Truyền hình

Chuyên Mục

Gen Z trên phim Hàn


Ngày càng nhiều chương trình giải trí, phim truyền hình Hàn Quốc lấy thanh thiếu niên làm trọng tâm. Gen Z trở thành đối tượng khán giả của màn ảnh nhỏ.


Theo Korea JoongAng Daily, thanh thiếu niên đang là đối tượng được tập trung khai thác và thể hiện trên màn ảnh nhỏ Hàn Quốc, với ngày càng nhiều show giải trí, phim truyền hình lấy giới trẻ làm trọng tâm.

Korea JoongAng Daily cho biết sóng truyền hình Hàn thường bị đánh giá là "thiếu hụt chương trình về thanh thiếu niên", và đối tượng khán giả trung thành của xứ kim chi hiện có xu hướng già hóa. Do vậy, sự thay đổi trên cho thấy lối đi mới trong hướng phát triển nội dung của đài truyền hình Hàn Quốc.

Ngày càng nhiều chương trình giải trí, phim truyền hình Hàn Quốc tập trung khai thác câu chuyện xoay quanh người trẻ. Ảnh: tvN.

Lấy Gen Z làm đối tượng trung tâm

Gen Z, cụm từ chỉ những người sinh năm 1996-2010, là nhân vật trung tâm trong chương trình giải trí Capitalism School do đài KBS thực hiện. Tại đây, người tham gia nhận được 1 triệu won (khoảng 790 USD) và phải tìm cách tăng số tiền của mình lên.

Chương trình Generation Z Self Survival của đài Mnet theo chân một nhóm thanh thiếu niên khi họ thực hiện thử thách không sử dụng điện thoại trong vòng 36 tiếng đồng hồ.

Người chơi gồm thần đồng nhạc trot Jeong Dong Won, Yoon Hoo - con trai ca sĩ Yoon Min Soo, Shin Ha Yeon - con gái ngôi sao nhạc rock quá cố Shin Hae Chul, và con trai của cầu thủ bóng rổ Hyun Ju Yeop, Hyun Joon Wook. Tất cả đều nằm trong độ tuổi 13-15.

Show giải trí do nền tảng OTT (Over-The-Top) sản xuất cũng mở rộng đối tượng nhân vật trung tâm sang Gen Z. Bộ phim Adult Trainee của TVING kể về tâm sinh lý của thanh thiếu niên khi nội tiết tố thay đổi. Chương trình High School Mom And Dad do MBN thực hiện khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của chủ đề mang thai ở tuổi vị thành niên.

Những nội dung giải trí có màu sắc u ám hơn như bộ phim Juvenile Justice của Netflix và Hope Or Dope của Seezn tập trung soi chiếu vấn đề tội phạm vị thành niên. Bộ phim truyền hình hiện phát sóng của đài tvN, Our Blues, cũng có sự xuất hiện của nhân vật nữ sinh trung học mang thai ngoài ý muốn.

Thế hệ MZ (từ chỉ Gen Y và Gen Z) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến tại Hàn Quốc để chỉ những người trẻ sinh từ năm 1980-2010. Tuy nhiên, xu hướng hiện tại trên màn ảnh nhỏ cho thấy đối tượng khán giả mục tiêu đã chuyển sang nhắm cụ thể vào Gen Z.

Chia sẻ với Korea JoongAng Daily, nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Heon Sik cho biết các nhà sản xuất nội dung giải trí đang dần "tách Z ra khỏi MZ".

Kim nói: "Ngày càng nhiều chương trình có sự tham gia của thanh thiếu niên, hoặc lấy thanh thiếu niên làm đối tượng khán giả mục tiêu. Họ là người dễ tiếp thu xu hướng mới và chịu tác động từ nhiều luồng ảnh hưởng khác nhau".

Gen Z trở thành đối tượng khán giả mới của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc. Ảnh: Naver.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Sung Soo nhận xét: "Thanh thiếu niên phải đối mặt với một thế giới luôn thay đổi, nhưng cả trường học và người lớn đều không dạy họ cách đối phó. Không có nhiều thanh thiếu niên xuất hiện trên TV, và cũng không có nhiều chương trình thảo luận về khó khăn họ phải trải qua một cách nghiêm túc. Chúng ta đang nhận thấy một sự thay đổi nhỏ".

Phản ánh cuộc sống của Gen Z

Lượng người xem chính của sóng truyền hình ngày càng có xu hướng già hóa, đặc biệt khi thế hệ trẻ chuyển sang sử dụng các nền tảng giải trí trên Internet như YouTube, dịch vụ OTT và TikTok.

Do vậy, các kênh truyền hình đang cố gắng mở rộng đối tượng người xem của họ sang cả những người trẻ tuổi, từ đó dẫn đến làn sóng sản xuất chương trình truyền hình dành cho thanh thiếu niên.

Nhà sản xuất Choi Seung Hoon của Capitalism School cho biết phụ huynh từ 30-50 tuổi và có con ở độ tuổi thanh thiếu niên là đối tượng khán giả mục tiêu chính của họ.

"Đối tượng người xem mục tiêu của hầu hết show giải trí do KBS sản xuất, điển hình như 2 Days 1 Night, là người từ 50 tuổi trở lên. Không có nhiều chương trình có khả năng thu hút cha mẹ ở độ tuổi trẻ hơn, vì vậy, chúng tôi quyết định nhắm đến thế hệ đó", Choi chia sẻ.

