Truyền hình

Chuyên Mục

Đại phim trường điêu đứng và cơn khát tiền ở showbiz Trung Quốc


Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hoạt động nghệ thuật ở Trung Quốc ngưng trệ nhiều tháng qua. Các công ty giải trí hàng đầu đang chật vật cân bằng nguồn tài chính.


Theo Sohu, ngành công nghiệp giải trí Trung Quốc chao đảo vì sự tái bùng phát của dịch Covid-19. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ba tháng qua, tất cả hoạt động nghệ thuật đều bị tạm hoãn để nhường chỗ cho công tác đưa số ca nhiễm trong cộng đồng về 0.

Sohu cho biết Hoành Điếm - phim trường lớn nhất xứ tỷ dân - đang chìm sâu hơn vào suy thoái. Liên tục rơi vào trạng thái trì trệ sau 3 năm dịch khiến Hoành Điếm đối mặt với khó khăn chồng chất.

Sự tổn thất kinh tế nặng nề đeo bám "Hollywood của phương Đông". Trang tin đánh giá sự ảm đạm của Hoành Điếm không chỉ là bức tranh riêng, mà còn phơi bày tình cảnh khó khăn chung của ngành giải trí Trung Quốc.

"Vết thương gây ra bởi dịch Covid-19 đang lan rộng và ăn mòn nền công nghiệp giải trí Trung Quốc. Đến cả đại phim trường Hoành Điếm cũng sắp không trụ vững", theo Sohu.

Hoành Điếm thất thu

Theo China Daily, Hoành Điếm từng là nơi sản xuất của hơn 1.800 phim truyền hình và điện ảnh mỗi năm. Trong một ngày, có khoảng 20 đoàn làm phim với hàng trăm, hàng nghìn diễn viên quay phim tại đây. Thế nhưng, sau 3 năm dịch, số lượng dự án khởi quay ở Hoành Điếm giảm mạnh, khoảng 80%-90%.

Nửa đầu năm 2022, có 17 ê-kíp đăng ký làm việc tại phim trường lớn nhất thế giới. Con số này ít hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 15 đoàn phim. Từ đó dẫn đến tình trạng thiếu việc làm nghiêm trọng tại Hoành Điếm. Hiện, số lượng diễn viên quần chúng có công việc ổn định chỉ còn khoảng 2.000 người.

Diễn viên quần chúng tại Hoành Điếm thiếu công ăn việc làm nghiêm trọng. Ảnh: Sina.

Theo Sohu, phim trường lớn nhất Trung Quốc đã không còn cảnh nam thanh nữ tú đứng thành hàng dài chờ casting. Cơ hội nghề nghiệp khan hiếm khiến nhiều người quyết định bỏ nghề diễn. Trang Sina cho biết có hơn 100 diễn viên khăn gói rời Hoành Điếm hàng tháng. Người ở lại chấp nhận cảnh sống bấp bênh và mức lương bèo bọt, chưa đầy 300 USD/tháng.

Theo Vicious Tongues for Film and Television, ban quản lý phim trường đối mặt với nguy cơ thất thu khoảng một triệu NDT (148.000 USD) mỗi ngày. 6 tháng qua, Hoành Điếm mất nguồn thu từ hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng vì không có khách du lịch. 80% khách sạn ở phim trường đã chuyển đổi loại hình kinh doanh thành nhà trọ, căn hộ cho thuê theo tháng.

Sina nhận xét những con số trên cho thấy Hoành Điếm không còn là "đại bản doanh" kiếm tiền tốt nhất xứ tỷ dân. Từ năm 2020, họ đã bị liệt vào danh sách nợ xấu của tòa án tỉnh Cam Túc. Theo trang tin trong 3 năm dịch, tổng lợi nhuận hàng năm của Hoành Điếm giảm hơn 70%, đạt chưa đến 15 triệu USD.

Các đợt phong tỏa liên tiếp làm suy yếu triển vọng phục hồi của Hoành Điếm. Theo giới chuyên môn, sự kìm kẹp từ dịch bệnh khiến phim trường lớn nhất Trung Quốc chịu gánh nặng nợ phình to vì cảnh thất thu dài hạn.

Showbiz Trung Quốc thiếu tiền

Theo Sina, các công ty giải trí, sản xuất và phân phối phim ảnh Trung Quốc đang vật vã trong cơn khát tiền. Họ bị khủng hoảng tài chính. Nguyên nhân là doanh thu phòng vé không như mong đợi, khoản đầu tư vào các công ty trong nước và nước ngoài không đem lại kết quả thuận lợi, trong khi dịch bệnh kéo dài khiến hoạt động sản xuất mới ngưng trệ, kinh phí bị đội lên gấp 2-3 lần.

Thời báo Kinh tế Bắc Kinh cho biết hoạt động trong ngành sản xuất phim ảnh Trung Quốc đang lao dốc với tốc độ nhanh nhất kể từ sau khi Covid-19 bùng phát. Đầu năm 2022, cơn bão sa thải nhân sự quét qua ngành giải trí Trung Quốc. Theo iFeng, có hơn 45% nhân viên làm việc trong lĩnh vực giải trí bị cắt giảm.

Chi phí sản xuất và tiền lương trong ngành giải trí Trung Quốc hiện bị giảm 50%. Ảnh: Sohu.

Tình hình tài chính không khá khẩm của công ty giải trí, hãng phim ảnh hưởng đến tiền lương trong toàn ngành. Theo Sina, tiền cát-xê cao nhất hiện tại dành cho diễn viên hạng A là 3,7 triệu USD/phim, đạo diễn và biên kịch nhận thù lao 4.000 USD/tập. Các ê-kíp phải giới hạn chi phí sản xuất không quá 10 triệu USD, trong đó tiền quảng bá dự án chỉ rơi vào tầm 445.000 USD. "Từ tiền cho đến người, tất cả đều bị cắt giảm một nửa so với trước đây", Sina cho biết.

Nhà sản xuất Cao Hiểu Hổ chỉ ra 3 thách thức mà showbiz Trung Quốc phải đối mặt hiện nay: Sự đi xuống của nền công nghiệp giải trí so với phần còn lại của châu Á; việc hủy bỏ các sự kiện trực tiếp và đóng cửa rạp chiếu phim; sự chậm trễ trong sản xuất, phát hành vì dịch. Trong số này, ông đánh giá điều cuối cùng là gây thiệt hại nhất.

Kể từ khi chính phủ ban bố tình trạng phòng dịch khẩn cấp vào đầu tháng 3, showbiz Trung Quốc càng đối mặt với tình trạng bất lợi. Theo Sohu, ngành giải trí xứ tỷ dân sẽ gánh khoản lỗ khổng lồ. Trong đó, lĩnh vực điện ảnh đang trải qua sự sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, với hơn 30% một tháng. Vào tháng 4, rạp chiếu Trường Sa, Trung Quốc đón lượt khách xem phim nhiều nhất 10 người/ngày, thu về 1.500 USD phòng vé.

Theo Zing News