Cuộc đụng độ vô tiền khoáng hậu của 'Mai' và 'Đào'
"Đào, phở và piano", "Mai" là hai hiện tượng của điện ảnh Việt trong mùa Tết Nguyên đán 2024. Một bên là hiện tượng truyền thông, bên kia là kỷ lục gần 500 tỷ đồng doanh thu.
Điện ảnh Việt mùa Tết Nguyên đán chứng kiến nhiều “case-study” khá kỳ lạ. Một trong số đó là Đào, phở và piano, bộ phim Nhà nước đặt hàng, do đạo diễn Phi Tiến Sơn cầm trịch, xảy ra hiện tượng “cháy vé”. Khách hàng phải xếp hàng dài để có một tấm vé vào rạp, ở cả Hà Nội và TP.HCM.
Thậm chí, hơn một tuần qua, Đào, phở và piano chiếm "spotlight" trên các nền tảng mạng xã hội. Những cuộc tranh luận xoay quanh tác phẩm nổ ra, khiến các chuyên gia, giới làm phim vào cuộc phân tích, mổ xẻ.
Hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ và đầy bất ngờ của Đào, phở và piano khiến nhiều người lo ngại Mai của Trấn Thành sẽ bị ảnh hưởng ở chặng nước rút. Song, thành tích doanh thu của Mai vẫn lao về đích với tốc độ ấn tượng.
Kỷ lục của "Mai" và hiện tượng "Đào, phở và piano"
Mai vẫn chễm chệ ở ngôi vương phòng vé nội địa sau hơn hai tuần. Đến nay, tác phẩm cán mốc gần 500 tỷ đồng, trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời. Bộ phim cũng xô đổ mọi kỷ lục trước đó của Nhà bà Nữ, Bố già về tốc độ bán vé, tỷ lệ lấp đầy.
Sau hơn hai tuần, Mai vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với số lượng vé bán ra và suất chiếu hiện tại, đứa con tinh thần của Trấn Thành vẫn còn tuổi thọ kéo dài và hoàn toàn có thể dắt túi 600 tỷ đồng sau khi rời rạp.
Trấn Thành tạo nên lịch sử của điện ảnh Việt khi ba phim của anh gồm Bố già, Nhà bà Nữ và Mai đứng đầu bảng xếp hạng 10 phim Việt ăn khách mọi thời. Kỷ lục của Trấn Thành vượt Lý Hải - người đang nắm giữ series Lật mặt sau 6 phần (với tổng doanh thu khoảng 800 tỷ đồng) - và tạo ra khoảng cách quá xa đối với những đạo diễn gạo cội như Victor Vũ, Nhất Trung, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng…
Thành tích của Mai không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn lẫn khán giả. Sức hút từ Trấn Thành, chất lượng tác phẩm, đóng góp của dàn diễn viên và những hiệu ứng xoay quanh bộ phim làm nên chiến thắng ngoạn mục cho dự án.
Điều quan trọng nhất, Mai hoàn toàn không có đối thủ, nếu nhìn trên bình diện chung về bức tranh phòng vé phim Tết năm nay. Gặp lại chị bầu (Nhất Trung) yếu về chất lượng lẫn hiệu ứng truyền thông. Các phim ngoại khác không đủ sức nặng để có thể khiến đông đảo khán giả Việt ra rạp.
Nếu có một chút cản trở của Mai thì phải tính đến sự xuất hiện và hiệu ứng truyền thông bất ngờ của Đào, phở và piano. Bộ phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn ra rạp lặng lẽ nhưng sau đó được lan tỏa với tốc độ chóng mặt.
Theo thống kê trên YouNet Media, Đào, phở và piano là bộ phim được bàn luận nhiều nhất trên mạng xã hội kể từ ngày 16/2 đến nay. Tổng lượng tương tác của bộ phim ghi nhận con số kỷ lục 5,31 triệu và tổng lượng thảo luận đạt hơn 480 nghìn.
Sức nóng của Đào, phở và piano được duy trì trong nhiều ngày. Không chỉ ở Hà Nội, khi được trình chiếu tại các cụm rạp thuộc Cinestar, Beta Cinema trên toàn quốc, bộ phim vẫn được đón nhận.
Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt, một bộ phim do Nhà nước đặt hàng, lại chứng kiến tình trạng “cháy vé” và khán giả xếp hàng dài để vào rạp. Không chỉ vậy, một bộ phận khán giả còn “flex” bằng việc khoe săn được vé xem phim Đào, phở và piano trên các trang mạng xã hội.
Tại Beta Cinema, phim hiện có 60-65 suất chiếu mỗi ngày với tỷ lệ lấp đầy rạp ở mức cao kỷ lục (95%).
