Kpop không cho nghệ sĩ thời gian để trưởng thành
Chuyên gia nhận xét công ty giải trí quản lý thần tượng bằng "hệ thống kiểu quân đội". Họ bị giám sát nghiêm ngặt và phải làm việc với lịch trình dày đặc.
"Bản thân ngành công nghiệp Kpop không cho tôi thời gian để trưởng thành. Tôi không có thời gian phát triển bản thân vì liên tục phải ghi hình thứ gì đó", nam ca sĩ RM (BTS) chia sẻ trong video BTS Festa Dinner phát hành ngày 14/6 trên kênh BANGTANTV.
Cùng ngày, thành viên Suga tiết lộ sau 9 năm ra mắt, BTS quyết định tạm gác hoạt động nhóm sang một bên để ưu tiên phát triển sự nghiệp cá nhân.
Sau tiết lộ bất ngờ này cùng lời tâm sự về hệ thống thần tượng của 7 thành viên BTS trong BTS Festa Dinner, giới truyền thông Hàn Quốc chỉ ra thực trạng đáng báo động về những vấn đề vốn tồn tại lâu năm trong ngành công nghiệp Kpop.
Hệ thống quản lý "kiểu quân đội"
Có thể nói thành công vang dội của Kpop trên thị trường quốc tế là nhờ hệ thống quản lý thần tượng chặt chẽ, đem lại năng suất cao. Thông qua quy trình đào tạo, kiểm soát một cách bài bản, công ty quản lý hỗ trợ thần tượng sản xuất lượng lớn nội dung giải trí chỉ trong thời gian ngắn.
Bằng cách lấy hệ thống này làm bước đệm vững chắc, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc thành công vượt qua Jpop, dòng nhạc từng nỗ lực vươn lên vị trí hàng đầu thế giới. Trong những năm gần đây, thần tượng Kpop dần có được sự ghi nhận tại Mỹ, quê hương của thể loại nhạc pop.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng bên cạnh loạt thành tích đáng nể, hệ thống quản lý thần tượng Kpop liên tục bị chỉ trích vì đã hạn chế quyền tự chủ, khả năng sáng tạo của ngôi sao.
Ngoài ra, không ít khán giả cho rằng việc thần tượng Kpop ngày càng trẻ hóa, với phần lớn ngôi sao ra mắt ở độ tuổi vị thành niên, cũng là vấn đề đáng lưu ý.
Hankyoreh ví hệ thống quản lý thần tượng Kpop như "hệ thống kiểu quân đội". Điều này thể hiện ở việc ngôi sao sống cùng nhau tại ký túc xá, đôi khi có quản lý giám sát, và cùng trải qua quy trình đào tạo "chặt chẽ như quân đội".
Dưới sự quản lý sát sao từ công ty, mỗi ngày, họ phải thực hiện lịch trình dày đặc với nhiều hoạt động khác nhau như ghi hình show giải trí, show âm nhạc, biểu diễn, tham dự sự kiện và tổ chức buổi gặp mặt fan.
Hệ thống này gần như không cho phép thần tượng nghỉ ngơi hay có cơ hội tập trung vào dự án sáng tạo cá nhân.
"Tôi cảm thấy như mình đang gây tội. Tôi sợ mọi người sẽ ghét tôi nếu tôi nói muốn nghỉ ngơi", nam ca sĩ RM tâm sự trong video BTS Festa Dinner.
Thành viên cùng nhóm Jin thừa nhận: "Giống với điều mọi người nói, tôi cảm thấy bản thân đã trở thành một cỗ máy trong lúc hoạt động nhóm. Tôi cũng có sở thích riêng và việc riêng bản thân muốn thực hiện".
Trên thực tế, gần đây, vào lúc 1h, BTS phải tham gia ghi hình tại show âm nhạc để quảng bá ca khúc mới Yet To Come. Theo Yonhap News, nếu xem xét cả thời gian làm tóc và trang điểm, nhóm buộc thức cả đêm để chuẩn bị và hoàn thành lịch trình.
"Nếu đây là thực tế của BTS, ngôi sao thường được ca ngợi là 'ở đẳng cấp khác', thì chắc chắn khó khăn mà thần tượng Kpop khác phải đối mặt còn nặng nề hơn nhiều", Yonhap News nhận xét.
Ngoài việc không được đảm bảo quyền riêng tư, có nhiều trường hợp ngôi sao Kpop thậm chí không thể ăn, ngủ đầy đủ vì "lịch trình nghẹt thở chia thành từng phút".
Do tình trạng này, không ít thần tượng gặp phải vấn đề thể chất và tinh thần.
