Tranh cãi khi âm nhạc truyền thống Việt kết hợp hiện đại
Đưa chất liệu dân gian tới giới trẻ thông qua việc kết hợp nhạc điện tử là công cuộc và xu hướng ở Vpop những năm qua. Tuy nhiên, hướng đi này cũng tồn tại một số hạn chế.
Kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại về mặt âm nhạc lẫn hình ảnh là xu hướng phổ biến ở Vpop trong vài năm trở lại đây. Đây là những tín hiệu đáng mừng của nhạc Việt trong việc bảo tồn chất liệu dân gian giữa bối cảnh bùng nổ âm nhạc hiện đại, đặc biệt nhạc điện tử. Xu hướng này cũng tạo nên làn gió mới cho khán giả Việt và nhiều nghệ sĩ đã tạo dựng chỗ đứng riêng khi kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại.
Trong danh sách 10 ca khúc Vpop phổ biến nhất nửa đầu năm 2022 do Zing MP3 công bố, Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh đứng ở vị trí thứ 4. Khai thác chất liệu dân gian là điểm đặc trưng mỗi khi khán giả nhắc tới âm nhạc của Hoàng Thùy Linh. Nhờ đó, âm nhạc của nữ ca sĩ luôn được đón nhận mỗi khi phát hành.
Gieo quẻ được Hoàng Thùy Linh giới thiệu tới công chúng vào tháng 1. Vẫn là chất nhạc dân gian đương đại, Gieo quẻ có bản phối kết hợp nhạc cụ dân tộc và âm thanh điện tử. Tháng 6, Hoàng Thùy Linh phát hành MV thứ 3 trong năm là Đánh đố. Đây tiếp tục là sản phẩm đậm màu dân gian đương đại kết hợp phần nhạc nặng về dubstep. Hoàng Thùy Linh có nhiều sản phẩm khác áp dụng công thức tương tự như Tứ Phủ, See tình, Duyên âm, Kẽo cà kẽo kẹt…
K-ICM từng chia sẻ với Zing anh có ước mơ mang nhạc cụ dân tộc đi xa hơn. Nhà sản xuất 9X mong ước có thể đứng trên sân khấu lớn của thế giới và biểu diễn ca khúc mang màu sắc dân tộc. Để hiện thực hóa ước mơ, K-ICM luôn đưa chất liệu âm nhạc dân gian, nhạc cụ dân tộc vào hầu hết sản phẩm âm nhạc. Việc đó được K-ICM thực hiện từ thời hợp tác với Jack.
Sau này, K-ICM có thể thử sức với EDM, ballad hay funk nhưng để anh dành nhiều tâm huyết nhất vẫn là chất liệu truyền thống. Đầu năm, K-ICM phát hành MV Chân mây có nhạc dân tộc kết hợp giai điệu điện tử sôi động, hiện đại. K-ICM thậm chí mời NSƯT Hải Phượng - một tên tuổi lớn của âm nhạc dân tộc - làm cố vấn. Với Chân mây, tiếng nhị, đàn tranh chạy xuyên suốt bản phối.
Trước đó, K-ICM hợp tác với Văn Mai Hương ra mắt bài hát Chim quý trong lồng. Chim quý trong lồng thuộc dòng nhạc ballad, hòa trộn màu sắc dân gian đương đại. Bản phối sử dụng tiếng piano kết hợp với một số nhạc cụ truyền thống như sáo, đàn cò, đàn tranh. Trong lần hợp tác tiếp theo với Văn Mai Hương là Hoa không hương ra mắt tháng 7, K-ICM cũng làm nổi bật nét dân gian ngũ cung.
Từ sản phẩm đầu tiên là Chàng trai sơ mi hồng tới hai MV mới nhất là Em sẽ báo công an, Vọng nguyệt, Hoàng Duyên gắn liền với những bản nhạc có chất liệu dân gian. Ở Chàng trai sơ mi hồng và Em sẽ báo công an, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền vận dụng âm hưởng dân gian kết hợp chất liệu điện tử hiện đại.
