Ngập tràn cảnh ăn nhậu trên phim Hàn
Việc nhà sản xuất đề cao tính chân thực làm gia tăng sự xuất hiện của cảnh uống rượu trên sóng truyền hình Hàn. Điều này dấy lên lo ngại về cách công chúng nhìn nhận rượu.
Ngày 1/3, The Korea Times đưa tin phân cảnh uống rượu đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên sóng truyền hình Hàn Quốc. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu có thể cho phép phát sóng quá nhiều cảnh uống rượu trong các bộ phim truyền hình và chương trình giải trí hay không.
Theo The Korea Times, việc hình ảnh uống rượu xuất hiện với tần suất phổ biến trên TV phản ánh "sự tôn trọng tính thực tế" đang gia tăng của các đơn vị sản xuất nội dung giải trí và phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, điều này cũng làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng tiêu cực của sóng truyền hình lên cách khán giả nhìn nhận đồ uống có cồn.
Sự gia tăng của cảnh uống rượu
Tháng 10/2021, chương trình Paik's Spirit với sự chủ trì của ngôi sao ẩm thực Paik Jong Won chính thức lên sóng. Qua mỗi tập, Paik Jong Won cùng khách mời trò chuyện về cuộc sống trong khi dùng bữa và uống rượu. Han Ji Min, người xuất hiện với tư cách khách mời tại tập hai, tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn phát hành sau đó rằng cô cảm thấy bớt áp lực khi uống rượu trước ống kính trong chương trình.
"Tôi sẽ do dự về việc xuất hiện ở chương trình nếu nó được phát sóng trên một trong ba đài truyền hình lớn. Nhưng vì đó là nền tảng OTT, nên tôi cảm thấy mình có thể sống thật với bản thân hơn", cô chia sẻ.
Sự phát triển của OTT và truyền hình cáp đã làm thay đổi cách phim ảnh và chương trình giải trí miêu tả rượu. Work Later, Drink Now - bộ phim dự định thực hiện mùa hai trong năm nay - kể về 3 người bạn thân cùng gặp gỡ nhau để uống rượu sau giờ làm việc mỗi ngày. Sau khi lên sóng, bộ phim nhận phản hồi tích cực nhờ cốt truyện, cách xây dựng nhân vật mang tính chân thực.
"Uống nhiều rượu gây hại cho cơ thể, nhưng bạn có thể thả lỏng bản thân một chút khi uống rượu, ít nhất một lần trong đời. Không ai có cuộc sống hoàn hảo cả", Wi So Young, biên kịch của bộ phim, chia sẻ.
Cảnh uống rượu gần như xuất hiện tại mọi bộ phim truyền hình Hàn Quốc lấy chủ đề cuộc sống thường ngày. Một số cái tên điển hình trong thời gian gần đây gồm Thirty Nine, Hometown Cha-Cha-Cha, Nevertheless, Our Beloved Summer...
Rượu thậm chí đóng vai trò như chủ đề chính của một số chương trình giải trí đang lên sóng.
Drinking Friends, chương trình talk show bắt đầu phát hành từ tháng 12/2021 trên iHQ, mời người nổi tiếng tới chương trình để chia sẻ về bài học cuộc sống trong khi uống rượu. Local Table, chương trình khởi chiếu từ tháng 2 trên đài MBC, nói về việc người nổi tiếng đi du lịch, uống rượu và thưởng thức các món ăn địa phương.
Mối lo ngại xoay quanh cảnh uống rượu
Theo Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc (KCSC), không có quy tắc nào là cố định, không thể thay đổi liên quan đến cảnh uống rượu trên sóng truyền hình. Các quy định nêu rõ rằng "uống rượu, hút thuốc, hành động đầu tư với rủi ro cao và chi tiêu xa hoa" cần được thể hiện một cách thận trọng để không "lãng mạn hóa hoặc khuyến khích" những hành vi nói trên.
