'Money Heist' bản Hàn Quốc thiếu sáng tạo
Phần làm lại của thương hiệu bạc tỷ "Money Heist" có phần nhìn và tiểu tiết mang dấu ấn địa phương, song kịch bản không có nhiều thay đổi.
Tác phẩm có tên đầy đủ là Money Heist: Korea – Joint Economic Area (Phi vụ triệu đô: Hàn Quốc - khu vực kinh tế chung). Loạt phim lấy bối cảnh tương lai gần, khi Nam - Bắc Hàn ngừng chiến, tập trung thống nhất kinh tế. Xã hội Hàn Quốc đi lên, song làn sóng phản đối người nhập cư từ Bắc Hàn cũng diễn ra quyết liệt.
Lúc này, người đàn ông bí ẩn có biệt danh Giáo sư (Yoo Ji Tae) tập hợp các cá nhân bất mãn với xã hội mới thành một nhóm, với nhiệm vụ đầu tiên là tấn công Sở Đúc tiền và chiếm 4.000 tỷ won. Tham vọng của họ là dùng vụ cướp để tạo nên một cuộc cách mạng làm rúng động Chính phủ Hàn Quốc.
Sự trở lại của Băng cướp Áo đỏ
Sau khi trở thành hiện tượng toàn cầu từ 2017 đến 2021, thành công về thương mại của loạt phim Money Heist (La Casa de Papel) tạo động lực để nhà sản xuất khởi động phiên bản Hàn. Như vậy, Phi vụ triệu đô bản Hàn chung nhà với nguyên tác Tây Ban Nha, chứ không phải một sản phẩm độc lập tự phát.
Điều này đảm bảo được chất lượng sản xuất của phim, cụ thể là ở khâu phục trang và đạo cụ. Hình tượng "kinh điển" của Băng cướp Áo đỏ do Giáo sư lãnh đạo được tái hiện tại xứ sở Kim chi gây ấn tượng mạnh với cả hai thế hệ khán giả cũ và mới. Trừ bộ jumpsuit đỏ được giữ nguyên, mặt nạ chung của nhóm thay đổi để phù hợp văn hóa Hàn - từ mặt của nghệ sĩ Salvador Dalí sang mặt nạ Hahoe truyền thống.
Sự thay đổi nhận ý kiến trái chiều từ khán giả, trên các diễn đàn phim thế giới như Rotten Tomatoes, Imdb. Nhiều người khen ngợi bởi tạo hình mặt nạ Hahoe mang đến vẻ bí hiểm, khó lường. Tuy nhiên, số khác cho rằng ý tưởng "phản Tư bản" khi nhóm của Giáo sư mang khuôn mặt Salvador Dalí - một nghệ sĩ cách mạng luôn đấu tranh với phân hóa giàu nghèo - đã không còn.
Thông điệp phân tầng xã hội được giữ nguyên
Trên thực tế, thông điệp kinh tế về chống đối phân hóa giàu nghèo, lợi tức chia đều được khắc họa chủ yếu qua bối cảnh và lời thoại. Giáo sư lợi dụng một điểm yếu chung để chiêu mộ các thành viên: sự bất công trong xã hội.
Nhiều người mất việc trong cuộc chuyển giao công nghệ từ Nam Hàn sang Bình Nhưỡng, có người vỡ mộng làm giàu và lâm vào tình thế khốn cùng. Các công ty "ma" về việc làm và nhà đất mọc lên như nấm, khắc họa mặt trái của chủ nghĩa thượng tôn vật chất.
Điểm nhấn nằm ở 15 phút đầu từng tập phim, tập trung vào quá khứ của mỗi thành viên băng cướp. Tokyo (Jeon Jong Seo) được khắc họa như nhân chứng sống của cuộc chuyển giao kinh tế. Cô ở Bình Nhưỡng, song đam mê nhóm BTS cùng văn hóa Nam Hàn. Ngày đất nước thống nhất, Tokyo vào miền Nam với hy vọng đổi đời và tiến gần thần tượng, song cô chỉ có thể làm việc ở hộp đêm, trở thành "món đồ chơi" cho đàn ông háo sắc. Berlin (Park Hae Soo) không tìm được công việc lương thiện sau khi ra tù, chỉ có thể cảm thấy hưng phấn khi làm tội phạm.
