Âm nhạc

Chuyên Mục

Thế lực khiến các nhóm nhạc đã tan rã khó tái hợp


2NE1 đã tan rã và bản quyền thương hiệu thuộc về YG Entertainment. Đó là lý do nhóm phải âm thầm chuẩn bị tiết mục tại Coachella.


Ngày 9/5, tờ Joongang đưa tin màn trình diễn tại lễ hội âm nhạc lớn nhất nước Mỹ Coachella của 2NE1 được chuẩn bị và thực hiện bí mật. Lý do là cả 4 thành viên gồm CL, Park Bom, Minzy và Sandara đã rời YG Entertainment và đang hoạt động trong các công ty khác nhau.

Tại lễ hội âm nhạc nổi tiếng, tổ chức ở California, Mỹ ngày 16/4 (giờ địa phương). CL xuất hiện trước và biểu diễn bài hát solo Chuck. Sau đó, ba thành viên Sadara, Park Bom, Minji bất ngờ bước lên sân khấu và họ cùng nhau hát I Am The Best. Thông tin về màn tái hợp của 2NE1 sau đó được người hâm mộ Kpop chú ý và bàn tán suốt nhiều ngày qua.

2NE1 và chuyện sử dụng tên nhóm sau khi tan rã ở Kpop

Họ có thể hát cùng nhau với danh nghĩa 2NE1 nhưng cần sự cho phép của YG Entertainment. Nếu 4 thành viên muốn biểu diễn hoặc phát hành album dưới tên 2NE1 một cách hợp pháp, họ phải được sự đồng ý trước từ YG Entertainment hoặc chuyển nhượng quyền thương hiệu.

Nếu sử dụng tên 2NE1 trong các chương trình âm nhạc hoặc sản xuất album mới mà không có thủ tục chuyển nhượng kể trên, các thành viên có thể dính vào vụ kiện vi phạm nhãn hiệu. Chính vì vậy sân khấu của cả nhóm được chuẩn bị kỹ lưỡng tại Coachella mà không hề công khai.

Tuy nhiên, một đại diện từ YG Entertainment cho biết với tờ Joongang: "Chúng tôi không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hành động pháp lý nào với các thành viên 2NE1. Chúng tôi không có quyền tiết lộ cụ thể về màn trình diễn của 2NE1".

2NE1 tái hợp ở Coachella khiến khán giả bất ngờ.

Theo Joongang, câu chuyện của 2NE1 khiến công chúng nhớ về trường hợp của HOT. Họ là nhóm nhạc đình đám Kpop thế hệ đầu tiên. Nhóm tái hợp vào năm 2018 và không thể sử dụng tên nhóm. Cuộc chiến pháp lý vẫn đang tiếp diễn.

Tranh cãi về quyền thương hiệu của các thần tượng Kpop không phải chuyện một sớm một chiều. HOT - thần tượng thế hệ đầu tiên - không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng tên High-five of Teenage thay vì HOT trong buổi biểu diễn tái hợp được tổ chức sau 17 năm thông qua kênh giải trí MBC.

Nhóm nhạc nam BEAST đã từ bỏ tên nhóm mà họ sử dụng trong 8 năm do mâu thuẫn với công ty quản lý cũ Cube Entertainment. Sau khi rời nhóm, họ đã quảng bá với cái tên Highlight kể từ năm 2017.

Đánh giá từ thực tiễn pháp lý hoặc ngành công nghiệp âm nhạc, bản quyền nhãn hiệu thuộc về công ty giải trí. Ở Hàn Quốc, việc một công ty giải trí lập kế hoạch ra mắt một nhóm nhạc thần tượng, họ phải đầu tư số tiền lớn và tạo ra nguồn âm thanh. Theo logic, bên trả tiền và chịu rủi ro thất bại tức công ty giải trí tất nhiên nên có quyền thu lợi.

Trong trường hợp của SM Entertainment, công ty này có nhiều quyền sở hữu trí tuệ (IP) như bằng sáng chế, quyền thiết kế và các tác phẩm nghệ thuật. Cụ thể công ty này sở hữu 1862 quyền nhãn hiệu.

Ai đã tạo ra giá trị của bản quyền nhãn hiệu thần tượng?

Từ trước đến nay, các công ty giải trí độc quyền với tên thần tượng, nhóm nhạc họ tạo ra. Đó là lý do nhiều nhóm nhạc sau khi tan rã rồi rời công ty quản lý không thể tái hợp với tên nhóm cũ.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp giải trí gần đây, các quan điểm khác nhau đang xuất hiện xoay quanh việc sở hữu bản quyền nhãn hiệu. Nhiều chuyên gia cho rằng không nên đánh giá ngành công nghiệp giải trí dựa trên tư duy và tiêu chuẩn định hướng sản xuất.

Điều này có nghĩa công ty quản lý không thể độc quyền về thương hiệu nhóm nhạc vì các thành viên đã làm việc chăm chỉ để nổi tiếng và giúp nhóm được công chúng biết đến nhiều hơn. Cho dù một bài hát được tạo ra bởi công ty quản lý hay đến đâu, thì sự thành công cũng không thể được đảm bảo trừ khi các thành viên trong làm việc chăm chỉ.

Nhóm nhạc thần tượng BEAST đang quảng bá dưới cái tên Highlight sau một cuộc tranh chấp với công ty quản lý của họ.

Giới chuyên môn cho rằng các thần tượng đã dành nhiều thời gian và công sức để nâng cao giá trị thương hiệu của họ. Vì vậy quyền cần được công nhận với cả các ca sĩ.

Thực tế, trong các vụ tranh chấp nhãn hiệu gần đây, đã có tiền lệ có lợi cho thần tượng. Shinhwa không sử dụng tên Shinhwa trong hai album, nhưng sau cuộc chiến pháp lý kéo dài 4 năm, họ đã trở thành thần tượng đầu tiên sở hữu nhãn hiệu của nhóm. Nhóm nhạc nữ T-ara cũng được giữ nguyên tên nhóm. Họ phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu của công ty quản lý cũ MBK Entertainment và Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc đã cấp cái tên T-ara cho các thành viên.

Vấn đề của HOT rắc rối hơn bởi Kim Kyung Wook - cựu CEO của SM Entertainment - đã tuyên bố quyền thương hiệu với tư cách cá nhân ngay trước thời điểm nhóm tổ chức concert tái hợp. Theo quyết định cuối cùng của Tòa án tối cao vào năm 2020, quyền nhãn hiệu do cựu CEO Kim đăng ký là không hợp lệ. Tuy nhiên, do cựu Giám đốc điều hành Kim Kyung Wook đã đệ đơn kiện dân sự nên tranh chấp vẫn tiếp diễn. Trong phiên tòa đầu tiên của vụ kiện dân sự, đơn vị tổ chức đêm nhạc cho HOT thắng kiện.

Theo Zing News