Quy chuẩn hà khắc với ca sĩ nữ
Theo Allkpop, sự khắc nghiệt của nền công nghiệp âm nhạc Kpop với hàng loạt quy chuẩn vô lý đã kìm hãm sự tồn tại và phát triển của các thần tượng nữ.
Theo Kpop Herald, trong giai đoạn từ năm 2007-2009, thị trường âm nhạc Hàn Quốc chứng kiến sự phát triển nở rộ của những idol nữ. Trong đó, một số đại diện nổi bật cho thế hệ này là Wonder Girls, Girls’ Generation, After School, 2NE1, 4Minute...
Được biết đến là “nữ hoàng retro” xứ kim chi song chỉ sau 5 năm ra mắt, Wonder Girls tuyên bố tạm dừng hoạt động vì giọng ca chính kiêm thủ lĩnh ban nhạc Sunye kết hôn. Một năm sau, thành viên Sohee rời khỏi JYP Entertainment để theo đuổi sự nghiệp diễn xuất. Kể từ đó, nhóm liên tục có sự thay đổi cả về đội hình lẫn phong cách. Tuy nhiên, ở những sản phẩm sau, "gà cưng nhà JYP" không còn duy trì được sức ảnh hưởng như trước.
Từng là những thần tượng nữ được công nhận có tầm ảnh hưởng nhất thế hệ Gen 2, 2NE1 cũng phải chịu số phận tương tự Wonder Girls. Hoạt động được gần 6 năm, nhóm gặp phải biến cố lớn khi ca sĩ chính Park Bom bị cáo buộc sử dụng chất cấm. Sau thời gian gián đoạn, Minzy tuyên bố rời nhóm vào tháng 4/2016. Đến tháng 11/2016, nhóm cũng tan rã.
"Tuổi thọ của một nhóm nhạc nữ chỉ kéo dài trung bình 7 năm. Có nhiều lý do để idol nữ dừng bước đường sự nghiệp sớm hơn hẳn các thần tượng khác giới như số lượng fan, sự bất bình đẳng trong xã hội cũng như áp lực về mặt tuổi tác…” - một quản lý trong nền giải trí Hàn Quốc nhận định.
Bất bình đẳng giới
Các chuyên gia chỉ ra bất bình đẳng giới ở Kpop là một trong những vấn đề được người hâm mộ trong nước và quốc tế quan tâm.
Theo Allkpop, bất bình đẳng giới hay còn gọi là chủ nghĩa nam quyền, được thể hiện dưới nhiều góc độ. Trong đó, nữ idol luôn bị chỉ trích gay gắt hơn đồng nghiệp nam là ví dụ điển hình.
Khi KARA còn hoạt động, thành viên Gyuri bị khán giả chỉ trích nặng nề khi cô tự nhận bản thân là “nữ thần” trên sóng truyền hình.
Họ cho rằng nữ idol bị mắc bệnh công chúa và tự kiêu quá đà. Thời điểm đó, Gyuri đã tạo nên làn sóng tranh cãi suốt thời gian dài.
Trong khi đó, mọi thứ ngược lại đối với các idol nam. Điển hình Heechul (Super Junior), anh luôn tự tin bản thân phù hợp với biệt danh "ngôi sao vũ trụ". Hay Jin (BTS), anh cũng không ngần ngại giới thiệu trên sóng truyền hình là "trai đẹp toàn cầu". Tuy vậy, không những không bị chỉ trích, Heechul và Jin còn khiến người hâm mộ thích thú với tính cách hài hước của họ.
Năm 2020, thành viên nhóm Red Velvet – Joy cũng từng khiến dư luận phẫn nộ khi mặc áo phông có dòng chữ ủng hộ phong trào nữ quyền, thậm chí nhiều người còn yêu cầu cô rời khỏi nhóm. Trong khi đó, thành viên BTS là Jimin và Jin lại thoải mái mặc trang phục có in cụm từ "Bình đẳng giới" và "Nữ quyền cấp tiến" của ACNE Studios nhưng lại không vướng bất cứ ý kiến trái chiều nào.
Park Yeeun - thành viên nhóm nhạc nữ nổi tiếng Wonder Girls cũng từng gây nên làn sóng phẫn nộ khi đăng bài cảm nghĩ về Kim Ji Young: Born 1982 - tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên, nói về việc phát động cuộc thảo luận bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc. Nhưng ngược lại, khi RM (BTS) chia sẻ anh đã đọc Kim Ji Young, sinh năm 1982, nam thần tượng lại được khen ngợi hết lời vì luôn ý thức và quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Khi thần tượng bị công khai chuyện hẹn hò, hầu hết dư luận đều hướng mũi chỉ trích về phía nữ giới. Trong khi đó, quan hệ tình cảm đến từ cả hai phía.
