Truyền hình

Chuyên Mục

'Tuyết Sơn Phi Hồ' 2022 hứng chỉ trích


Bản phim mới của "Tuyết Sơn Phi Hồ" được khen cảnh quay võ thuật và kỹ xảo đẹp mắt. Tuy nhiên, phim lại vướng tranh cãi vấn đề trang phục sai lệch lịch sử.


Trang Sohu đưa tin bộ phim điện ảnh Tuyết Sơn Phi Hồ: Bảo tàng tái Bắc (Tuyết Sơn Phi Hồ: Kho báu ở phương Bắc) phát sóng trực tuyến từ ngày 15/7.

Dự án gây chú ý vì bản phim chuyển thể mới nhất từ một trong những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của Kim Dung - Tuyết Sơn Phi Hồ. Lần gần nhất Tuyết Sơn Phi Hồ được đưa lên màn ảnh vào năm 2006.

Sohu đánh giá Tuyết Sơn Phi Hồ bản mới có cảnh võ thuật mãn nhãn, kỹ xảo đẹp.

Tác phẩm võ hiệp ấn tượng

Theo Sohu, nội dung của Tuyết Sơn Phi Hồ: Kho báu ở phương Bắc phá bỏ hoàn toàn nguyên tác tiểu thuyết của Kim Dung.

Câu chuyện trong tác phẩm diễn ra ở 10 năm sau, Hồ Phỉ - con trai Hồ Nhất Đao, lúc này lấy biệt hiệu là Quy Úc, đang truy tìm tám đại ác nhân. Anh lợi dụng việc kho báu tái xuất giang hồ, ác nhân tụ hội tranh giành để báo thù cho cha - người bị giết chết một cách bí ẩn 10 năm về trước.

Phiên bản Tuyết Sơn Phi Hồ 2022 có những cải biên khi Hồ Phỉ không nên duyên với Miêu Nhược Lan mà có mối quan hệ tình cảm với Điền Thanh Văn. Phim cũng không đi sâu vào câu chuyện của đời trước mà tập trung vào hành trình một mình chống lại 8 đại cao thủ của Hồ Phỉ.

Nhà sản xuất chỉ dành 10 phút đầu phim để tái dựng về cái chết bi thảm trong lần truy tìm kho báu của Hồ Nhất Đao và Miêu Nhân Phụng - cột mốc mở ra mạch phim.

Theo đánh giá của 163, sự thay đổi so với nguyên tác của Tuyết Sơn Phi Hồ: Kho báu ở phương Bắc là hợp lý, không có tình tiết phản cảm hay làm sai lệch bản chất nhân vật anh hùng.

Tuy nhiên, cốt truyện còn khá mỏng, vì vậy, nhà sản xuất phải kéo dài thời lượng của cảnh đánh nhau. Điều này khiến tác phẩm lê thê, mất gần 3 tiếng mới kết thúc.

Bộ phim được đánh giá có cảnh võ thuật và chiến đấu kịch tính, đẹp mắt. Kỹ xảo đột phá, đem lại những khung hình mãn nhãn qua cảnh rừng sương mù, núi tuyết hay thung lũng sói.

Theo Sina, đạo diễn Kiều Lỗi mời đội ngũ sản xuất hậu kỳ của Lưu lạc địa cầu, Tú Xuân Đao làm kỹ xảo. Do đó, mỗi thước phim trong Tuyết Sơn Phi Hồ 2022 đều được thể hiện đẹp mắt, tinh tế và sinh động đến từng chi tiết.

Điểm thành công tiếp theo của tác phẩm là mỗi diễn viên đều làm tốt vai trò của mình, tạo nên dự án chất lượng. Vai nam chính Hồ Phỉ do diễn viên trẻ Triệu Hoa Vỹ thể hiện được đánh giá thành công ngoài mong đợi.

Triệu Hoa Vỹ gây ấn tượng. Ảnh: Sohu.

Triệu Hoa Vỹ được khen diễn xuất bằng mắt tốt. Anh thể hiện được nét tính cách cứng cỏi, quyết liệt và không bỏ cuộc cho đến khi đạt được mục tiêu trước kẻ thù. Nam diễn viên sinh năm 1998 cũng được nhận xét thực hiện động tác võ thuật mượt mà, uy lực.

Truyền thông Trung Quốc khẳng định bản mới của Tuyết Sơn Phi Hồ vượt qua kỳ vọng và có chất lượng cao hơn nhiều những dự án điện ảnh võ hiệp chiếu mạng khác.

Gây tranh cãi vì phục trang sai lệch

Theo Sohu, sau khi Tuyết Sơn Phi Hồ: Kho báu ở phương Bắc phát sóng, tác phẩm bị chỉ trích vì trang phục không tôn trọng lịch sử. Các diễn viên trong phim được thiết kế tạo hình theo phong cách hiện đại. Thực tế, nếu xét trên cốt truyện, nhà sản xuất phải sử dụng quần áo, đạo cụ thời Minh - Thanh.

Ông Triệu Vận Đào, tiến sĩ ngành Văn học cổ điển tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, đánh giá yếu tố trang phục truyền thống, tinh thần bám sát lịch sử của Tuyết Sơn Phi Hồ: Kho báu ở phương Bắc không có.

Việc sử dụng áo len dệt kim, khăn len quàng cổ của Tuyết Sơn Phi Hồ: Kho báu ở phương Bắc bị đánh giá sai lệch lịch sử. Ảnh: Sohu.

"Áo len dệt kim, khăn quàng cổ được các diễn viên mặc trong tác phẩm không tồn tại ở bất kỳ triều đại nào của Trung Quốc. Đây không phải phim cổ trang mà là phim hiện đại núp bóng cổ trang võ hiệp", Triệu Vận Đào nói.

Theo Sina, việc sáng tạo những bộ trang phục không sát lịch sử Trung Quốc cổ đại khiến ê-kíp Tuyết Sơn Phi Hồ: Kho báu ở phương Bắc hứng chỉ trích.

Trang tin cho biết vấn đề phục trang trong phim điện ảnh - truyền hình cổ trang hiện là đề tài nhạy cảm ở xứ tỷ dân. Thời gian qua, hàng loạt dự án gây bức xúc vì vay mượn phong cách trang phục, đưa văn hóa nước ngoài vào dự án phim ảnh đại chúng.

Từ ngày 4/7, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đưa ra yêu cầu phim cổ trang không thể tùy ý dùng phong cách mô phỏng của nước ngoài. Cơ quan chức năng yêu cầu nhà sản xuất phim cổ trang phải khôi phục chuẩn chỉnh kiến ​​trúc, trang phục, lối trang điểm của thời đại lịch sử muốn đưa lên màn ảnh.

Theo Zing News