Âm nhạc

Chuyên Mục

Đĩa nhạc Kpop biến thành rác thải


Việc người hâm mộ Kpop vứt bỏ số lượng lớn album gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Các chuyên gia kêu gọi sự thay đổi trong ngành công nghiệp Kpop..


Ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đã trải qua một năm 2021 đầy thành công với nhiều thành tích đáng kể, đặc biệt trong số lượng album Kpop được tiêu thụ.

Báo cáo của Gaon Chart - đơn vị chuyên thu thập và phân tích dữ liệu về doanh số album Kpop - vào ngày 20/12 tiết lộ rằng có hơn 54,5 triệu bản album Kpop được bán ra trên toàn thế giới trong 50 tuần đầu tiên của năm 2021 - tăng 31% so với con số 41,7 triệu bản của năm 2020. Tổng doanh số album trong năm 2021 ước tính đạt gần 60 triệu đĩa.

Thị trường album Kpop chứng kiến sự tăng trưởng mạnh. Ảnh: Naver.

Tuy nhiên, có một lượng lớn người hâm mộ Kpop không giữ lại tất cả số đĩa họ tiêu thụ. Thực tế, công chúng không khỏi ngạc nhiên, thậm chí là phẫn nộ, trước cách fan Kpop xử lý hàng chục, đôi khi là hàng trăm, bản album thừa họ không còn sử dụng tới.

Điều này khiến khán giả và ngành công nghiệp Kpop phải đặt ra câu hỏi về tác động tiêu cực tới môi trường của thị trường mua bán đĩa cứng tại Hàn Quốc.

Album Kpop bị vứt bỏ bừa bãi

Xem xét việc nền công nghiệp Kpop bán được khoảng 10,8 triệu bản album vào năm 2016 và 24,5 triệu đĩa trong năm 2019, có thể nói thị trường này đang phát triển theo cấp số nhân. Số liệu do Tổng cục Hải quan Hàn Quốc cung cấp cho thấy trong khoảng thời gian từ tháng 1-11/2021, tổng lượng xuất khẩu của album Kpop đã tăng 50% so với năm 2020.

Đặc biệt, tại khu vực Hà Lan và Đức, thị trường đĩa cứng Hàn Quốc chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, khi mức xuất khẩu album Kpop tại hai quốc gia này lần lượt tăng 80% và 130%. Chỉ trong năm 2021, Kpop có tổng cộng 12 nghệ sĩ bán được hơn 1 triệu bản album, gồm BTS, NCT 127, NCT Dream, Seventeen, Stray Kids, Enhypen, TXT, ATEEZ, TWICE, EXO, The Boyz và Baekhyun.

Sự tăng trưởng vượt trội trong doanh số album đem lại tiềm năng phát triển lớn cho ngành công nghiệp Kpop, tuy nhiên, điều này cũng kéo theo hệ lụy khôn lường. Dưới ảnh hưởng của nhiều chiêu thức tiếp thị khác nhau, vô số người hâm mộ trung thành tại Kpop bỏ tiền mua hàng chục, nhiều khi là hàng trăm bản album cho nhóm nhạc mình yêu thích. Cuối cùng, họ quyết định vứt bỏ hầu hết lượng đĩa mình đã mua mà không có biện pháp xử lý hợp lý.

Nhằm kích cầu doanh thu bán hàng, một cuốn album thường bao gồm phiếu rút thăm để nhận vé tham dự sự kiện gặp gỡ thần tượng, kèm theo đó là vài tấm ảnh thẻ (photocard) với hình các thành viên trong nhóm. Ảnh thẻ này được phân phát một cách ngẫu nhiên.

Với mong muốn gia tăng cơ hội tham dự buổi gặp mặt thần tượng - điều cộng đồng người hâm mộ Kpop thường ví như "trúng xổ số" - và có được ảnh thẻ của thành viên mình yêu thích, một số fan cảm thấy họ cần mua càng nhiều album càng tốt.

Sau khi bị vứt bỏ, những bản album thừa sẽ trở thành rác thải nhựa. Trên cộng đồng trực tuyến và nền tảng mạng xã hội, không ít người dùng Hàn Quốc lên tiếng phàn nàn về việc hàng loạt thùng giấy chứa đầy album Kpop bị vứt bỏ một cách bừa bãi trên đường phố.

Nhiều album Kpop bị vứt bỏ một cách bừa bãi trên đường phố. Ảnh: Naver.