"Công chúng đối xử với những ngôi sao nữ khắc nghiệt hơn bởi xã hội Hàn Quốc có cấu trúc phân tầng lấy nam giới làm trung tâm của sự thống trị và một nền văn hóa phân biệt đối xử với phụ nữ", Kim Sujeong, giáo sư khoa học truyền thông tại Đại học Quốc gia Chungnam nói.
Quy luật hà khắc với idol nữ
“Họ đòi hỏi các nữ thần tượng Kpop phải tốt bụng, ngoan ngoãn và trưởng thành. Họ sẽ phản đối nếu idol không phù hợp tiêu chuẩn đó”, giáo sư Kim Sujeong bày tỏ quan điểm về những quy luật đặt ra cho các nữ idol Kpop.
Way - cựu thành viên nhóm nhạc nữ Crayon Pop - từng chia sẻ áp lực phải cố gắng đáp ứng theo kỳ vọng của công chúng: "Công ty yêu cầu tôi nói chuyện dễ thương với tông giọng cao hơn, bởi khán giả không thích cách nói thẳng thắn, mạnh mẽ của tôi".
Cũng vì những tiêu chuẩn đặt ra cho các idol nữ, Kpop dần trở nên bão hòa với hình tượng nhóm nhạc theo phong cách dễ thương, bị cho là một màu, nhàm chán. Các công ty quản lý đều tạo ra nhóm nhạc trùng nhau về ý tưởng concept trong sáng, đáng yêu. Điều này khiến việc nhận diện thương hiệu riêng của từng nhóm càng trở nên khó khăn.
Một số nhóm nhạc mang phong cách khác biệt như 2NE1, EXID, Sistar… với hình tượng cá tính, quyến rũ tạo được sự chú ý ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, họ lại gặp khó khăn trong việc duy trì hình tượng này tại quê nhà. Điển hình là việc idol nữ thường xuyên bị cấm sóng vì trang phục hay vũ đạo không phù hợp.
Là một trong những idol hiếm hoi theo đuổi hình ảnh gợi cảm, dù gặt hái không ít thành công, HyunA vẫn không nhận được nhiều thiện cảm của khán giả xứ Hàn. Việc ăn mặc gợi cảm, trình diễn vũ đạo quyến rũ khiến cô không ít lần trở thành tâm điểm chỉ trích. Trong khi đó, việc nam thần tượng cởi áo, khoe cơ bụng… lại được khán giả cổ vũ nhiệt tình.
Theo Koreaboo, trong môi trường khắc nghiệt như Kpop, thần tượng nữ là đối tượng chịu nhiều áp lực nhất. Bởi chỉ một khuyết điểm nhỏ về ngoại hình, sơ suất trong cách ứng xử… họ đều có thể trở thành tội đồ.
Phần lớn khán giả chỉ chú trọng ngoại hình thay vì tài năng của ca sĩ. Một số thần tượng có ngoại hình kém sắc trở thành mục tiêu công kích của netizen Hàn.
Cựu thành viên nhóm G-Friend – Umji cũng từng trải qua hoàn cảnh như vậy. Ngay khi vừa ra mắt, cô đã gắn liền với biệt danh “thần tượng xấu xí nhất lịch sử Kpop”. Điều này khiến nữ ca sĩ tự ti đến mức không dám ngẩng đầu khi biểu diễn.
Bên cạnh đường nét khuôn mặt, cân nặng cũng là áp lực lớn được đặt ra với các nữ thần tượng. Điều này khiến vấn đề tăng cân luôn ám ảnh các sao nữ. Để giữ hình tượng đẹp, nhiều nghệ sĩ phải tuân thủ chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Eunji (Apink) từng bị chỉ trích thậm tệ vì đôi chân to cũng như khuôn mặt bầu bĩnh. Để giảm cân, cô buộc phải uống thuốc để hạn chế cơn thèm ăn. Kết hợp với tập luyện, giọng ca chính Apink đã có được thân hình đáng mơ ước. Tuy nhiên, hệ lụy kéo theo là tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giọng hát không còn nội lực như trước.