Trong khi chương trình như Capitalism School và High School Mom And Dad bổ sung khía cạnh giáo dục bằng cách mời YouTuber chuyên tư vấn tài chính cá nhân, hoặc chuyên gia tư vấn tâm lý chuyên nghiệp làm cố vấn, đa phần chương trình nói về Gen Z hiện tại chủ yếu tập trung phản ánh hiện thực, không có sự can thiệp, chỉnh sửa.

Thể loại này giúp thể hiện cá tính của từng thanh thiếu niên, đồng thời giới thiệu tới người xem các xu hướng thịnh hành đối với Gen Z thông qua quan sát cuộc sống hàng ngày của họ.

Ví dụ, trong Capitalism School, Shin Ha Yeon nghĩ ra cách sáng tạo biểu tượng cảm xúc cho ứng dụng nhắn tin nhằm kiếm thêm tiền. Jeong Dong Won đến thăm YouTuber tư vấn tài chính cá nhân nổi tiếng để tìm kiếm lời khuyên, trong khi Hyun Joon Wook bán lại ảnh thẻ của nhân vật hoạt hình nổi tiếng. Đây là xu hướng đầu tư thông qua bán lại phổ biến trong thế hệ trẻ ngày nay, với sự xuất hiện của nhiều mặt hàng đa dạng, từ hàng hóa về thần tượng Kpop đến phụ kiện thời trang xa xỉ.

Tuy mới bắt đầu phát sóng từ tháng 3, đã có nhiều cuộc thảo luận xoay quanh việc thực hiện mùa 2 cho chương trình High School Mom And Dad do sự thành công của show. Lượng người xem chính của kênh MBN chủ yếu là khán giả từ 50 tuổi đổ lên, nhưng chương trình này tập trung hướng đến lứa tuổi từ 20-49.

Chương trình High School Mom And Dad phản ánh cuộc sống của cha mẹ ở tuổi vị thành niên. Ảnh: Naver.

Sau khi lên sóng, chương trình vấp phải một số chỉ trích vì lấy chủ đề trở thành cha mẹ ở tuổi vị thành niên làm trọng tâm. Tại Hàn Quốc, việc mang thai trước hôn nhân vẫn bị coi là đáng xấu hổ, ngay cả với người lớn, nên không bất ngờ khi nhiều khán giả lên tiếng phản đối nội dung của chương trình. Tuy vậy, show cũng được ca ngợi vì đã miêu tả chân thực những gì bậc cha mẹ ở tuổi thanh thiếu niên tại Hàn Quốc phải đối mặt.

Không nên đánh đồng thanh thiếu niên

Việc thể hiện cuộc sống hàng ngày của Gen Z giúp các thế hệ thấu hiểu nhau hơn.

Lee Eun Jung, nhà sản xuất của chương trình Generation Z Self Survival, tiết lộ khi thanh thiếu niên không thể mua hàng tại ki-ốt điện tử hoặc phải đặt chỗ, mua vé trực tuyến mà không có điện thoại thông minh, họ tự hỏi: "Phải chăng bà của tôi cũng không thể thực hiện những việc này?". Phản ứng này khiến họ hiểu được cảm xúc của thế hệ trước.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số lo ngại xoay quanh chương trình giải trí lấy thanh thiếu niên làm trọng tâm.

Nhà phê bình Kim Sung Soo phân tích: "Khi show tiếp tục phát sóng, chương trình có xu hướng trở thành thứ chỉ để mọi người bàn tán, thay vì thực sự nghiêm túc lắng nghe những gì thanh thiếu niên phải trải qua. Các chương trình nên hạn chế lấy người trẻ làm chủ đề để giải trí mà không có cuộc đối thoại nghiêm túc".

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun nói: "Để thanh thiếu niên xuất hiện trên TV đồng nghĩa với việc họ sẽ được ghi hình lại từ khi còn nhỏ. Để tạo nên sự cân bằng, các chương trình không nên chỉ đơn thuần dừng lại ở quan sát họ, mà hãy nhờ chuyên gia đưa ra lời khuyên cho thanh thiếu niên".

Tuy việc truyền thông Hàn Quốc tập trung khai thác, lắng nghe thanh thiếu niên nhiều hơn được xem như hành động đầy ý nghĩa, một số nhà phê bình cảnh cáo người xem không nên đánh giá, quy chụp toàn bộ giới trẻ chỉ dựa trên những gì họ quan sát được từ chương trình giải trí.

Nhà phê bình Jeong khuyến cáo: "Đánh đồng thế hệ MZ là việc làm rất mang tính hạ thấp người khác. Điều này thực sự có thể cắt đứt sự kết nối giữa các thế hệ".

Chuyên gia cho rằng không nên đánh đồng thế hệ trẻ chỉ qua nội dung giải trí. Ảnh: Naver.

"Tất cả thanh thiếu niên đều khác nhau, và không phải lúc nào họ cũng hiểu nhau. Mặc định rằng tất cả người trẻ đều tuân theo một lối cư xử nhất định là cách suy nghĩ chứa đầy rủi ro, nhưng cố gắng quan sát giới trẻ ngày nay sống ra sao là nỗ lực mang tính tích cực", nhà phê bình Kim Heon Sik chia sẻ.

Theo Zing News