"Album Kpop ngày nay được thiết kế một cách công phu để tạo ra giá trị sưu tầm, điều này khiến mỗi bản album trở thành sự kết hợp giữa nhựa, giấy và vải. Trên thực tế, số album này không thể đem đi tái chế", Lee Jai Young - giáo sư ngành kỹ thuật môi trường tại Đại học Seoul, chia sẻ với Korea Joong Ang Daily.

Giáo sư Lee cho rằng mấu chốt của vấn đề không nằm ở việc một người hâm mộ mua bao nhiêu album, mà nằm ở cách họ xử lý phần album thừa của mình. Nếu họ giữ chúng lại hoặc có phương pháp sử dụng, chuyển nhượng thích hợp lượng lớn đĩa CD sẽ không bị loại bỏ và biến thành rác thải không thể tái chế.

"Dựa trên góc độ môi trường, sự phát triển của thị trường tiêu thụ đĩa cứng, kèm theo đó là hiện tượng mua quá mức bình thường, là điều không tốt chút nào", giáo sư Lee nhận xét.

Cuộc cạnh tranh giữa các fandom

Nhà phê bình nhạc pop Jung Min Jae, người cũng là thành viên của ủy ban tuyển chọn tại giải thưởng âm nhạc thường niên Korea Music Awards, cho biết: "Doanh số đĩa CD đang giảm đều trên toàn cầu, nhưng lượng CD Kpop được bán ra vẫn tiếp tục tăng. Dù sự phát triển của ngành công nghiệp Kpop là điều đáng mừng, chúng ta không thể chỉ nhìn nhận lượng tiêu thụ CD theo hướng tích cực".

Doanh số album Kpop hiện tại, sau khi xem xét cả yếu tố xuất khẩu, không tỷ lệ thuận với dân số hoặc quy mô thị trường tại Hàn Quốc, theo nhà phê bình Jung. "Chỉ có một số album bán được hơn 1 triệu bản mỗi năm tại Mỹ. Nếu không có hiện tượng mua CD theo số lượng lớn, ngay cả những album Kpop nổi tiếng nhất cũng thường chỉ bán được khoảng 100.000 bản, dựa theo quy mô thị trường thực tế", nhà phê bình Jung nhận định.

Sau khi các sự kiện gặp gỡ thần tượng chuyển sang hình thức gọi điện video một đối một do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngay cả người hâm mộ nước ngoài cũng bắt đầu mua album Kpop với số lượng lớn để giành cơ hội tham dự fansign (buổi gặp mặt và ký tặng) trực tuyến.

Để đăng ký tham gia fansign, người hâm mộ cần mua album từ một số trang web nhất định. Vì các bước chủ yếu được thực hiện trên mạng Internet, một số người hâm mộ thậm chí không muốn nhận số album họ đã đặt, do không có đủ khả năng tích trữ lượng lớn đĩa cứng tại nhà.

Thực tế, trong vài tuần đầu tiên sau khi một album mới được phát hành, nhiều nghệ sĩ và cửa hàng băng đĩa cung cấp tùy chọn không nhận bản đĩa cứng cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc các cửa hàng băng đĩa sẽ giữ lại album hộ khách hàng. Người hâm mộ chi tiền để mua album, nhưng họ không nhận bất kỳ bản album nào.

Một số cửa hàng băng đĩa cung cấp lựa chọn không nhận đĩa cứng cho khách hàng. Ảnh: Naver.

Doanh số bán hàng trong tuần đầu tiên tính từ khi album ra mắt - thường được gọi là "doanh số album tuần đầu" hoặc "chodong", thuật ngữ vốn xuất phát từ giới thần tượng Nhật Bản - được coi như thước đo quan trọng để đánh giá mức độ nổi tiếng của nghệ sĩ và lòng trung thành của người hâm mộ. Do vậy, các fandom (cộng đồng người hâm mộ nghệ sĩ) thường tỏ ra cạnh tranh trong việc thiết lập kỷ lục doanh số album mới cho nghệ sĩ yêu thích của mình.

Không nên trách người hâm mộ?

"Chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho người hâm mộ về việc mua album số lượng lớn, nhưng tôi không nghĩ người hâm mộ nên trở thành mục tiêu chỉ trích. Khi hệ thống vận hành cơ bản của Kpop khuyến khích họ mua thật nhiều album, chúng ta không thể trách người hâm mộ vì muốn gặp mặt thần tượng họ rất yêu quý, hoặc cố gắng có được tấm ảnh thẻ của một thành viên họ yêu thích. Xem xét dưới góc độ của người hâm mộ, họ không có sự lựa chọn nào khác", nhà phê bình Jung bày tỏ.