Sự đồng tình của công chúng cũng là yếu tố quan trọng trong các quyết định của Ủy ban Tiêu chuẩn Truyền thông Hàn Quốc.
Chia sẻ với The Korea Herald, một quan chức tại ủy ban cho biết trong xã hội tồn tại quan niệm phổ biến rằng rượu là điều cần thiết để giải tỏa căng thẳng và tạo dựng mối quan hệ xã hội. Do vậy, phân cảnh uống rượu hoặc cách mô tả hài hước về cơn say hiếm khi bị đánh giá là "không phù hợp" để phát sóng.
Viện Nâng cao Sức khỏe Hàn Quốc đã theo dõi 219 bộ phim truyền hình (1.787 tập) được xem nhiều nhất và 438 chương trình thực tế (1.739 tập) nổi tiếng lên sóng vào năm 2021. Trung bình, mỗi tập của phim truyền hình hoặc chương trình thực tế sẽ chứa 2, 3 cảnh liên quan đến rượu.
Viện Nâng cao Sức khỏe Hàn Quốc khẳng định cách sóng truyền hình miêu tả nhân vật sử dụng đồ uống có cồn tạo ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ của người xem. Điều này được chứng minh sẽ làm gia tăng sự chấp nhận của xã hội đối với việc sử dụng rượu, đồng thời làm tăng cảm giác thèm uống rượu.
Theo một cuộc khảo sát do viện thực hiện, 47% trong số 1.057 người được hỏi, với độ tuổi nằm trong khoảng từ 20-64 tuổi, trả lời rằng họ muốn uống rượu sau khi theo dõi cảnh uống rượu trên TV.
Kang Chang Bum, một quan chức tại Viện Nâng cao Sức khỏe Hàn Quốc, cho biết mô tả cảnh uống rượu đang trở nên phổ biến trên các nền tảng OTT và phương tiện truyền thông xã hội vì họ có ít quy định hạn chế hơn. Tuy nhiên, cảnh uống rượu có nguy cơ lãng mạn hóa hoặc khuyến khích người xem uống nhiều rượu, và chúng thường liên quan đến nội dung khiêu dâm hoặc bạo lực.
Nhóm nghiên cứu tại Viện Nâng cao Sức khỏe Hàn Quốc đề xuất rằng sự can thiệp của chính phủ thông qua chính sách công là cần thiết.
"Hiện tại, các chính sách của chính phủ nhằm giảm bớt hậu quả tiêu cực do uống rượu bia đang tập trung vào thay đổi nhận thức của công chúng về uống rượu quá mức. Chính phủ nên can thiệp, điều chỉnh những cách miêu tả không phù hợp về việc uống rượu trên phương tiện truyền thông", Kang Chang Bum khẳng định.
- Khánh Dư Niên 2 quá xuất sắc nhưng vẫn thua Trường Tương Tư, Dữ Phượng Hành ở điểm này (27-May-2024)
- Phim mới vừa lên sóng, Dương Mịch đã bị 'em gái ruột' hạ knock out (24-May-2024)
- Ảnh cưới chưa từng công bố của Kim Soo Hyun và Kim Ji Won trong 'Nữ hoàng nước mắt' (23-May-2024)
- Vắng Tiêu Chiến, 'Khánh dư niên 2' vẫn phá mốc 15 triệu lượt đặt trước (14-May-2024)
- 'The Lord of the Rings' có phần mới (10-May-2024)
- 'Nữ hoàng nước mắt' lập kỷ lục rating, đánh bại 'Hạ cánh nơi anh' (02-May-2024)
- Nhan sắc nữ chính phim ngôn tình đang gây sốt (20-Apr-2024)
- Phim của Bạch Lộc, Triệu Lộ Tư bị chê cười khi tranh giải Bạch Ngọc Lan (15-Apr-2024)
- 'Nữ hoàng nước mắt' có thêm tập đặc biệt (10-Apr-2024)
- 'Cô đi mà lấy chồng tôi' kết thúc trọn vẹn, rating cao kỷ lục (21-Feb-2024)