Truyền hình

Chuyên Mục

Webtoon - ngành công nghiệp tỷ USD của Hàn Quốc


Nhiều webtoon - truyện tranh mạng - của Hàn Quốc được chuyển thể thành phim gây tiếng vang trên thế giới.


Hellbound - phim kinh dị giả tưởng của Hàn Quốc - từng gây sốt toàn cầu khi phát sóng hồi tháng 11/2021. Phim đứng đầu Netflix toàn thế giới, được giới phê bình đánh giá tích cực, xếp loại "tươi" với 97% trên Rotten Tomatoes. Tác phẩm được khen có cốt truyện độc đáo. Trước đó, Tầng lớp Itaewon - kể về cuộc đời nghiệt ngã của Ro Yi (Park Seo Joon đóng), kẻ thất học, tù tội thành ông chủ đế chế ẩm thực Hàn Quốc - cũng "gây bão" châu Á. Hai tác phẩm đều có kịch bản chuyển thể từ webtoon (truyện tranh trên mạng).

Số liệu của cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) công bố hôm 24/12/2021, thị trường webtoon nước này đạt 1.105 tỷ won (843,6 triệu USD) trong năm 2020, tăng 64,5% so với năm trước. Trong đó, các nền tảng phát hành đạt doanh thu 519,1 tỷ won, công ty sản xuất kiếm được 534,7 tỷ won. Theo The Korea Times, lần đầu tiên doanh thu hàng năm toàn ngành vượt ngưỡng nghìn tỷ won kể từ 2017 - khi bắt đầu tổng hợp dữ liệu về lĩnh vực này. Tờ báo nhận định doanh thu năm 2021 tăng cao, vượt mốc 1.200 tỷ won (một tỷ USD).

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết webtoon đang cho thấy tiềm năng trở thành ngành công nghiệp tiếp theo thúc đẩy làn sóng hallyu đi khắp thế giới, sau Kpop, phim ảnh. Ra đời năm 2003, hiện Hàn Quốc có hơn 14.000 tác phẩm, 9.900 người sáng tạo, theo dữ liệu từ Webtoon Analysis Service.

Chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình là lý do thúc đẩy webtoon phát triển. Theo The Korea Times, các nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch Hàn Quốc ngày càng chuộng truyện tranh mạng nhờ cốt truyện hấp dẫn, đa dạng thể loại từ chính kịch, gia đình, hài, lãng mạn, hành động, ly kỳ và kinh dị... Năm 2020, có 11 phim được chuyển thể từ truyện, năm 2021 tăng lên 29 phim. Ngoài Tầng lớp Itaewon, Hellbound, nhiều tác phẩm gây tiếng vang như Cheese In The Trap, DP, Healer, Thư ký Kim sao thế...

Phim về đề tài zombie Ngôi trường xác sống - dự kiến công chiếu hôm 28/1 - được chuyển thể từ truyện tranh mạng nổi tiếng Now at Our School của Joo Dong Geun. A Business Proposal của đài SBS làm lại từ bộ The Office Blind Date, dự kiến ra mắt vào tháng 2. Lee Hee Youn - người đứng đầu bộ phận IP Business của Naver Webtoon - cho biết dự kiến có 20 tác phẩm của Naver được lên phim trong năm 2022.

Người phát ngôn của Rakuten Viki - nền tảng stream video - nói trên Newsweek: "Webtoon thu hút lượng độc giả trẻ tuổi, những người nắm bắt được nhịp đập của văn hóa đại chúng và truyền thông xã hội. Nắm bắt điều đó, các nhà sản xuất bắt đầu chuyển thể các bộ truyện thành phim với kỳ vọng thành "bom tấn" trên toàn cầu".

Đại diện nhà sản xuất Studio Dragon nhận định: "Đặc điểm nổi bật của phim truyền hình Hàn Quốc hiện nay là gồm nhiều thể loại, cốt truyện gay cấn, hấp dẫn. Điều này giúp thu hút nhiều khán giả trên toàn thế giới. Những thay đổi này được thúc đẩy một phần nhờ các bộ truyện".

Poster bộ truyện "Now at Our School". Ảnh: Naver

Trên Yonhap News, các chuyên gia cho rằng phim truyền hình có thể thu hút khán giả đến webtoon và ngược lại. Jang Min Gi - Giáo sư truyền thông tại Đại học Kyungnam - nhận xét: "Bất cứ khi nào phim chuyển thể từ truyện được phát hành, khán giả thích so sánh với nội dung gốc. Khi truyện ra đời dựa trên phim truyền hình cũng vậy". Theo Naver Webtoon, lượt xem truyện Hellbound tăng gấp 22 lần kể từ khi phim lên sóng vào ngày 19/11/2021.

Nhiều tác giả truyện chọn phim truyền hình làm cảm hứng sáng tạo. Ví dụ bản truyện tranh từ Happiness của đài tvN, Our Beloved Summer của SBS.

Trước đây, các ca sĩ Hàn Quốc thường chỉ hát nhạc phim truyền hình hoặc điện ảnh, gần đây, họ lấn sân sang webtoon. Bộ The moon that rises in the Day thu hút chú ý với ba bản nhạc nền: I'll talk to you của Gummy, Back in time của K.Will và The one and only you do Sandeul (B1A4) trình bày. Cựu thành viên Sistar - Soyou hát bài Breath cho Morning Kiss at Tiffany's. "Nhạc phim giúp người xem đắm chìm vào truyện tranh. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực mới để khám phá những cách khác nhau để giải trí cho mọi người", Lee Hee Youn của Naver Webtoon nói.

Nhiều công ty Kpop, sáng tạo nội dung, trò chơi đẩy mạnh tham gia vào thị trường webtoon, theo The Korea Times. Hôm 15/1, Hybe - công ty chủ quản của BTS - phát hành bộ truyện tranh lấy cảm hứng từ BTS mang tên 7Fates: Chakho. Tác phẩm thuộc thể loại giả tưởng, bảy thành viên của nhóm hóa thân chakhogapsa - người săn hổ từ triều đại Joseon. Họ kết hợp để chiến đấu, trả thù cho người thân. Webtoon có 10 ngôn ngữ, đạt hơn 15 triệu lượt xem chỉ sau hai ngày phát hành. Trên các diễn đàn, mạng xã hội người hâm mộ khen ngợi truyện có nội dung hấp dẫn, hình ảnh đẹp.

Ngoài 7Fates: Chakho, Hybe cho ra mắt hai truyện tranh có sự góp mặt của các nghệ sĩ: Dark Moon: The Blood Altar của Enhypen và The Star Seekers của TXT.

Poster webtoon của BTS. Ảnh: Hybe

Các nhà sản xuất trò chơi cũng tham gia vào thị trường để mở rộng vũ trụ và nhân vật của họ. Tháng 11/2021, công ty Krafton phát hành ba webtoon 100, Silent Night và The Retreats lấy cảm hứng từ game chiến đấu sinh tồn Pubg: Battlegrounds của họ.

Giáo sư Jang Min Gi nói trên Yonhap News: "Ranh giới khắt khe trước đây giữa các thể loại giải trí như webtoon, phim truyền hình, âm nhạc đang dần biến mất nhờ sự phát triển của công nghệ. Mỗi loại nội dung đều được mở rộng và sử dụng ở nhiều định dạng khác nhau. Điều này thúc đẩy ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc phát triển mạnh hơn".

Theo Vnexpress