Âm nhạc

Chuyên Mục

Liz Kim Cương bị chê và việc ca sĩ Việt hát lơ lớ như người nước ngoài


Nhiều ca sĩ Việt như Liz Kim Cương, Trịnh Thăng Bình... gây tranh luận vì hát không rõ lời. Khán giả thậm chí đòi phụ đề khi xem những sản phẩm của họ.


Âm nhạc từ lâu đã là cách hiệu quả để thư giãn, giải tỏa căng thẳng và lan tỏa những điều tích cực. Và lời bài hát đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp, ý nghĩa.

Bởi thế, ngay cả khi giai điệu điện tử, tiết tấu nhanh, sôi động lên ngôi, khán giả thường chú ý tới âm thanh hơn ca từ thì việc ca sĩ Việt hát không rõ lời vẫn gây tranh cãi suốt thời gian qua.

Phản ứng của khán giả cho thấy, ở thời điểm nào, việc hát rõ lời cũng là cần thiết. Đồng tình với quan điểm trên, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy nhận định hát “rõ chữ” là yêu cầu tối thiểu.

Khán giả đòi phụ đề khi nghe ca sĩ Việt hát

Cách đây ít ngày, Liz Kim Cương phát hành MV Khó mở dễ đóng đánh dấu sự thay đổi về dòng nhạc, phong cách sau thời gian dài gắn bó với ballad. Hiệu ứng của bài hát không mấy tích cực khi khán giả nhận xét nữ ca sĩ hát khó nghe, không rõ lời.

“Hát như người Hàn”, “Tôi không thể nghe nổi cô ấy hát gì”, “Nghe người Việt hát nhưng cần phụ đề”, là những bình luận phổ biến nhất dưới bài viết về MV.

Tình trạng khán giả yêu cầu phụ đề khi nghe chính ca sĩ Việt hát rất phổ biến ở Vpop trong vài năm qua. Thậm chí, chưa bàn tới chất lượng, giai điệu, chỉ cần một ca sĩ ra mắt sản phẩm mới và hát rõ lời đã là một điều đáng khen ngợi với khán giả.

Vào giữa tháng 5, Trịnh Thăng Bình đăng clip hát ca khúc Khác biệt to lớn trong một sự kiện lên trang cá nhân. Đoạn clip lập tức gây tranh cãi. So với bản gốc được phát hành cách đây 2 năm, cách hát của nam ca sĩ trong clip thay đổi rõ rệt. Cách xử lý bài hát của Trịnh Thăng Bình được nhận xét không rõ lời, thậm chí lơ lớ như người nước ngoài.

Cách hát của Trịnh Thăng Bình thời gian gần đây gây khó hiểu.

Nhiều khán giả bày tỏ sự khó chịu với cách hát và phát âm ngày càng thay đổi của Trịnh Thăng Bình. Họ cho rằng thật khó để hiểu ý nghĩa nếu không nhìn vào lời bài hát. Cách hát của Trịnh Thăng Bình được nhận xét quá khác biệt so với thời điểm anh mới ra mắt.

“Trả Trịnh Thăng Bình ngày xưa cho tôi. Anh hát rõ lời đi ạ, giờ nghe lớ lớ”, “Anh hát rõ lời được không”, “Anh này là ca sĩ Hàn Quốc đang cover ca khúc Việt à mọi người”, “Nghe nhạc để hiểu ca từ và cảm nhận. Nhưng nghe bài này tôi phải đi xem phụ đề”, “Nghe khó chịu thật sự, đâu phải người nước ngoài đâu mà hát lớ lớ vậy”, hầu hết bình luận clip của Trịnh Thăng Bình là ý kiến trái chiều.

Sơn Tùng có ít nhất 3 sản phẩm là Chạy ngay đi, Hãy trao cho anh và Có chắc yêu là đây vướng tranh cãi với lý do tương tự. Nhiều khán giả khẳng định họ không hiểu hết nội dung ca khúc vì không nghe rõ lời. Từ Chúng ta của hiện tại ra mắt vào cuối năm 2020 hay Muộn rồi mà sao còn, nam ca sĩ khắc phục được hạn chế và việc này khiến các sản phẩm nhận phản hồi tích cực.

