Truyền hình

Chuyên Mục

Bệnh tự kỷ qua bộ phim 'Extraordinary Attorney Woo'


Khán giả Hàn Quốc chú ý hơn đến triệu chứng bệnh rối loạn phổ tự kỷ sau thành công của bộ phim "Extraordinary Attorney Woo".


Ngày 13/7, Wikitree đưa tin với sự nổi tiếng ngày càng gia tăng của bộ phim truyền hình Extraordinary Attorney Woo, khán giả Hàn Quốc bắt đầu chú ý hơn tới triệu chứng của bệnh rối loạn phổ tự kỷ.

Khán giả Hàn Quốc chú ý hơn đến bệnh tự kỷ sau thành công của Extraordinary Attorney Woo.

Ngày 11/7, trên trang mạng thảo luận trực tuyến Instiz xuất hiện bài đăng với tiêu đề "Tôi nhận ra điều này sau khi xem Extraordinary Attorney Woo, tôi nghĩ mình mắc chứng tự kỷ". Bài đăng dần được chia sẻ sang các diễn đàn mạng khác, thu hút sự quan tâm của khán giả Hàn Quốc.

Người viết bài tải lên bức ảnh liệt kê triệu chứng bệnh tự kỷ. Người này cho biết bệnh nhân mắc chứng tự kỷ gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt và giải thích: "Không phải là họ thấy khó xử khi giao tiếp bằng mắt. Đó là vì chức năng xử lý giác quan của họ khác với người không bị tự kỷ, vì vậy, họ trở nên nhạy cảm với thông tin hình ảnh. Khi họ nhìn vào khuôn mặt một người, có quá nhiều thông tin đổ vào, do vậy, họ không thể giao tiếp bằng mắt".

Triệu chứng này cũng từng được giới thiệu trong chương trình My Golden Kids của kênh truyền hình Channel A. Trong một tập, bác sĩ Oh Eun Young quan sát đứa trẻ gặp khó khăn trong việc giao tiếp bằng mắt với người khác.

Cô giải thích: "Tôi nghĩ đứa trẻ rất khó giao tiếp bằng mắt với mọi người. Có thể trông như cậu bé chỉ nhút nhát thôi, nhưng khả năng giao tiếp bằng mắt là một trong số triệu chứng giúp phân biệt giữa trẻ nhút nhát và trẻ tự kỷ".

Sau khi bài viết được đăng tải, nhiều khán giả để lại bình luận rằng họ nghĩ mình cũng mắc chứng tự kỷ. Họ thảo luận về một số vấn đề bản thân gặp phải như thiếu kỹ năng xã hội, không thể tập trung, quá nhạy cảm với môi trường xung quanh, thực hiện hành động bị cho là vô nghĩa như tự nói chuyện với bản thân...

Một người giải thích: "Không phải là tôi bị ảnh hưởng bởi Woo Young Woo, mà tôi vốn biết tôi hơi khác so với mọi người. Bây giờ truyền thông đang nói cho chúng ta biết rằng còn có nhiều cấp độ khác nhau trong chứng tự kỷ. Tôi nhận ra cũng có tự kỷ cấp độ nhẹ, chứ không chỉ là cấp độ nặng".

Một số khán giả bày tỏ nghi vấn bản thân mắc chứng tự kỷ.

Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại sẽ có người "quá chìm đắm" vào bộ phim và tự chẩn đoán bản thân một cách thiếu chính xác.

"Bác sĩ chỉ giải thích một vài triệu chứng của bệnh tự kỷ, nên bạn không thể nói rằng mình bị tự kỷ khi mới chỉ nghe vài triệu chứng chính", khán giả để lại bình luận.

Họ khuyên những người nghi ngờ bản thân mắc chứng tự kỷ nên đi khám kỹ lưỡng để có cái nhìn chính xác, thay vì chỉ tự chẩn đoán thông qua thông tin trên mạng.

Theo Zing News