa với ARMYs (tên fanclub của nhóm). Hơn nữa, ở môi trường cạnh tranh như Kpop, để sức hút không sụt giảm, việc nhóm duy trì hoạt động thường xuyên là cần thiết. Bởi vậy, dù mệt mỏi nhưng họ vẫn phải dành thời gian làm hài lòng người hâm mộ.

RM từng thừa nhận: “Khi nói lịch trình quảng bá đang trở nên khó khăn hơn với nhóm, mình thấy tội lỗi lắm. Bởi mình sợ các bạn sẽ cảm thấy thất vọng về nhóm. Khi mình nói muốn nghỉ ngơi, điều này khiến mình có cảm giác đã làm điều gì đó tồi tệ lắm vậy”.

Đại diện của một công ty âm nhạc cho biết: “Đào tạo thần tượng về cơ bản là một công việc kinh doanh tốn nhiều tiền. Thực tế, khoản đầu tư phải được thu hồi trong thời hạn hợp đồng. Vì vậy, các công ty giải trí không có lựa chọn nào khác ngoài việc khiến thần tượng phải hoạt động liên tục”. Đặc biệt, với những nhóm nhạc hoặc nghệ sĩ nắm giữ vai trò là “gà đẻ trứng vàng” của công ty như BTS, TWICE, Cha Eun Woo… việc tạm dừng hoạt động dù chỉ trong thời gian ngắn cũng gây tổn thất đáng kể đến lợi nhuận của đơn vị chủ quản.

Khối lượng công việc lớn khiến idol Kpop dần kiệt sức.

Theo Newsen, tình trạng phải làm việc quá sức không chỉ là vấn đề của các nhóm nhạc thần tượng hàng đầu. Khi sự phổ biến của Kpop ngày càng rộng rãi, chu kỳ và tốc độ hoạt động của hầu hết nhóm cũng diễn ra đều đặn hơn. Thậm chí, họ thông báo phát hành sản phẩm comeback trong khi lịch trình quảng bá cho album mới phát hành chỉ vừa kết thúc.

Nổi tiếng từ sau Produce 101 khi trở thành center trong ca khúc chủ đề Pick Me, sau thời gian hoạt động với I.O.I, Choi Yoo Jung trở về vai trò chủ chốt của Weki Meki. Năm 2019, Fantagio Music bất ngờ đưa ra thông báo nữ idol tạm ngưng hoạt động vì vấn đề sức khỏe. Việc luyện tập với cường độ cao để chuẩn bị cho hai đợt quảng bá liên tiếp Picky Picky và Tiki-Taka (99%) khiến Yoo Jung gặp vấn đề về xương khớp. Cô nhiều lần phải tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào xương để trình diễn.

Theo Naver, sự mệt mỏi của thần tượng sẽ đạt đến giới hạn khi họ phải bắt đầu thực hiện những chuyến lưu diễn nước ngoài. Với mức độ nổi tiếng ngày càng cao của BTS, tour diễn vòng quanh thế giới của nhóm cũng được thực hiện ngày càng nhiều. Thế nhưng đằng sau những màn biểu diễn đầy năng lượng là sự kiệt sức của các thành viên. Trong đó, Jung Kook – người đảm nhận vai trò chủ chốt trong nhóm - đã không ít lần gặp chấn thương. Thậm chí, anh từng phải thở bằng bình oxy ngay sau khi kết thúc màn biểu diễn trên sân khấu.

Ngoài vấn đề sức khỏe, nhà phê bình văn hóa Kim Heon Sik nhấn mạnh trầm cảm là căn bệnh phổ biến ở showbiz Hàn. Thậm chí, có không ít trường hợp phải dùng đến cái chết để giải thoát bản thân.

Với sự phát triển của Kpop hiện tại, số lượng công việc và mức độ căng thẳng mà các ngôi sao phải đối mặt còn nghiêm trọng hơn nhiều so với trước đây. Họ không chỉ có người hâm mộ ở Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các thần tượng càng trở nên cần thiết với ngành công nghiệp Kpop.

Áp lực công việc có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý thần tượng Kpop.

Ryan Jeon - một nhà sản xuất âm nhạc cho biết: “Để không phải chịu áp lực, khán giả cũng như người hâm mộ cần cho phép thần tượng có thời gian giải trí và phát triển đời sống cá nhân, đặc biệt với những người đã sở hữu trong tay cả danh tiếng lẫn tiền bạc”.