Wren Evans có gu âm nhạc khác biệt, mang đậm màu sắc Âu Mỹ nhưng sử dụng nhiều airy voice (giọng âm hơi) và hát lướt chữ nên việc truyền tải đủ ý nghĩa bài hát cũng là hạn chế trong các sản phẩm của anh. MONO, AMEE, Hoàng Duyên hay Jack… cũng từng bị phản ứng vì vấn đề hát không rõ lời.

Không đến mức phải tròn vành nhưng nên rõ chữ, rõ lời

Nhiều ca sĩ hiện giờ đi theo xu hướng hát tự nhiên, cách hát lướt qua, nối chữ, đãi giọng, cộng thêm giai điệu chịu ảnh hưởng lớn từ Kpop, US-UK. Do đó, việc hát không rõ lời là dễ hiểu trong xu thế hiện tại và đương nhiên nó không quyết định quá nhiều việc một sản phẩm có chất lượng hay không. Tuy nhiên, việc ca sĩ quá lạm dụng khiến khán giả khó chịu và không còn đón nhận âm nhạc của chính họ.

“Trong thanh nhạc có một yêu cầu tối thiểu là hát tròn lời, rõ chữ. Nếu không thì sai mất ý nghĩa nhạc sĩ muốn truyền tải. Hiện nay, Vpop bị ảnh hưởng khá nhiều của Kpop nên việc không rõ lời coi như chấp nhận được. Lý do là khán giả tập trung phần nhìn, tiết tấu, phong cách ca sĩ. Nói chung, có nhiều thứ phái sinh ngoài âm nhạc trong một tiết mục biểu diễn của ca sĩ hiện nay nên việc có lỡ không rõ lời cũng dễ cho qua”, nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy trao đổi với Zing.

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ, chính sự chấp nhận của một bộ phận khán giả dễ tính khiến ca sĩ lạm dụng, không trao dồi chuyên môn để khắc phục yếu điểm. Hệ lụy là ngày càng nhiều ca sĩ nuốt lời trước mặt khán giả.

Wren Evans thừa nhận anh hạn chế vốn tiếng Việt. Nam ca sĩ thường hát tiếng Anh nhiều hơn.

“Đó là dòng nhạc thuần giải trí chứ không thiên về chiều sâu để thưởng thức. Trong trường hợp sản phẩm thiên về chiều sâu, việc hát không rõ lời hay sai lời không chấp nhận được. Nhạc sĩ viết bài hát chăm chút từng câu, từng chữ. Do đó, ca sĩ hát không rõ lời thì coi như nỗi lòng nhạc sĩ gửi gắm không được ai thấu”, nhạc sĩ nói thêm.

Trong khi đó, ca sĩ Mỹ Linh nhận định việc hát không rõ lời có thể xuất phát từ việc tiếng Việt có 6 thanh điệu, tương đối khó cho cả người viết lời lẫn người hát. Thế nên, những bạn trẻ hát tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt sẽ gặp khó khăn trong việc hát rõ lời. Lý do khác là màu sắc cá nhân của mỗi nghệ sĩ quan trọng hơn hòa nhập đám đông. Thế nên, việc hát không rõ lời có thể chấp nhận được trong trường hợp khán giả vẫn đón nhận.

"Nghệ thuật là sự cân đối giữa hát rõ lời và cảm xúc để khán giả vẫn hiểu ca sĩ hát gì nhưng cũng không cần quá rành mạch như học sinh lớp 1 học chính tả. Tuy nhiên, trong trường hợp sinh viên đang theo học thanh nhạc, việc hát tròn vành rõ chữ là cần thiết", Diva Mỹ Linh nói.

Thực tế, tranh cãi ca sĩ hát không rõ lời tồn tại ở cả thị trường chuộng âm nhạc hip hop, điện tử như Kpop. Điều đó cho thấy việc hiểu ý nghĩa bài hát vẫn là nhu cầu khá quan trọng của nhiều khán giả.

Tờ Hankook Ilbo từng đưa tin IU khiến khán giả khó chịu với cách hát và cách phát âm trong nhiều ca khúc như Palette, Lilac, Strawberry Moon hay Twenty-three. Khán giả cho rằng cách phát âm của IU bị bóp nghẹt và khả năng truyền tải lời bài hát kém, khó hiểu.

Theo Zing News