Điện ảnh

Chuyên Mục

‘Mất tích đêm 30’ có đáng xem?


Series phim của đạo diễn Hàm Trần lấy ý tưởng từ vụ trọng án gây chấn động dư luận dịp Tết Nguyên đán 2019.


Director: Hàm Trần
Cast: Lý Hồng Ân, Lê Huỳnh, Kiều Trinh…
Rating: 7.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim

Dựa trên một vụ án rúng động có thật, đạo diễn Hàm Trần và ê-kíp đã thực hiện series Mất tích đêm 30, với tổng thời lượng 7 tập phim. Nhà sản xuất nhấn mạnh phim chỉ lấy ý tưởng. Nhiều tình tiết về việc điều tra phá án hay khai thác câu chuyện gia đình được thay đổi, qua đó đơm cài các thông điệp về đạo đức, xã hội.

Tái hiện kỳ án chấn động

Mất tích đêm 30 thuộc thể loại tâm lý tội phạm, kết hợp nhiều yếu tố gia đình. Các tập phim được kể dưới góc nhìn của những nhân vật khác nhau, từ đó đào sâu tâm lý con người và cả những góc khuất đằng sau vụ án mạng. Thay vì khám phá chi tiết quá trình phá án đầy yếu tố kịch tính, giật gân, đạo diễn Hàm Trần lựa chọn cách tiếp cận nhân văn hơn, chủ yếu khai thác câu chuyện dưới góc độ tâm lý.

Chuyện phim xoay quanh gia đình bà Hòa (Kiều Trinh) và ông Vinh (Lê Huỳnh), đôi vợ chồng sống tại một thị trấn xa xôi giáp biên giới. Cuộc sống của họ trở nên đảo lộn khi cô con gái tên Mai (Lý Hồng Ân) bỗng mất tích bí ẩn vào đúng đêm giao thừa.

Bộ phim lấy ý tưởng từ vụ án rúng động dịp Tết 2019.

Nạn nhân trong vụ án - Mai - là một nữ sinh đại học. Cô về quê ăn Tết, phụ giúp mẹ bán gà. Thế rồi, biến cố ập đến kể từ khi nhân vật nhận được cú điện thoại lạ. Mai vui vẻ lên đường giao gà mà không biết phía trước là mối họa sát thân.

Trong nỗ lực tìm kiếm con một cách tuyệt vọng, bà Hòa quyết định livestream nhờ cộng đồng mạng giúp đỡ. Xuyên suốt hành trình tìm con của đôi vợ chồng trung niên, nhiều bí mật đen tối lần lượt bị đem ra phơi bày trước ánh sáng, làm xáo trộn cuộc sống của vùng quê yên bình.

Cũng từ đây, đầu mối bè đảng tội phạm liên quan đến khoản nợ trong quá khứ của người mẹ dần hé lộ.

Dựa trên một vụ án mạng có thật trong quá khứ, các tình tiết phim đều được đạo diễn tính toán kỹ, dẫn dắt người xem đi tới nhiều bất ngờ, tạo ấn tượng nhưng vẫn giữ được tính chân thực. Dù không chủ đích đào sâu những yếu tố giật gân, Hàm Trần vẫn có thể tạo dựng bầu không khí gay cấn, hồi hộp xuyên suốt tác phẩm nhờ những tính toán thông minh, tận dụng tình tiết đắt giá.

Nhờ lối nhập đề cùng cách kể chuyện phi tuyến tính, Mất tích đêm 30 dễ dàng đánh thức sự tò mò của người xem. 7 tập phim khép lại cũng là khi những bài học, thông điệp về đạo đức xã hội được truyền tải một cách trọn vẹn. Nhiều vấn đề được đặt ra xuyên suốt phim, từ nguồn cơn của tội ác, cách thức mà nó vận hành cho tới những góc khuất của lòng người, của các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Từ đó, khán giả không khỏi tự đặt câu hỏi về nguồn cơn sự việc động trời và nguyên nhân con người dấn thân vào tội ác. Đó cũng là góc nhìn nhân văn của đạo diễn khi thực hiện series này. Thay vì xoáy sâu vào nỗi đau của người ở lại, anh đi tìm lời hồi đáp cho câu hỏi "Tại sao chuyện này có thể xảy ra?".

