Âm nhạc

Chuyên Mục

Nhạc Việt chìm trong thất vọng


Trong khoảng một tháng qua, hàng loạt tranh cãi liên quan đến Sơn Tùng, Đen Vâu hay Đông Nhi nổ ra. Những ồn ào đó gây chú ý hơn cả chất lượng sản phẩm âm nhạc.


2022 là năm đáng mong đợi với thị trường nhạc Việt khi các hoạt động dần trở lại bình thường sau đại dịch. Sau thời gian “án binh bất động” vì ảnh hưởng của dịch bệnh và dành thời gian để đầu tư, chuẩn bị kỹ càng, hàng loạt nghệ sĩ tung ra sản phẩm trong những ngày qua. Sự trở lại ồ ạt đó báo hiệu một mùa hè sôi động hơn cho Vpop.

Tuy nhiên, chứng kiến thị trường trong thời gian qua, có thể thấy các sản phẩm không tạo được tiếng vang. Thậm chí nhiều trường hợp vướng tranh cãi vì nội dung, ca từ tiêu cực hoặc vướng nghi án đạo nhái.

Những tranh cãi nhấn chìm chất lượng sản phẩm
Đen, Sơn Tùng hay Đông Nhi đều là những cái tên được mong đợi khi thông báo phát hành sản phẩm thời gian qua. Nhưng đáp lại sự kỳ vọng của khán giả lại là những tranh cãi bủa vây các sản phẩm.

Cuối tháng 4, Đông Nhi phát hành MV Đôi mi em đang u sầu. Đây là sản phẩm đánh dấu sự trở lại của nữ ca sĩ sau nhiều năm im ắng và tập trung vào công việc kinh doanh. Đôi mi em đang u sầu được đầu tư kỹ xảo hoành tráng với nội dung dựa trên truyền thuyết Mị Châu - Trọng Thuỷ. MV quy tụ nhiều đồng nghiệp thân thiết của nữ ca sĩ như Noo Phước Thịnh, Mai Phương Thúy, Khả Ngân, Minh Hằng.

Đông Nhi vướng tranh cãi với người hâm mộ không lâu sau khi tung MV mới. Ảnh: NVCC.

Sản phẩm hiện nhận hơn 10 triệu lượt xem sau khoảng một tháng ra mắt. Đây là một con số khả quan. Đáng tiếc, sản phẩm vấp phải một số tranh cãi khiến thành tích không trọn vẹn.

Đầu tiên, điều khiến khán giả không hài lòng là đoạn rap của Wowy. Phân đoạn của huấn luyện viên Rap Việt được nhận xét là không ăn nhập với bài hát, khiến người nghe mất hứng. Wowy đã không thể hiện được màu sắc ma mị làm tổng thể bài hát mất đi sự hài hòa và hấp dẫn.

Về vũ đạo, ê-kíp Đông Nhi bị nghi ngờ sao chép MV Toxic của AliENZ. Khán giả so sánh hai sản phẩm và nhận xét phần vũ đạo giống nhau tới 90%. Điều đó khiến công chúng thất vọng. Ở lần trở lại này của Đông Nhi, người hâm mộ còn phàn nàn việc âm nhạc không quá khác biệt so với những sản phẩm trước Đỗ Hiếu thực hiện.

Họ khuyên Đông Nhi tìm đến ê-kíp sản xuất khác để có sự đổi mới về âm nhạc. Đây cũng là một trong những bất mãn vốn âm ỉ từ lâu trong cộng đồng fan Đông Nhi. Do đó, khi sự việc thu hồi kênh FC từ tài khoản N.M.H của ê-kíp Đông Nhi nổ ra, người hâm mộ càng bất bình và dẫn đến làn sóng quay lưng lớn chưa từng có trong các cộng đồng fan Việt.

MV There's No One At All của Sơn Tùng thậm chí bị gỡ bỏ vì nội dung tiêu cực, có cảnh tự tử. Từ khi ra mắt vào 28/4, sản phẩm gây tranh luận dữ dội trên mạng xã hội với nhiều luồng ý kiến. Khán giả cho rằng MV không được phép phát hành vì cổ xúy nội dung nhạy cảm, không có tính giáo dục và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới những khán giả trẻ.

Chiều 5/5, trao đổi với Zing, ông Phạm Cao Thái, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết quyết định xử phạt hành chính là 70 triệu đồng với công ty của Sơn Tùng. Đại diện của nam ca sĩ nhận quyết định xử phạt và chấp hành các quyết định xử lý của thanh tra.

Sơn Tùng cũng phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định như buộc tiêu hủy bản ghi hình, phải nộp lại toàn bộ lợi nhuận từ việc phát hành MV, tháo gỡ bản ghi hình. Chiều 6/5, MV There’s No One At All biến mất khỏi nền tảng YouTube. Giới chuyên môn đánh giá đây là sự vụ nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp và có tác động không nhỏ tới công việc của Sơn Tùng.

MV của Sơn Tùng bị gỡ bỏ vì nội dung tiêu cực. Ảnh: FBNV.

Chỉ ít ngày sau tranh cãi của Sơn Tùng, Đen Vâu tung ra MV mới và cũng bị dư luận chỉ trích. Công chúng bày tỏ sự không hài lòng khi rapper không rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp mà phát hành sản phẩm có ca từ nhạy cảm.