Âm nhạc mất dần giá trị

Từng tự hào là nhóm nhạc có chất âm nhạc riêng biệt, thế nhưng những năm gần đây, bản sắc đặc trưng của BTS dần mờ nhạt khi họ liên tiếp trình diễn những ca khúc hướng đến thị hiếu khán giả quốc tế. Sản phẩm của nhóm "phá đảo" các BXH nổi tiếng quốc tế song lại để lại sự tiếc nuổi cho những người yêu mến BTS từ những ngày đầu.

Đối với họ, tình yêu dành cho BTS xuất phát từ giai điệu đậm chất Hip Hop và ca từ mộc mạc đầy chân thành của nhóm. Thậm chí, các thành viên cũng nhận thức được sự mất phương hướng trong âm nhạc của BTS kể từ Butter – ca khúc đánh dấu sự thống trị của nhóm trên toàn cầu.

RM chia sẻ trong BTS Festa Dinner 2022: “Tôi nhận ra rằng BTS chắc chắn đã thay đổi. Chúng tôi phải chấp nhận rằng chúng tôi đã thay đổi. Đối với tôi, BTS vẫn nằm trong tầm tay cho đến Dynamite. Thế nhưng từ Butter đến Permission To Dance, tôi không biết BTS là nhóm nhạc như thế nào nữa?“.

Chất lượng âm nhạc Kpop những năm gần đây không còn tạo được sức hút với khán giả. Ảnh: Naver.

Trang Naver cho biết từng có khoảng thời gian, hàng loạt sản phẩm của nghệ sĩ Kpop được tung ra và đều trở thành hit. Tuy nhiên, những năm gần đây, khán giả lại có phần thất vọng về chất lượng âm nhạc của Kpop. Từ những idol đình đám thế hệ 2, 3 như Super Junior, BTS, EXO đến lứa thần tượng trẻ Gen 4 như TXT, ITZY… đều chưa thể tạo ra những ca khúc được công chúng ghi nhận là "bản hit quốc dân".

Một trong những yếu tố khiến Kpop dần mất đi giá trị vốn có là việc tập trung gia tăng doanh số thay vì chú trọng chất lượng. Theo Edaily, các công ty giải trí chủ yếu áp dụng sản xuất album hàng loạt, hướng đến thị trường quốc tế để gia tăng lợi nhuận và mở rộng quy mô hoạt động ở các thị trường tiềm năng.

Theo đó, họ chỉ cố gắng duy trì một số lịch trình để “cầm chừng” tên tuổi trong nước thay vì chú trọng phát triển hoạt động cho các thần tượng tại quê nhà.

Hình ảnh những thùng carton chứa đầy album của NCT – nhóm nhạc từng được tung hô với thành tích “triệu bản”, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về cách người hâm mộ đang ủng hộ thần tượng ở Kpop.

Thực tế, từ show âm nhạc hàng tuần đến những giải thưởng cuối năm, lượng bán album luôn là một trong những tiêu chí quan trọng để xác định mức độ thành công của một nghệ sĩ. Chính vì vậy, vào mỗi đợt comeback, các fandom đều kêu gọi mua số lượng lớn album để ủng hộ và mang về thành tích kỷ lục cho thần tượng.

Hơn nữa, các công ty giải trí còn áp dụng phát hành album dưới nhiều hình thức nhằm kích thích sức mua từ người hâm mộ như ra mắt nhiều phiên bản khác nhau, lựa chọn ngẫu nhiên photocard thành viên, nhận vé tham dự fansign, concert... Chính những hình thức này khiến tiêu chí đánh giá thành tích bán album của nghệ sĩ Kpop không còn chính xác và thuyết phục với công chúng.

Theo Korea Times, một trong những dấu hiệu cho thấy âm nhạc Kpop ngày càng xa dần giá trị cốt lõi là sản phẩm âm nhạc của thần tượng Hàn Quốc lại mang màu sắc đậm chất phương Tây.

Điều này xuất phát từ mục tiêu hướng đến thị trường nước ngoài của nhiều công ty giải trí. Họ sẵn sàng chi mạnh tay để hợp tác với những nhà sản xuất nổi tiếng thế giới. Những sản phẩm này dễ dàng lọt vào các BXH quốc tế nhưng lại không được coi là bản hit bởi không có sự phổ biến ở quê nhà.

Với sự thay đổi hiện tại, các chuyên gia cho rằng cần phải hình thành một nền văn hóa phát triển tự nhiên, không bị ràng buộc bởi thành tích hay lợi nhuận kinh tế. Để thực hiện được điều này, công ty chủ quản và người hâm mộ phải cùng nhau phá bỏ những rào cản định kiến ​về thần tượng.

Theo Zing News