Còn nhiều tranh luận và mức độ đón nhận của khán giả với mỗi sản phẩm là khác nhau nhưng có thể nhận thấy việc kết hợp âm nhạc hiện đại với chất liệu truyền thống đang thịnh hành ở Vpop.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định với Zing: “Đây là con đường duy nhất đưa dòng ca khúc đại chúng Việt Nam đến cái đích quan trọng nhất là màu sắc Việt, chất Việt - một điều tưởng như đương nhiên nhưng lại đang thiếu trong dòng ca khúc đại chúng dành cho giới trẻ những năm qua”.
Vẫn tồn tại nhiều tranh cãi
Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định xu hướng kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại đang gợi một lối đi cho nhạc Việt để thoát khỏi sự ảnh hưởng kiểu bản sao Mỹ, Hàn. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định khai thác yếu tố dân gian cần đặc biệt chú ý. Một trong những nguyên tắc ở ca hát dân gian cổ truyền là tròn vành rõ chữ.
“Dân gian rất tinh tế, ý nhị, cần chú ý để khai thác thật khéo léo, cẩn thận và phù hợp về cả màu sắc, hình ảnh. Cần có những chuyên gia để tư vấn vấn đề này”, chuyên gia đánh giá.
Thực tế, bên cạnh những sản phẩm được đầu tư nghiêm túc, Vpop chứng kiến sự ra mắt của khá nhiều ca khúc được đánh giá là âm nhạc lai căng, sến sẩm, thiếu chỉn chu chẳng hạn Tiếng chuông Bát Nhã, Phận duyên lỡ làng, Khuê Mộc Lang, Hoàng hoa ký, Cố giang tình...
Tứ phủ của Hoàng Thùy Linh cũng từng gây tranh cãi. Đây là sản phẩm có sự kết hợp giữa nhạc điện tử với âm hưởng dân gian và được nhiều khán giả đánh giá cầu kỳ, có sự mới lạ, đầu tư về cả âm nhạc lẫn hình ảnh. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng ở sản phẩm này, Hoàng Thùy Linh hiểu không đúng về đạo Mẫu, cả trong hình ảnh lẫn ca từ. Nhiều khán giả thậm chí cho rằng việc đưa đạo Mẫu linh thiêng vào các yếu tố giải trí, nhảy kiểu EDM là không phù hợp.
Trước đó, Hoa không hương của K-ICM và Văn Mai Hương gây tranh cãi với lý do tương tự. Khán giả tranh luận vì hai nghệ sĩ sử dụng chủ yếu y phục triều Nguyễn trong khi MV có bối cảnh ở Ninh Bình. Đây là địa danh gắn liền với Cố đô Hoa Lư của 2 triều đại Đinh - Tiền Lê. Trước phản hồi trái chiều của dư luận, ê-kíp khẳng định câu chuyện xuyên suốt album Hoa nói chung và MV Hoa không hương nói riêng không được đặt vào một triều đại cụ thể. Đây là thế giới nghệ thuật tưởng tượng của ê-kíp.
- Thắng (Ngọt) phát hành ca khúc mới hậu ồn ào đời tư, khán giả phản ứng ra sao? (05-Jun-2024)
- Nghịch lý ở Chị đẹp đạp gió rẽ sóng (01-Jun-2024)
- Ca sĩ Jack gặp liên hoàn 'kiếp nạn' (01-Jun-2024)
- Chờ đợi gì ở Sơn Tùng M-TP khi vắng Hải Tú? (31-May-2024)
- ERIK xuất hiện với diện mạo mới toanh, được fan tặng bánh mì 'siêu to khổng lồ (27-May-2024)
- Sơn Tùng có động thái chuẩn bị cho sản phẩm mới, khác hẳn với các ca khúc trước đây? (24-May-2024)
- Chi Pu ra MV tiếng Trung đầu tay (24-May-2024)
- Lý do Chi Pu không hé lộ giai điệu ca khúc mới trong teaser MV (23-May-2024)
- MV của nhóm chị đẹp LUNAS - hình ảnh ấn tượng, âm nhạc bị chê (22-May-2024)
- Ca khúc Sơn Tùng không hát trên sân khấu nhưng lại cho phép đồng nghiệp mang đi diễn (22-May-2024)