Cụ thể, bài hát có cảm hứng từ bóng đá với tựa đề Việt Nam vô địch bị chỉ trích cổ xúy sự vũ phu của đàn ông đồng thời làm lệch lạc tinh thần chơi đẹp của thể thao. Khán giả cho rằng lời bài hát của Đen coi thường phụ nữ, không cho phụ nữ có quyền tranh luận và nếu lên tiếng, người đàn ông có thể trở thành một kẻ vũ phu hay “lực lượng vũ trang”.

Sau đó, Đen lên tiếng xin lỗi và cho biết bản thân tiếp thu mọi ý kiến của khán giả. “Lời của bài hát, khi ngắt riêng từng đoạn, từng câu làm mọi người có thể hiểu khác đi ý nghĩa, thông điệp tôi muốn truyền tải, lan tỏa. Đây là điều đáng tiếc. Đen luôn trân trọng, biết ơn tất cả ý kiến đóng góp. Tôi xin ghi nhận tất cả ý kiến này để hoàn thiện hơn các tác phẩm sau này”, anh cho biết.

Đen gây tranh cãi với phần lời trong ca khúc mới. Ảnh: NVCC.

Thị trường không đáp ứng được kỳ vọng
Có không giữ mất đừng tìm được Trúc Nhân phát hành cách đây khoảng 10 ngày hay Cà phê của Min là điểm sáng hiếm hoi giữa thời điểm Vpop nhiều ồn ào. Phần hình ảnh mang âm hưởng nhạc kịch với giai điệu tràn đầy năng lượng, yêu đời của Có không giữ mất đừng tìm giúp Trúc Nhân một lần nữa chứng tỏ sự sáng tạo không ngừng nghỉ. Anh cùng ê-kíp làm việc chỉn chu để tạo ra sản phẩm lôi cuốn khán giả trong từng giai điệu, hình ảnh. Sản phẩm hiện đứng đầu top thịnh hành và hạng 4 trên #Zingchart.

Min có MV Cà phê phát hành cách đây 2 tháng cũng cho thấy sự đầu tư chất xám. MV được đầu tư về bối cảnh, trang phục. Đây là bài hát chủ đề trong album 50/50. Album gồm 8 ca khúc đa dạng các phong cách như Pop R&B, Trap R&B, Disco hay Dance Pop được đánh giá là sản phẩm đáng nghe.

Cùng thời điểm, Lyly, Anh Tú, Isaac, Thiều Bảo Trâm hay Phí Phương Anh cũng phát hành những sản phẩm âm nhạc mới. Tuy nhiên, những sản phẩm này không tạo được hiệu ứng lớn. Một phần lý do cũng bởi chất liệu âm nhạc mà những ca sĩ trên chọn lựa chưa mới mẻ.

Sau lưng anh có ai kìa của Thiều Bảo Trâm tiếp tục thuộc thể loại ballad. Giai điệu bài hát không mới mẻ so với thị trường. Thể loại này vẫn dễ dàng chinh phục một bộ phận khán giả yêu thích ballad ở Vpop nhưng không tạo được bước đột phá.

Cả phần giai điệu bài hát lẫn hình ảnh của Sau lưng anh có ai kìa đã khá cũ kỹ khi xoay quanh chuyện tình yêu ủy mị.

Sản phẩm của Min được đầu tư về âm nhạc và nội dung MV. Ảnh: NVCC.

Trịnh Thăng Bình cũng chọn lựa chất nhạc ballad cho lần trở lại vào tháng 4. Chuyện chúng ta là một ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, da diết và không mới về chất nhạc nhưng được Trịnh Thăng Bình đầu tư mặt ca từ.

Tuy nhiên, nhìn chung, cũng tương tự Sau lưng anh có ai kìa, Chuyện chúng ta đang khá an toàn mà thiếu đi yếu tố bất ngờ. Cộng thêm sự cố về mặt truyền thông, Chuyện chúng ta không được chú ý. Sau hơn một tháng phát hành, MV chỉ nhận hơn 1 triệu lượt xem - một con số khiêm tốn và thấy phản ứng không mấy mặn nồng của khán giả với sản phẩm.

Sau rất nhiều đồn đoán về chuyện tình cảm, Lyly và Anh Tú tiếp tục hợp tác trong sản phẩm mới mang tên Hàng xóm. Bài hát thuộc thể loại pop ballad có giai điệu và ca từ nhẹ nhàng, ngọt ngào. Ngay cả tin đồn tình cảm của Lyly và Anh Tú cũng không thể giúp sản phẩm này tạo tiếng vang. Con số 1,4 triệu lượt xem sau gần 2 tháng phát hành cho thấy Hàng xóm không phải sản phẩm được khán giả ưu tiên lựa chọn trong thời điểm này.

Giữa bối cảnh thị trường âm nhạc Việt lẫn thế giới ngày càng phát triển, công chúng mong đợi sự đa dạng, sáng tạo hơn nữa từ giới ca sĩ, đặc biệt là yếu tố chỉn chu trong ca từ, nội dung.

Đặc biệt, qua trường hợp gần đây của Sơn Tùng, Đen Vâu hay Đông Nhi, khán giả cho thấy họ có “quyền lực” để yêu cầu những sản phẩm nghiêm túc, trau chuốt hơn.

Theo Zing News