Điện ảnh

Chuyên Mục

Hậu trường cảnh chiến đấu phim 'Đào, phở và piano'


Nữ chính - diễn viên Thùy Linh - treo người trên dây cáp, diễn cảnh đánh bom trong "Đào, phở và piano" - phim về thời kháng chiến chống Pháp.


Tác phẩm của đạo diễn Phi Tiến Sơn trở thành chủ đề được quan tâm, sau khi phát hành mùng Một Tết Nguyên Đán (10/2), chiếu duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Hà Nội. Sau gần hai tuần ra rạp, doanh thu phim đạt hơn một tỷ đồng dù suất chiếu hạn chế, tạo ra cơn sốt "săn vé" với khán giả Hà Nội.

Phim tái hiện ngày cuối cùng trong cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947. Lúc này, lực lượng quân dân đã sơ tán gần hết, chỉ còn lại một số người ở lại, chiến đấu đến phút cuối.

Êkíp ban đầu dựng demo bằng 3D bối cảnh quay, trước khi bắt tay thực hiện không gian thật. Họ chọn bãi đất trống ở Phúc Yên (Vĩnh Phúc), dựng khu phố dài 120 mét trong ba tháng, với kinh phí khoảng 5-6 tỷ đồng. Đội thi công phải xây nhà, sau đó làm đổ vỡ, tạo hiệu ứng cũ kỹ. Êkíp cũng huy động nhiều xe tải chở đất, đá, đổ lên nền gạch.

Họa sĩ Vũ Viết Hưng - phụ trách thiết kế mỹ thuật - cho biết chú ý từng chi tiết nhỏ. Chẳng hạn, anh dùng nhiều vật dụng gia đình, tủ, giường, nồi đất, hoành phi câu đối trong cảnh người dân dựng tường rào chiến lũy. Các loại xe chiến đấu, súng được mô phỏng từ mẫu ngoài đời, có tham khảo hiện vật từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Trong quá trình quay phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn sử dụng nhiều cảnh quay thật, kết hợp một số cảnh quay trên nền phông xanh (sẽ được dựng thêm hiệu ứng kỹ xảo sau đó). Các cảnh quay cháy, nổ được thực hiện theo tiêu chuẩn, có giám sát viên, đảm bảo an toàn cho cả êkíp.

Các diễn viên tham gia phim có nhiều pha hành động. Ban đầu, êkíp muốn dùng cascadeur. Tuy nhiên, Doãn Quốc Đam (vai Dân) nhận thấy ở các cảnh ngã, diễn viên đóng thế chỉ thực hiện động tác ngã, không diễn xuất, biểu cảm, khiến nhân vật thiếu "hồn", vì thế anh xin tự thực hiện. Khi quay cảnh nhân vật ngã từ trên mái ngói xuống, cơ thể anh đều xước xát, có chỗ chảy máu, do gạch ngói có nhiều phần nhọn đâm vào người.

Trong cảnh ông Phán Tây học (Tuấn Hưng) lái xe băng qua mọi khu chốt của giặc, giúp anh lính tự vệ trở về căn cứ, Doãn Quốc Đam cho biết anh và Tuấn Hưng chật vật quay nhiều lần, do chiếc xe cổ gặp nhiều trục trặc, hay bị chết máy. "Chúng tôi phải đóng kín cửa, ngột ngạt vì mùi xăng, dầu bốc từ gầm, sàn xe, khiến cả người nôn nao, choáng váng. Khi đạo diễn hô cắt, hai anh em lập tức lao ra ngoài như tên bắn", diễn viên kể.

Doãn Quốc Dam còn có một số cảnh "nóng" với Thùy Linh (vai Hương). Anh cho biết cả hai trao đổi, bàn luận với đạo diễn về cách thể hiện trước mỗi phân cảnh, nên không gặp khó khăn gì.

Nữ chính Thùy Linh cũng có một cảnh hành động, khi cầm bom ba càng lao vào xe tăng của quân địch ở cuối phim, được êkíp hỗ trợ bằng cách treo người trên dây cáp.

Thùy Linh được êkíp hỗ trợ.

Ngoài các vai chính, một số diễn viên quần chúng cũng được quan tâm, điển hình là Oraiden Manuel Sabonete (chàng sinh viên Mozambique, đang du học ở Đại học Bách khoa, Hà Nội). Anh cho biết dù chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng đã dành đến năm ngày làm việc trên phim trường. Nhiều cảnh, anh và các bạn diễn khác phải đóng đi đóng lại nhiều lần để đạt yêu cầu.

Phim bấm máy từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, trong thời tiết khắc nghiệt ở vùng miền núi phía Bắc. Êkíp thường xuyên quay vào buổi đêm, khi nhiệt độ giảm sâu. Vào một số cảnh lúc ban ngày, khi thời tiết nắng nóng, họ lại phải mặc áo chần bông, áo len để khớp bối cảnh của cuộc chiến vào mùa đông.

Ngoài những hình ảnh hậu trường làm việc, một số bức ảnh hài hước của diễn viên Doãn Quốc Đam cũng được nhiều khán giả chia sẻ. Anh cho biết được thư ký trong đoàn, tổ hóa trang chụp để làm tư liệu nối cảnh. Trong lúc thư giãn, anh tạo dáng tinh nghịch rồi đăng lên trang cá nhân.

Đào, phở và piano do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, kinh phí 20 tỷ đồng. Khởi quay năm ngoái, phim lấy bối cảnh Hà Nội trong cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946, đầu năm 1947, ca ngợi mối tình của anh tự vệ Dân (Doãn Quốc Đam) và tiểu thư Hà thành Hương (Cao Thùy Linh). Tác phẩm khắc họa một thời bom đạn gian khổ, thiếu thốn, khi con người luôn đối diện cái chết nhưng lạc quan, yêu đời. Điểm sáng trong không khí ác liệt của chiến tranh là tình người, tình yêu đất nước. Dự án đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, hồi tháng 11 năm ngoái.

Theo Vnexpess