Truyền hình

Chuyên Mục

Tranh luận về phim cổ trang Hàn Quốc


Giáo sư Ban Byung Yool lo ngại việc phim cổ trang Hàn Quốc xây dựng câu chuyện hư cấu dựa trên các triều đại có thật khiến khán giả trong nước và quốc tế hiểu sai về lịch sử.


Nhờ sự phổ biến ngày càng tăng của nội dung giải trí Hàn Quốc trên toàn cầu, các bộ phim cổ trang cũng dần thu hút nhiều khán giả quốc tế. Bộ phim cổ trang của đài KBS The King's Affection xếp thứ 4 trên bảng xếp hạng toàn cầu của nền tảng phát trực tuyến Netflix trước khi kết thúc. The King's Affection lấy bối cảnh ở triều đại Joseon (1392-1910) nhưng các nhân vật trong phim hoàn toàn hư cấu.

Kịch bản nhấn mạnh vào chuyện tình lãng mạn hơn là các sự kiện có thật. Đây cũng là xu hướng thường thấy trong các bộ phim cổ trang gần đây ở Hàn Quốc. Điều này khiến một số khán giả đặt câu hỏi mức độ "lịch sử" được áp dụng trong phim cổ trang đến mức độ nào.

Phim cổ trang tập trung vào câu chuyện hư cấu

Loạt phim đang phát sóng Secret Royal Inspector & Joy trên tvN và Moonshine trên KBS đều lấy bối cảnh thời đại Joseon nhưng không có bất kỳ nhân vật có thật nào trong lịch sử. The Red Sleeve của MBC xoay quanh cuộc đời của Vua Jeongjo (1752-1800) thuộc triều đại Joseon. Tuy nhiên, phim tập trung vào mối quan hệ cá nhân được lãng mạn hóa hơn là chuyện lịch sử.

Các bộ phim truyền hình cổ trang có yếu tố hư cấu luôn được yêu thích ở Hàn Quốc, nhưng xu hướng này càng trở nên nổi bật. Trong khi đó, các bộ phim lịch sử dựa trên tình tiết, sự kiện có thật ngày càng hiếm hoi. Thành công về mặt thương mại nhưng khán giả trong nước hầu hết coi những dự án trên đơn giản là phim truyền hình sử dụng trang phục truyền thống chứ không phải phim lịch sử.

The King's Affection được chú ý ngay khi lên sóng. Ảnh: Netflix.

Trước xu hướng trên, nhiều khán giả và giới chuyên môn lo ngại những bộ phim như vậy có thể làm thay đổi lịch sử Hàn Quốc trong mắt công chúng quốc tế.

Ban Byung Yool, giáo sư lịch sử tại Đại học Nghiên cứu nước ngoài Hankuk cho hay: "Tôi biết có những thứ như giấy phép nghệ thuật, nhưng cảm thấy hơi nghi ngờ với tư cách một nhà sử học. Khi phim truyền hình chỉ đề cập đến các nhân vật, sự kiện hư cấu, tôi sợ người xem có thể không xem trọng lịch sử và các sự kiện lịch sử".

"Tôi tin mục đích của một bộ phim cổ trang là truyền tải những bài học từ quá khứ. Ngay cả khi một số nhân vật lịch sử sống cách đây nhiều thế kỷ, nhưng những khổ nạn họ trải qua vẫn khá phổ biến và dễ liên tưởng. Câu chuyện có thật của họ có thể mang đến những thông điệp vượt thời gian. Nhưng nếu mọi thứ chỉ là hư cấu, người xem chỉ còn lại sự lãng mạn và trang phục", Ban Byung Yool nhận định.

Giáo sư Ban cũng cảnh giác với những thông tin sai lệch. Ông nói: "Tôi không nói các chương trình truyền hình phải thực tế hoàn toàn như bài báo học thuật, nhưng cần phải có mức độ chính xác lịch sử nhất định. Nếu một chương trình lấy bối cảnh những năm 1800 nhưng các nhân vật cư xử như thời hiện đại, đó là chủ nghĩa lạc hậu. Tôi lo lắng khán giả, đặc biệt người nước ngoài coi những điều được hư cấu là sự thật của lịch sử Hàn Quốc".

The Red Sleeve tăng rating qua từng tập, thậm chí vượt qua phim của Song Hye Kyo.

Giới chuyên môn tranh cãi

Mặt khác, Giáo sư Park Chan Seung thuộc Khoa Lịch sử Đại học Hanyang có quan điểm khác về vai trò của phim truyền hình cổ trang.