Series bao gồm 7 tập, mỗi tập kéo dài khoảng 30 phút.

Xây dựng tốt tâm lý nhân vật

Hàm Trần trước đó được biết đến là một đạo diễn điện ảnh, từng cầm trịch nhiều dự án như Đoạt hồn, Siêu trộm, Âm mưu giày gót nhọn hay Maika - cô bé đến từ hành tinh khác... Ở lần đầu lấn sân thể loại series hình sự/trinh thám, anh vẫn mang nhiều thước phim, khung hình đầy tính điện ảnh vào trong Mất tích đêm 30.

Với một series, việc thời lượng đủ dài cho phép Hàm Trần đào sâu câu chuyện của từng nhân vật. Cái khó anh gặp phải là việc giữ mối liên kết với khản giả, níu chân họ qua từng tập phát sóng.

Và Hàm Trần đã tìm ra lời giải bằng cách khai thác tốt cấu trúc kịch bản của thể loại tội phạm/giật gân. Qua từng thước phim, sự hồi hộp, bí ẩn tăng dần. Tình tiết, dữ kiện được sắp xếp hợp lý, chuẩn bị cho cao trào bùng nổ và những cú “bẻ lái” ấn tượng.

Song, điều quan trọng nhất vẫn là việc xây dựng tốt tâm lý nhân vật. Đạo diễn tái hiện vụ án qua đa dạng góc nhìn, từ phía người nhà nạn nhân, những kẻ tình nghi cho tới lực lượng chức năng. Từ đó, mỗi nhân vật đều được đặt trong nhiều điểm nhìn, song song với việc bộc lộ nhiều khía cạnh tâm lý, cảm xúc.

Mất tích đêm 30 đào sâu tâm lý các nhân vật xoay quanh vụ án.

Nhân vật chính của phim - bà Hòa, dưới màn hóa thân của Kiều Trinh, hiện lên là một người mẹ cộc cằn, nóng tính, khiến người xem “ngờ ngợ” vì đứng giữa lằn ranh thiện ác. Nhân vật dường như che giấu một bí mật nào đó, nhưng vẫn bộc lộ được tình thương con, cố gắng cầu xin mọi người cùng tìm kiếm Mai.

Bà Hòa là nút thắt quan trọng của phim, khiến câu chuyện trở nên phức tạp, khó đoán. Nội tâm nhân vật cũng có nhiều sự giằng xé khi một mặt phải cố gắng che đậy quá khứ, mặt khác đối diện với bi kịch của hiện tại. Phải dành lời khen ngợi cho diễn xuất của Kiều Trinh khi đã tái hiện được một bà mẹ với nhiều lớp lang cảm xúc và cả sự phức tạp trong tâm lý.

Hay như Mai, nạn nhân của vụ án, hầu như chỉ xuất hiện trong những dòng suy nghĩ, hồi tưởng của gia đình vẫn để lại ấn tượng. Ngay từ đầu phim, hình ảnh một cô nữ sinh hiền lành, dịu dàng xuất hiện trên màn hình livestream đã tạo được thiện cảm. Để rồi, bi kịch nhân vật phải hứng chịu khiến khán giả không khỏi cảm thấy đau đớn, xót xa.

Nhìn chung, Mất tích đêm 30 mang đến “làn gió lạ” giữa rừng phim tâm lý, tình cảm ra mắt vào dịp Tết Nguyên đán. Series vẫn còn hạn chế nhỏ, như việc cài cắm một số tình huống hơi lộ liễu. Song, với việc lần đầu thử sức ở thể loại series tâm lý, hình sự, Hàm Trần đã thành công mang đến một tác phẩm ấn tượng, hấp dẫn và ly kỳ, lại đầy tính nhân văn.

Theo Zing News