Lý do Văn Mai Hương thắng Erik và Liz Kim Cương
Trong cuộc đua âm nhạc với Erik và Liz Kim Cương, Văn Mai Hương chiến thắng với "Mưa tháng sáu". Sản phẩm này đang viral trên thị trường.
Sau thành công với các bản hit Cầu hôn, Hương và phát hành được một album có chất lượng ổn, Văn Mai Hương cùng Hứa Kim Tuyền trở thành một cặp bài trùng. Điều này có thể trở thành con dao hai lưỡi. Một mặt, nó khiến cho cả 2 có sự thấu hiểu nhau sâu sắc, giúp cho quá trình làm việc trở nên dễ dàng, khai thác tối đa điểm mạnh của đối phương. Nhưng mặt khác, trải qua quá nhiều sản phẩm chung, sự sáng tạo và mới mẻ của bộ đôi này có thể suy giảm.
Mưa tháng sáu là sản phẩm âm nhạc mới nhất đến từ cặp đôi Văn Mai Hương - Hứa Kim Tuyền. Tuy nhiên, lần này họ mời thêm sự góp mặt của 2 giọng hát nam Grey D và Trung Quân.
Có thêm màu sắc mới mẻ
Điểm đáng khen ở Mưa tháng sáu là việc cùng khai thác chất liệu ballad, nhưng ở đây Hứa Kim Tuyền, Văn Mai Hương cùng ekip sản xuất đã mang đến nhiều thứ khác biệt so với sản phẩm gần nhất là Một ngàn nỗi đau. Một ngàn nỗi đau là một bản pop ballad hết sức cơ bản tại Vpop với tiếng piano rải đều từ đầu đến cuối, tiết tấu chậm rãi, giai điệu từ tốn êm đềm. Cách hát của Văn Mai Hương ở đây cũng rất dễ đoán khi hát nhẹ nhàng, thiên về mixed voice ở nửa đầu và belting bùng nổ ở nửa sau - phương thức xử lý có thể bắt gặp trong rất nhiều các ca khúc của những giọng ca có thực lực.
Đến với Mưa tháng sáu, mọi thứ đã có sự thay đổi, không còn quen thuộc như vậy nữa. Vẫn trên nền một sáng tác ballad, người đảm nhiệm khâu phối khí là Nguyễn Thanh Bình đã sử dụng nhiều nhịp điệu hơn để hướng bài hát sang R&B. Tiếng kick được rải đều xuyên suốt bài hát để khiến cho bài có tốc độ nhanh hơn, tiếng mưa rơi cũng được đặt rất nhẹ nhàng ở phía sau để tăng cường thêm phần cảm xúc cho bài.
Cách hát của Văn Mai Hương cũng được thay đổi cho phù hợp hơn với bản phối. Ở đây ta không thấy cô belting khoe giọng nội lực như trong các ca khúc khác, thay vào đó là cách hát nhẹ nhàng sử dụng mixed voice từ đầu đến cuối. Điều đó là lựa chọn phù hợp với một bản phối không có sự thay đổi quá nhiều, khiến cho bài hát có sự liền mạch và không sa đà vào việc phô diễn giọng hát.
Tuy nhiên, để tạo thêm điểm nhấn, đội ngũ sản xuất cũng tinh tế mời thêm 2 giọng ca Grey D và Trung Quân góp giọng. Grey D đem đến một verse hát ở nửa sau của bài, còn Trung Quân lại đảm nhiệm câu hát kết bài. Khi Văn Mai Hương không thay đổi cách hát, sự thêm thắt 2 chất giọng khác biệt là điều khá cần thiết để bài hát giữ được sự thu hút. Grey D và Trung Quân cũng mang đến những phần trình diễn nhẹ nhàng, không trưng trổ giọng hát hay hát vượt quãng giọng, nên nhìn chung toàn bộ bài hát vẫn giữ được nhịp điệu không bị chệch hướng.