Kịch bản thiếu sáng tạo
Money Heist bản Hàn chưa khắc họa được bối cảnh sinh động của tương lai. Phim dùng lời thoại cùng vài tiểu tiết để nhấn mạnh sự khó khăn của nhóm vai chính khi tấn công kho bạc, song chưa xây dựng được một thế giới giả tưởng đáng tin cậy. Các nhân vật vẫn dùng cách nói chuyện cũ, cùng các trang thiết bị của thời hiện tại. Giá như có thêm thời lượng để nói về những ngành nghề hay công nghệ mới, thay vì phần lời thoại có phần dông dài, thì có lẽ tác phẩm đã thuyết phục hơn.
Nói cách khác, bản Hàn Quốc chỉ thay thế khâu "nêm nếm", còn hồn cốt của nguyên tác vẫn như cũ. Trừ Tokyo, cuộc đời của Giáo sư - Berlin, hay các plot twist (bước ngoặt bất ngờ) của bản Tây Ban Nha không có sự thay đổi. Trang The Verge khen ngợi Money Heist: Korea – Joint Economic Area ở hình ảnh chỉn chu, song hoài nghi về việc những fan của La Casa de Papel có thấy phim đáng xem hay không.
Như vậy, các diễn viên chỉ có thể đóng tròn vẹn, chứ không có nhiều đất để thể hiện cá tính màn ảnh của họ. Yoo Ji Tae (Old Boy) hay Park Hae Soo (Squid Game) là lứa diễn viên thực lực của điện ảnh lẫn truyền hình Hàn Quốc. Nhưng trên màn ảnh lần này, họ là những Giáo sư, Berlin xa lạ, với lối diễn cứng nhắc, nhiều đoạn còn tỏ ra "sượng".
Jeon Jong Seo là cái tên được ưu ái nhất. Được mệnh danh "quái nữ phim Hàn", người đẹp sinh năm 1994 từng kinh qua đủ thể loại vai, từ bí ẩn trong The Burning, đến điên loạn trong The Call.
So với Úrsula Corberó của bản gốc, Jeon mang đến sự tươi trẻ, có phần tinh nghịch. Nhân vật thích nhạc K-pop và văn hóa Hallyu (Hàn Lưu), thường có những câu thoại mang hàm ý mỉa mai đời sống. Jeon dùng ánh mắt sắc sảo, cùng nụ cười nửa miệng đã thành thương hiệu, để khắc họa một Tokyo đầy nhiệt huyết. Trái với Tokyo của Corberó bị khán giả "ghét" trong các mùa đầu tiên, vai của Jeon tạo thiện cảm với ngoại hình đáng yêu cùng những hành động tích cực.
Nhìn chung, phiên bản Hàn Quốc đảm bảo chất lượng về mặt giải trí. Khán giả mới của loạt phim dễ hài lòng với các cuộc đối đầu nghẹt thở cùng các phân đoạn hành động quy mô lớn. Tuy nhiên, người hâm mộ loạt phim gốc khó hài lòng với kịch bản trùng khớp, thiếu bản sắc. Kết thúc mở của mùa một cho thấy nhà sản xuất vẫn còn tham vọng phát triển tiếp "Vũ trụ Phi vụ triệu đô" của xứ Kim chi.
- Khánh Dư Niên 2 quá xuất sắc nhưng vẫn thua Trường Tương Tư, Dữ Phượng Hành ở điểm này (27-May-2024)
- Phim mới vừa lên sóng, Dương Mịch đã bị 'em gái ruột' hạ knock out (24-May-2024)
- Ảnh cưới chưa từng công bố của Kim Soo Hyun và Kim Ji Won trong 'Nữ hoàng nước mắt' (23-May-2024)
- Vắng Tiêu Chiến, 'Khánh dư niên 2' vẫn phá mốc 15 triệu lượt đặt trước (14-May-2024)
- 'The Lord of the Rings' có phần mới (10-May-2024)
- 'Nữ hoàng nước mắt' lập kỷ lục rating, đánh bại 'Hạ cánh nơi anh' (02-May-2024)
- Nhan sắc nữ chính phim ngôn tình đang gây sốt (20-Apr-2024)
- Phim của Bạch Lộc, Triệu Lộ Tư bị chê cười khi tranh giải Bạch Ngọc Lan (15-Apr-2024)
- 'Nữ hoàng nước mắt' có thêm tập đặc biệt (10-Apr-2024)
- 'Cô đi mà lấy chồng tôi' kết thúc trọn vẹn, rating cao kỷ lục (21-Feb-2024)