Lý do 'Baby Shark' được xem nhiều nhất thế giới
Tổng thời gian phát lại của video "Baby Shark Dance" là 43.000 năm, tương đương từ thời đồ đá đến nay.
Baby Shark Dance cán mốc 10 tỷ lượt xem hôm 13/1, duy trì vị trí video được xem nhiều nhất mọi thời đại trên nền tảng YouTube. Theo Pinkfong - đơn vị sản xuất MV, con số 10 tỷ vượt xa khoảng 7,8 tỷ dân số toàn cầu - số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Theo đó, trung bình mỗi người dân trên thế giới xem video ít nhất 1,2 lần. Tổng thời gian phát lại là khoảng 43.000 năm, tương đương từ thời đồ đá cũ đến nay.
Kim Min Seok - giám đốc điều hành Pinkfong - nói: "Một hành trình thật ý nghĩa khi chứng kiến Baby Shark kết nối mọi người khắp thế giới. Chúng tôi rất nóng lòng được giới thiệu nhiều phiên bản mới nhằm mang lại những trải nghiệm tuyệt vời cho người hâm mộ".
Theo Washingtonpost, ca khúc bắt đầu như một bài đồng dao dành cho lứa tuổi thiếu nhi cách đây hơn 20 năm, phổ biến trên sân chơi trường học và khu cắm trại mùa hè ở Bắc Mỹ. Năm 2016, nó được Pinkfong - hãng ca nhạc của Công ty giáo dục và giải trí SmartStudy, một công ty con trực thuộc Samsung Publishing (Hàn Quốc) - sáng tạo lại thành loạt video. Baby Shark Dance được đăng lên YouTube lần đầu vào tháng 6/2016 và nhanh chóng được nhiều người yêu thích, chủ yếu là trẻ em. Trong MV, hai em bé hát trên nền nhạc vui nhộn và thực hiện những động tác vũ đạo đơn giản mô phỏng các thành viên trong gia đình cá mập.
Bài hát được lan tỏa nhờ ca từ đơn giản, dễ nhớ, giai điệu vui nhộn, theo giới chuyên môn. Theo Indianexpress, với độ dài 1 phút 34 giây, đoạn điệp khúc "doo-doo-doo-du-du-du-du-du-du" lặp nhiều lần như lời mời gọi phát lại vô tận. Phó chủ tịch Pinkfong - Lee Seung Gyu - nói: "Giai điệu phần điệp khúc khiến bạn không thể quên một khi đã nghe, trở thành điểm chính tạo nên thành công".
Lee Seung Gyu nhận định bài hát không chỉ được trẻ em mà cả người lớn yêu thích thông qua nhiều phiên bản như hip hop, EDM... Công ty hiện có hơn 100 phiên bản bài hát, bao gồm các bản dịch sang 11 ngôn ngữ.
Tháng 10/2020, ca khúc được Hiệp hội công nghiệp ghi âm Mỹ (RIAA) cấp chứng nhận Kim cương - trở thành bài hát thiếu nhi duy nhất trên thế giới đạt thành tích này. Theo thống kê từ Nielsen Music/MRC Data, Baby Shark đã có hơn 1,6 tỷ lượt nghe trực tuyến tại Mỹ và 216.000 lượt tải xuống.
Vũ đạo đơn giản và hình tượng cá mập - động vật được trẻ em yêu thích cũng là yếu tố thu hút. Theo Indianexpress, các bước nhảy đơn giản và dễ thực hiện khiến chúng trở nên phổ biến với trẻ em, đặc biệt là dưới 5 tuổi. Bài hát trở thành xu hướng trên mạng xã hội vào năm 2017 khi nhiều gia đình, cá nhân ở Indonesia đăng video biểu diễn vũ đạo cá mập. Sau đó, Pinkfong tạo thử thách #BabySharkChallenge vào năm 2018. Theo Lee Seung Gyu, đây chính là thời điểm quyết định nhất đưa ca khúc phủ sóng toàn cầu. Sau đó, họ đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá ở nước ngoài.
