Âm nhạc

Chuyên Mục

Kpop chuộng nhóm nhạc


Đa phần công ty giải trí ở Hàn Quốc đều tập trung phát triển nhóm nhạc thay vì sự nghiệp solo cho ca sĩ bởi những yếu tố liên quan đến lợi nhuận, thời gian sản xuất dự án.


Theo SCMP, hiện tại người hâm mộ Na Yeon trên toàn thế giới đang vui mừng trước thông tin nữ ca sĩ được hoạt động solo vào ngày 24/6. EP đầu tiên của cô mang tên IM Nayeon. Tuy nhiên, bên cạnh cảm xúc hân hoan, khán giả thắc mắc rằng tại sao đến tận bây giờ, Na Yeon mới có thể hoạt động solo khi cô đã hoạt động nghệ thuật được 7 năm.

Không riêng Na Yeon, nhiều ngôi sao nổi tiếng khác của Kpop mất nhiều thời gian mới có thể hoạt động solo. Như DO (EXO), nam ca sĩ phát hành mini-album Empathy vào năm 2021 - 9 năm kể từ ngày anh ra mắt vào năm 2012. Trong khi đó, hai thành viên cùng nhóm của anh là Kai và Baek Hyun đã lần lượt tách ra để hoạt động solo vào năm 2020 và năm 2019.

Ngoài ra, không ít ngôi sao khác mất nhiều thời gian mới có thể bắt đầu sự nghiệp solo sau khi ra mắt như Ye Rin (GFriend), Lee Su Jeong của Lovelyz.

Na Yeon (TWICE) phát hành album solo đầu tiên sau 7 năm kể từ khi nhóm ra mắt. Ảnh: SCMP.

Dưới góc nhìn của người hâm mộ, khán giả thích thú với việc thần tượng ra hoạt động solo bởi họ có thể thưởng thức âm nhạc theo cách riêng và đặc sắc hơn, SCMP nhận định. Không những vậy, khi theo đuổi sự nghiệp solo, nghệ sĩ thỏa sức thể hiện phong cách âm nhạc riêng, giúp người hâm mộ có cái nhìn sâu sắc hơn khi họ không phải đáp ứng thị hiếu chung của thành viên khác cùng nhóm.

Về việc này, nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae đưa ra quan điểm: "Đối với nhiều hãng, phát hành một album solo cho từng thành viên trong nhóm không phải là nhiệm vụ cấp bách nhất của họ. Vì thế việc này thường không được ưu tiên".

Theo Min Jae, sự phát triển của ngành âm nhạc Kpop trên toàn cầu đã kéo dài tuổi thọ của hầu hết nhóm nhạc ở xứ kim chi. Tồn tại hơn 7 hoặc 8 năm là không hề dễ dàng nhưng bù lại, họ được khán giả khắp thế giới đón nhận trong khoảng thời gian dài, có khi tới cả thập kỷ. Vì thế, các công ty giải trí thường chú trọng phát triển các nhóm nhạc, thay vì quan tâm đến sự nghiệp từng thành viên.

TWICE ra mắt vào năm 2015. Ảnh: SCMP.

Bên cạnh đó, thực tế rõ ràng là một nhóm nhạc sẽ đảm bảo lợi nhuận ổn định hơn một ca sĩ hoạt động solo. Điều này khẳng định rằng rất ít công ty nhiệt tình với việc phát triển sự nghiệp solo cho ca sĩ.

Vượt qua khá nhiều khó khăn, có không ít ca sĩ thành công khi tách ra hoạt động riêng như Tae Yeon (SNSD), Tae Min (Shinee), Baek Hyun (EXO). Đây được coi là những trường hợp đặc biệt vượt qua mọi tiêu chuẩn.

Baek Hyun trở thành ca sĩ đầu tiên bán được hơn một triệu album vật lý, cả với tư cách là nghệ sĩ solo và là thành viên của nhóm.

Jung Min Jae nói thêm về việc sản xuất album cho ca sĩ hoạt động solo đòi hỏi nhiều kỹ thuật so với nhóm nhạc. "Khi thành lập nhóm, mỗi thành viên có thế mạnh tạo nên sức hấp dẫn cho cả nhóm nhưng khi một nghệ sĩ theo đuổi sự nghiệp solo đồng nghĩa với việc người đó phải toàn diện và xuất sắc cả về ca hát lẫn vũ đạo. Điều này không dễ dàng".

Tuy nhiên, có vài công ty vẫn đi ngược lại xu hướng phát triển nhóm, như YG Entertainment. Điển hình là Jennie (BlackPink) ra mắt đĩa đơn Solo vào năm 2018, chỉ sau hai năm ra mắt nhóm. Theo nhà phê bình Min Jae, từ lâu YG Entertainment đã tập trung vào việc phát triển thương hiệu cá nhân cho từng thành viên của nhóm.

"Từ Big Bang đến BlackPink, YG đều cố gắng xây dựng thương hiệu cho từng thành viên. Ngoài âm nhạc, họ chú trọng phát triển cả ở lĩnh vực thời trang. Nhiều ca sĩ nhà YG đã trở thành đại sứ cho các nhãn hàng thời trang nổi tiếng thế giới. Trong trường hợp của BlackPink, YG nỗ lực giúp từng thành viên nhóm có lượng fan trung thành với tư cách cá nhân. YG cũng cho phép ca sĩ hoạt động solo sớm hơn những ngôi sao Kpop khác", Min Jae nói.

Theo Zing News