Tháng 7/2019, JYP Entertainment thông báo nữ ca sĩ Mina (TWICE) không thể tham dự chuyến lưu diễn TWICE World Tour 2019 TWICELIGHTS vì mắc chứng sợ sân khấu. Mỗi lần đứng trên sân khấu, cô lại cảm thấy lo lắng và bất an. Một năm sau, thành viên cùng nhóm Jeong Yeon buộc tạm dừng hoạt động vì mắc chứng hoảng sợ và rối loạn lo âu.
Sau khi ra mắt vào năm 2020, nữ ca sĩ Shin Ji Yoon (cựu thành viên Weeekly) phải ngưng hoạt động hai lần để điều trị chứng lo âu. Cuối cùng, vào ngày 1/6, cô quyết định rời nhóm do ảnh hưởng của vấn đề sức khỏe.
Áp lực phải thành công
Quá trình công nghiệp hóa Kpop cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sáng tạo, sự tự do, tự chủ của thần tượng. Đặc biệt, khi công ty giải trí lớn dần được niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, áp lực thành công đổ dồn lên thần tượng.
HYBE là công ty giải trí Hàn Quốc đầu tiên được niêm yết trên thị trường chứng khoán KOSPI. 3 ông lớn khác của Kpop là SM, YG và JYP đều có tên trên sàn KOSDAQ. KOSPI yêu cầu tiêu chuẩn niêm yết nghiêm ngặt hơn KOSDAQ về quy mô, doanh số bán hàng, và HYBE dễ dàng vượt qua các tiêu chuẩn đó.
Tại thời điểm HYBE được niêm yết, Kim Hyun Yong, nhà phân tích tại Hyundai Motor Securities, đánh giá: "Tình trạng cổ phiếu của ngành giải trí đã cải thiện rất nhiều nhờ việc Big Hit (tên cũ của HYBE) lên sàn KOSPI".
Sáng 15/6, sau khi có thông tin cho rằng BTS tạm ngừng hoạt động nhóm, giá cổ phiếu của HYBE giảm hơn 25%. Chỉ trong một ngày, công ty đánh mất khoảng 2,12 nghìn tỷ won (khoảng 1,644 tỷ USD) giá trị vốn hóa thị trường.
Có thể thấy thành công thần tượng đem lại ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu của công ty. Tờ Hankyoreh chỉ ra sự trùng hợp giữa khoảng thời gian HYBE niêm yết sàn chứng khoán và sự thay đổi trong sản phẩm âm nhạc của BTS.
BTS thường thể hiện tiếng nói, quan điểm của bản thân bằng cách tham gia viết lời, sản xuất bài hát cho nhóm. Tuy nhiên, kể từ khi HYBE lên sàn chứng khoán, nhóm chuyển sang hát ca khúc do nhà soạn nhạc người nước ngoài sáng tác và viết lời, bắt đầu với Dynamite.
Bài hát tiếng Anh như Butter và Permission To Dance dường như không phù hợp với phong cách của BTS. Hankyoreh cho rằng trọng tâm của sự thay đổi này là để tấn công thị trường Mỹ với "bubblegum pop" (dòng nhạc pop có giai điệu sôi động, được thanh thiếu niên ưa chuộng).
Trưởng nhóm RM giãi bày: "Có vẻ tôi vẫn hiểu rõ BTS như lòng bàn tay cho đến tận ON và Dynamite. Nhưng khi chúng tôi phát hành Butter và Permission To Dance, tôi không còn rõ BTS là nhóm nhạc như nào nữa".
Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng SeoJeongMinGap nhận xét: "Những bài hát BTS phát hành gần đây không có sức sống và không có cá tính riêng. Các thành viên phải vừa phát huy hết khả năng, vừa tích cực quảng bá, nhưng dường như họ cảm thấy ngột ngạt, vì có nhiều trường hợp họ bị giới hạn vào một vai trò nhất định trong khi hoạt động chặt chẽ theo hệ thống của công ty".
Gần đây, khi Kpop trở thành ngành công nghiệp quốc gia, thần tượng Kpop chịu áp lực phải thành công ở nước ngoài. Với nguồn vốn khổng lồ đổ vào Kpop, ngôi sao đang bị đẩy vào cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Theo nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun, trường hợp của BTS chứng minh rằng cần đưa ra sự thay đổi với hệ thống ngành công nghiệp thần tượng đã duy trì hơn 20 năm nay. Tuy nhiên, tìm kiếm giải pháp thay thế nhằm giải quyết vấn đề là chuyện không hề đơn giản.
Lim Jin Mo, nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng, nói: "Công ty quản lý nên trao cho thần tượng nhiều quyền tự do hơn. Họ cần mở đường để thần tượng có thể sáng tác âm nhạc theo phong cách họ muốn, hoặc hợp tác với ca sĩ khác".
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop (29-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)