Kể từ tháng 12/2021, YG Entertainment - một trong số công ty giải trí lớn nhất Kpop - bắt đầu cho thấy những bước tiến đầu tiên trong việc giảm bớt ảnh hưởng xấu của thị trường đĩa cứng lên môi trường. Cụ thể, YG thông báo rằng kể từ giờ trở đi, mọi album của nghệ sĩ trực thuộc công ty sẽ sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Album đầu tiên tại YG được áp dụng phương thức này là To Infinity của nam ca sĩ Mino (Winner).

Yi Bo Young, trưởng nhóm sản xuất và tiếp thị của YG Entertainment, cho biết họ bắt đầu lựa chọn loại giấy thân thiện với môi trường được chứng nhận bởi Hội đồng Quản lý rừng, cũng như giấy sử dụng ít chlorine hơn trong quá trình tẩy trắng bột giấy và tạo ra ít carbon hơn.

"Chúng tôi chuyển sang sử dụng mực đậu nành và lớp phủ có thành phần chính là nước. Ngoài CD-ROM và các thành phần đóng gói nhỏ mà chúng tôi chưa thể thay thể, mọi album sắp tới sẽ giảm thiểu việc sử dụng nhựa. Kỳ vọng của chúng tôi là album sẽ trở nên dễ phân hủy sinh học hơn", Yi Bo Young chia sẻ.

Yi tiết lộ rằng quy trình sản xuất này tốn nhiều thời gian hơn, vì họ cần tìm kiếm một số loại vật liệu cụ thể. Ngoài ra, màu sắc và sản phẩm khi được hoàn thiện cũng có sự khác biệt so với phương pháp thông thường.

Yi khẳng định: "Bất chấp số lần thử nghiệm và các sai sót, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về album thân thiện với môi trường. Đặc biệt, vì nghệ sĩ BlackPink của chúng tôi là đại sứ quảng bá cho Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, chúng tôi cảm thấy bản thân ít nhất cũng phải đóng góp một chút trong công cuộc bảo vệ môi trường".

YG Entertainment quyết định sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường để sản xuất album. Ảnh: Naver.

Giáo sư Lee cho rằng quyết định đưa ra thay đổi đầu tiên nhằm tạo nên thị trường đĩa cứng có trách nhiệm hơn với môi trường là "nỗ lực mang đầy ý nghĩa", kể cả khi họ mới bắt đầu bằng việc thay thế các thành phần nhỏ.

"Tuy nhiên, về căn bản, chuyện giảm thiểu số lượng album bị vứt bỏ cũng quan trọng không kém việc CD có khả năng phân hủy sinh học cao hơn", giáo sư Lee bày tỏ.

Nhà phê bình Jung bổ sung rằng toàn bộ ngành công nghiệp Kpop phải giải quyết các vấn đề cơ bản và nhìn nhận lại chiến thuật bán hàng của họ.

"Vì hệ thống vận hành hiện tại đã trở thành tiêu chuẩn trong nhiều năm, sẽ khó có công ty giải trí nào dám đưa ra thay đổi mạnh mẽ. Các công ty phải cùng đưa ra giải pháp tập thể để ngăn chặn, hoặc ít nhất là giảm bớt, yếu tố ngẫu nhiên trong nhiều phiên bản CD khác nhau và quà tặng kèm", Jung khẳng định.

Theo Jung, ngành công nghiệp Kpop cần bắt đầu "tách CD ra khỏi sự kiện gặp mặt thần tượng và photocard". Photocard nên được bán dưới dạng hàng hóa thông thường, thay vì được phân phát một cách ngẫu nhiên trong album. Việc bán riêng vé đăng ký tham dự fansign dưới dạng trực tuyến có thể đem lại cảm giác lạ lẫm vào lúc đầu, nhưng đây là phương án tốt hơn so với chuyện lãng phí đĩa cứng.

Jung phân tích: "Rất có khả năng chúng ta sẽ bán được nhiều album Kpop hơn trong năm tới, và dựa trên hệ thống hiện tại, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều album bị lãng phí hơn. Tất nhiên, tổng doanh số album có thể sụt giảm, nhưng người hâm mộ vẫn bỏ tiền mua vé tham dự fansign riêng".

Ngành công nghiệp Kpop cần giảm bớt yếu tố ngẫu nhiên trong album. Ảnh: Naver.

Nhà phê bình Jung cho rằng công ty giải trí, cùng với người hâm mộ Kpop, cần "loại bỏ nỗi ám ảnh xoay quanh những con số, như 1 triệu bản album được bán ra hay đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng doanh số album".

Họ phải cảm thấy có trách nhiệm hơn với môi trường, qua đó đưa ra sự thay đổi.

Theo Zing News