"Tôi mong đợi các bộ phim cổ trang quảng bá văn hóa truyền thống của Hàn Quốc hơn là lịch sử. Ngay cả bộ phim truyền hình lịch sử hư cấu cũng có ý nghĩa. Tiểu thuyết hư cấu là lựa chọn tốt hơn để tránh bóp méo lịch sử hoặc nhận những lời phàn nàn từ con cháu của các nhân vật lịch sử có thật. Điều này đã xảy ra khá thường xuyên khi người thân của họ bị miêu tả tiêu cực trong một loạt phim. Các nhân vật hư cấu cho phép nhà biên kịch tự do sáng tạo hơn nhiều", Park Chan Seung nhận định.

Park Chan Seung cũng chỉ ra phim truyền hình cổ trang giả tưởng đang là xu hướng trên toàn thế giới.

"Chúng tôi đang chứng kiến ​​hiện tượng này ở Nhật Bản và phương Tây", giáo sư nói khi đề cập đến loạt phim Bridgerton (2020).

"Không có quy tắc nào quy định phim truyền hình cổ trang phải tuân theo lịch sử chân thực. Nếu vậy, nội dung phim quá nghiêm túc và không thú vị. Do đó, khoảng thời gian lịch sử có thể chỉ đơn giản tạo tiền đề cho một câu chuyện thú vị", ông nhấn mạnh.

Jessica McLaury, một người Mỹ hâm mộ các bộ phim truyền hình cổ trang Hàn Quốc, có quan điểm tương tự khi chia sẻ với tờ Korea JoongAng Daily.

"Sự hấp dẫn của các bộ phim truyền hình cổ trang là ở trang phục thời kỳ đó," cô nói. "Chúng có thể không hoàn toàn chính xác về mặt lịch sử, nhưng điều đó làm tăng thêm cảm giác ma thuật. Thật thú vị khi có được cái nhìn thoáng qua như trong tưởng tượng về Hàn Quốc xưa và một quá khứ lãng mạn. Nó tương tự cách mọi người thưởng thức thời kỳ hư cấu trong Downton Abbey (2010-2015). Các bộ phim truyền hình lịch sử của Anh và Mỹ cũng lãng mạn hóa quá khứ rất nhiều và không chính xác lắm về thực tế", cô nói.

Đáp lại quan điểm trên, Giáo sư Ban tin rằng lịch sử đích thực cũng có thể là tư liệu thú vị cho K-drama. Tears of the Dragon (1996-1998) và Jeong Do Jeon (2014) thường được nhắc đến như những ví dụ điển hình. Theo giáo sư, những bộ phim đó đã giúp người xem hiểu về một thời đại lịch sử và người sống qua thời kỳ đó.

Trước những tranh cãi về phim cổ trang, nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun cho rằng phim ảnh là để giải trí. Do đó, chân thực hay hư cấu thì điều quan trọng nhất trong phim cổ trang vẫn là nội dung hấp dẫn.

Secret Royal Inspector & Joy đang lên sóng do Taecyeon và Kim Hye Yoon đảm nhận vai chính. Ảnh: tvN.

“Squid Game đã thành công vang dội và khiến mọi người xem nhiều chương trình Hàn Quốc hơn. Trước đó, nhiều khán giả toàn cầu đã quen thuộc với vương triều Joseon nhờ bộ phim truyền hình về xác sống là Kingdom. Vì vậy, phim cổ trang Hàn Quốc chắc chắn có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, điều này giải thích tại sao The King's Affection đang phổ biến trên toàn thế giới”, Jeong Deok Hyun nói.

“Vấn đề là, hầu hết khán giả nước ngoài không đủ hiểu biết để đánh giá liệu một phim truyền hình có chính xác về mặt lịch sử hay không. Vì vậy điều quan trọng nhất đối với họ là cốt truyện thú vị như thế nào. Thậm chí nhiều khán giả trong nước am hiểu lịch sử Hàn Quốc cũng chia sẻ quan điểm như vậy. Ưu tiên của một bộ phim truyền hình là để giải trí, không phải dạy lịch sử. Chân thực hay hư cấu, điều quan trọng là mức độ hiệu quả của một bộ phim truyền hình", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, Jeong Deok Hyun chỉ ra việc tạo câu chuyện tình yêu lãng mạn trong phim cổ trang cũng khiến các chủ đề thông thường bớt sáo rỗng hơn. Ông giải thích chủ đề tình yêu bị cấm đoán đã được sử dụng quá nhiều trong các bộ phim truyền hình hiện đại. Đến nỗi người xem phát ngán.

Nhưng nếu thay đổi bối cảnh về triều đại Joseon với các tầng lớp xã hội cứng nhắc. Khi đó chuyện tình yêu bị ngăn cấm trở nên thuyết phục và kịch tính hơn khi có nhiều rào cản cao hơn để nhân vật vượt qua. Do đó, lãng mạn là một yếu tố tuyệt vời cho các cốt truyện lịch sử.

Theo Zing News