Ổn định nhưng chưa đột phá
So với chính Văn Mai Hương, Mưa tháng sáu có sự khác biệt và mới mẻ. Tuy nhiên, khi đặt vào thị trường, bài hát thiếu sự bất ngờ và thậm chí khiến khán giả liên tưởng đến nhiều ca khúc khác nhau từ Trung Quốc đến Hàn Quốc.
Điều đó được Hứa Kim Tuyền giải thích rằng do các ca khúc này đều sử dụng cùng một vòng hòa thanh. Tuy nhiên, cũng không thể trách khán giả có sự liên tưởng khi ekip sản xuất cũng chưa hoàn toàn bứt phá ra khỏi khuôn khổ làm nhạc. Đồng ý rằng các bài hát có sự tương đồng do có cùng vòng hòa thanh, nhưng ekip sản xuất thậm chí còn khắc sâu yếu tố giống nhau đó bằng việc sử dụng cách sản xuất tương đồng với hiệu ứng mưa rơi, tiếng piano đan cài nhịp kick - cách làm quen thuộc của nhạc ballad Hàn Quốc thập niên 2000.
Đạo nhạc thì không phải, nhưng sự tương đồng là có, và những điều này đều đã được các nghệ sĩ quốc tế thực hiện từ khá lâu. Nó cho thấy ekip sản xuất của Văn Mai Hương đang theo đuổi những trào lưu cũ để làm nên sản phẩm này cho nữ ca sĩ.
Hứa Kim Tuyền tiếp tục cho thấy thế mạnh trong mảng ballad của mình khi sáng tác một ca khúc có giai điệu khá đẹp và dễ nhớ. Đoạn kết của bài có sự thú vị khi anh lặp đi lặp lại cụm từ “tháng sáu” với nhiều tâm trạng và giai điệu khác nhau, Văn Mai Hương cũng đáp ứng tốt ý tưởng này khi mỗi một câu lại được cô hát theo cách khác biệt. Tuy nhiên, với một vòng hòa thanh đã quá quen thuộc với khán giả, giai điệu cũng không quá mới mẻ, việc anh và ekip sản xuất để cho đoạn chorus lặp đi lặp lại tới 3 lần khiến cho bài dễ nghe, dễ nhớ nhưng cũng dễ chán. Thậm chí anh còn lặp lại giai điệu này đến lần thứ 4 và chỉ thay đổi một phần ca từ khiến cho bài càng mất đi sự thú vị.
Thiếu đột phá không phải là một điều quá đáng trách đối với một nghệ sĩ. Tuy nhiên, nếu Văn Mai Hương và Hứa Kim Tuyền vẫn liên tục kết hợp với nhau trong suốt nhiều dự án như hiện nay mà không có sự khai phá thêm, cả hai khó lòng tạo ra được những sáng tạo mới mẻ.
- Thắng (Ngọt) phát hành ca khúc mới hậu ồn ào đời tư, khán giả phản ứng ra sao? (05-Jun-2024)
- Nghịch lý ở Chị đẹp đạp gió rẽ sóng (01-Jun-2024)
- Ca sĩ Jack gặp liên hoàn 'kiếp nạn' (01-Jun-2024)
- Chờ đợi gì ở Sơn Tùng M-TP khi vắng Hải Tú? (31-May-2024)
- ERIK xuất hiện với diện mạo mới toanh, được fan tặng bánh mì 'siêu to khổng lồ (27-May-2024)
- Sơn Tùng có động thái chuẩn bị cho sản phẩm mới, khác hẳn với các ca khúc trước đây? (24-May-2024)
- Chi Pu ra MV tiếng Trung đầu tay (24-May-2024)
- Lý do Chi Pu không hé lộ giai điệu ca khúc mới trong teaser MV (23-May-2024)
- MV của nhóm chị đẹp LUNAS - hình ảnh ấn tượng, âm nhạc bị chê (22-May-2024)
- Ca khúc Sơn Tùng không hát trên sân khấu nhưng lại cho phép đồng nghiệp mang đi diễn (22-May-2024)