Hiệu ứng truyền thông của một tác phẩm điện ảnh như Đào, phở và piano có lẽ là ao ước của những người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, phát hành và marketing hiện nay.
Có thể cạnh tranh doanh thu?
Sự so sánh giữa Mai và Đào, phở và piano là khập khiễng. Bởi hai bộ phim theo đuổi thể loại, chủ đề và cách thức phát hành khác nhau. Mai, có thể thấy tiếp cận phương thức truyền thông và quảng bá chỉn chu, chủ động. Trong khi Đào, phở và piano lại hoàn toàn không tính đến phương án PR từ ê-kíp.
Ngay từ đầu, tác phẩm chỉ được chiếu lặng lẽ ở một địa điểm duy nhất là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội). Nếu không có bước ngoặt là sự phát hiện của khán giả và hiệu ứng truyền miệng, có lẽ Đào, phở và piano sẽ chịu chung số phận như nhiều tác phẩm do Nhà nước đặt hàng khác. Dự án thậm chí không có teaser, trailer khi đã ra rạp.
Đến khi hiệu ứng bộ phim bùng nổ trên mạng xã hội, cơ quan quản lý vào cuộc, Đào, phở và piano như được sống một cuộc đời thứ hai.
Theo ông Nguyễn Khánh Dương, người sáng lập Box Office Vietnam, nếu Đào, phở và piano được chiếu rộng rãi ở tất cả hệ thống rạp trên toàn quốc, đặc biệt là CGV Cinemas, Lotte Cinema, Galaxy…, chắc chắn sẽ tạo ra một cú hit lớn, hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng với Mai.
“Sức hút từ mạng xã hội của bộ phim này đang rất nóng. Nhiều review của khán giả cho thấy chất lượng, hiệu ứng tích cực. Ngày nay, social media đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá phim. Trấn Thành là nghệ sĩ có lượng follower hàng đầu Việt Nam. Đào, phở và piano lại viral nhờ hiệu ứng truyền thông, báo chí và mạng xã hội”, ông Dương chia sẻ.
Việc Đào, phở và piano chỉ chiếu ở một số hệ thống rạp như Cinestar, Beta Cinema cũng phần nào giới hạn lượng khán giả ra rạp, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu. Trong khi đó, nhu cầu xem phim của khán giả trên cả nước quá lớn, dẫn đến hiện tượng cung không đáp ứng đủ cầu.
Theo thông tin từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, sau 16 ngày phát hành, phim bán được hơn 42.000 vé, thu về hơn 2.281 tỷ đồng doanh thu.
Cùng thời điểm, các “ông lớn” như CGV Cinemas, Galaxy hay Lotte Cinema lại chưa có động thái gì dù bộ phim đang được chú ý. Tại Việt Nam, CGV Cinemas hiện là cụm rạp thống lĩnh thị trường với 45% thị phần, hơn 84 cụm rạp; tiếp đến là Lotte Cinema với 26% (hơn 50 cụm rạp) và Galaxy với hơn 10% (thống kê trên Vietdata, tính đến tháng 7/2023).
Trao đổi với Tri thức - Znews, đại diện của CGV Cinemas cho biết nhà rạp chưa có kế hoạch phát hành Đào, phở và piano.
Cùng thời điểm, bà Lê Thị Thắm - đại diện của Lotte Cinema - phủ nhận thông tin chiếu Đào, phở và piano. Thông tin bộ phim được chiếu rộng rãi ở các hệ thống của nhà rạp với giá 45.000 đồng là tin giả.
- Phim kinh dị nặng đô Nhật Bản ra rạp Việt sau hơn 35 năm 'mất tích' (29-May-2024)
- Lý do phim của Lương Bích Hữu, Trương Thế Vinh thu chưa đầy 2 tỷ đồng (24-May-2024)
- Nguyễn Quang Dũng: 'Khó sống nếu không thuộc top 3 đạo diễn hàng đầu' (23-May-2024)
- 'Lật mặt 7' vào top ba phim Việt ăn khách nhất (22-May-2024)
- 'Án mạng lầu 4' hỏng vì phi logic nhưng chưa đến nỗi là thảm họa phim Việt (21-May-2024)
- 'Lật mặt 7' vượt mốc 400 tỷ đồng (18-May-2024)
- Phim 18+ của Xuân Lan lỗ (18-May-2024)
- 'Lật mặt 7' áp đảo bom tấn 'Hành tinh khỉ' (14-May-2024)
- Sau Lý Hải và Trấn Thành, ai sẽ là đạo diễn nghìn tỷ đồng? (13-May-2024)
- Lý Hải, Trấn Thành giúp doanh thu rạp Việt vượt 2.000 tỷ đồng (10-May-2024)