Các bảo mẫu Philippines cũng góp phần lớn trong việc lan tỏa tác phẩm sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu. Họ làm việc ở đây và cho các em bé xem video. Từ đó, không chỉ trẻ em mà người lớn cũng quan tâm, dần trở nên phổ biến. Baby Shark trở thành bài hát cổ vũ cho đội Washington Nationals và vang lên trên nhiều sân bóng chày ở các giải đấu lớn của Mỹ. Một nhóm người biểu tình ở Lebanon hát bài này để dỗ một bé trai đang hoảng sợ, video được lan truyền rộng rãi. Nhiều ngôi sao như Celine Dion, John Legend, Bebe Rexha, Nick Carter, Cardi B, Quách Phú Thành... cũng hưởng ứng.
Theo Cheonji Ilbo, thử thách vũ đạo #BabySharkChallenge kết hợp với truyền thông toàn cầu giúp ca khúc lan tỏa. "Thế hệ hiện tại là thế hệ mạng xã hội. Họ không phản đối, thậm chí chủ động tham gia loạt thử thách. Một điệu nhảy cover đơn giản trở thành yếu tố cần thiết cho sự lan tỏa", trang Cheonji Ilbo nhận định.
Trên Billboard, Bob Cunningham - nhà giáo dục và cố vấn cấp cao cho tổ chức phi lợi nhuận Understood.org - nhận thấy một số lợi ích của ca khúc với trẻ em. Bob cho rằng sự kết hợp giữa nhịp điệu, âm thanh và hình ảnh trong video có thể thu hút và duy trì sự chú ý ở cả những trẻ thiếu tập trung. Video tác động đến hầu hết giác quan, phần lời có thể hỗ trợ trẻ kém phát triển về ngôn ngữ còn nhịp điệu giúp trẻ vận động. Nhà tư vấn khoa học thần kinh Valorie Salimpoor nói trên The Daily Beast trẻ em nghe nhạc vui nhộn có thể làm tăng hoạt động não bộ, khơi gợi cảm giác sảng khoái, vui vẻ.
Holly Anderson - mẹ bốn con, người Utah - cho biết tác phẩm giúp ích rất nhiều cho con trai ba tuổi, mắc chứng tự kỷ và biếng ăn. Bác sĩ trị liệu đã sử dụng Baby Shark để giúp cậu bé ngồi yên. "Bé bị kích thích quá mức về mặt thị giác và thường không xem bất kỳ chương trình nào trên TV và ipad. Con rất khó ngồi yên dù chỉ trong giây lát. Thế nhưng xem video là một trong những cách giúp bé bình tĩnh", Anderson nói trên Billboard năm 2018.
Video:
- Thắng (Ngọt) phát hành ca khúc mới hậu ồn ào đời tư, khán giả phản ứng ra sao? (05-Jun-2024)
- Nghịch lý ở Chị đẹp đạp gió rẽ sóng (01-Jun-2024)
- Ca sĩ Jack gặp liên hoàn 'kiếp nạn' (01-Jun-2024)
- Chờ đợi gì ở Sơn Tùng M-TP khi vắng Hải Tú? (31-May-2024)
- ERIK xuất hiện với diện mạo mới toanh, được fan tặng bánh mì 'siêu to khổng lồ (27-May-2024)
- Sơn Tùng có động thái chuẩn bị cho sản phẩm mới, khác hẳn với các ca khúc trước đây? (24-May-2024)
- Chi Pu ra MV tiếng Trung đầu tay (24-May-2024)
- Lý do Chi Pu không hé lộ giai điệu ca khúc mới trong teaser MV (23-May-2024)
- MV của nhóm chị đẹp LUNAS - hình ảnh ấn tượng, âm nhạc bị chê (22-May-2024)
- Ca khúc Sơn Tùng không hát trên sân khấu nhưng lại cho phép đồng nghiệp mang đi diễn (22-May-2024)