Trưởng nhóm TWICE cũng từng bày tỏ nỗi ám ảnh nặng nề về cân nặng và ngoại hình đeo bám cô từ thời còn làm thực tập sinh. Sau khi ra mắt, Jihyo bị chê là "lỗ hổng visual" của TWICE, thậm chí phải chịu sự ghẻ lạnh của fan.
Lượng fan và tuổi tác
Theo giới chuyên môn, yếu tố quyết định sự thành bại của một nhóm nhạc Kpop phụ thuộc vào người hâm mộ. Trong đó, số lượng và mức độ trung thành của fan đã chỉ ra những điểm bất lợi của các idol nữ ở Kpop.
Thực tế, số lượng người hâm mộ nhóm nam luôn đông đảo hơn nữ. Khi nói về các fandom hùng mạnh nhất Kpop, Big Bang, TVXQ, BTS hay EXO sẽ là những cái tên được xếp hạng đầu tiên. Điều này có thể dễ dàng nhận ra trong các buổi biểu diễn hay ký tặng của các nghệ sĩ, fan Kpop tham gia hầu hết đều là nữ giới.
Cũng nhờ lượng fan nữ đông đảo, các nhóm nhạc nam thường được tin tưởng và bênh vực khi gặp scandal.
Điển hình trường hợp của Big Bang, dù bê bối liên tiếp xảy ra với các thành viên, từ Dae Sung lái xe gây tai nạn, G-Dragon và T.O.P sử dụng chất cấm đến Seungri bị bắt giam vì loạt hành vi trái phép, họ vẫn được các fan tha thứ và tiếp tục ủng hộ sau nhiều năm.
Trái lại, với trường hợp của 2NE1, trong lúc sự nghiệp đang trên đà phát triển, một thành viên của nhóm là Park Bom vướng scandal dùng chất kích thích. Sự việc này khiến hoạt động của nhóm bị trì trệ, dẫn đến sự tan rã của 2NE1 không lâu sau đó.
Vì số lượng fan nữ đông đảo, các nam idol thường có doanh thu tiêu thụ đĩa và bán vé tour diễn cao hơn hẳn. Bởi lẽ fan nữ là những người chịu khó tìm tòi, theo dõi và ủng hộ các hoạt động của idol nam. Trong khi fan nam thường không mấy quan tâm đến những vấn đề đó. Do vậy, công ty quản lý sẽ hạn chế các đợt comeback của idol nữ mà tập trung phát triển cho thần tượng nam.
Một điểm bất lợi nữa mà các idol nữ thường xuyên gặp phải là việc thường xuyên bị fan nam quấy rối.
Tzuyu (TWICE) cũng từng gặp trường hợp này trong buổi ký tặng của TWICE. Lợi dụng đám đông, một fan nam đã cố ý đặt camera xuống dưới váy của em út TWICE. Một số thành viên trong nhóm còn từng bị fan động chạm công khai. Thỉnh thoảng, họ cũng bị fan nam theo về tận cổng ký túc xá.
Đặc biệt, vấn đề tuổi tác được đánh giá là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất với các idol nữ Kpop. Khi đến độ tuổi nhất định, các idol nữ không còn phù hợp với quy chuẩn của người hâm mộ về cả ngoại hình lẫn khả năng.
Bởi vậy, họ thường mong muốn một công việc khác ổn định và ít cạnh tranh hơn nghề ca sĩ. Đây cũng là lý do mà không ít thành viên rời SNSD và không tái ký hợp đồng với SM dù sự nghiệp của họ đang phát triển thuận lợi.
- Quán quân Britain's Got Talent bị chỉ trích (05-Jun-2024)
- Fan Kpop bị coi thường (04-Jun-2024)
- aespa tung tạo hình Y2K để 'Nhật tiến', liệu có làm nên chuyện? (04-Jun-2024)
- Công ty giải trí dàn dựng sự cố sân khấu để khoe trình hát live của nghệ sĩ (31-May-2024)
- Sự kiện của TEMPEST ở nước ngoài bị hủy, Hanbin nhắn tin xin lỗi người hâm mộ (31-May-2024)
- Nhóm nhạc Hàn gây tranh cãi tại Britain's Got Talent (31-May-2024)
- Vấn nạn tình dục hóa thần tượng nữ ở Kpop (29-May-2024)
- aespa nói về phát ngôn 'giẫm đạp' của chủ tịch HYBE, tiết lộ mối quan hệ với NewJeans (28-May-2024)
- 'TP HCM thiếu hạ tầng để nghệ sĩ quốc tế biểu diễn' (24-May-2024)
- Báo động nạn fan Kpop bị lợi dụng bòn rút tiền (22-May-2024)