Điện ảnh

Chuyên Mục

Khán giả Hà Nội xếp hàng săn vé 'Đào, phở và piano'


Khán giả xếp thành năm hàng để mua vé xem phim "Đào, phở và piano", tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Hà Nội.


19h ngày 21/2, tại quầy bán vé của Trung tâm chiếu phim Quốc gia Hà Nội, đa số khán giả tìm suất chiếu Đào, phở và piano. Có người chấp nhận mua khung giờ của ngày khác vì không còn ghế. Đến 22h vẫn còn lượng lớn người xếp hàng để mua vé hôm sau.

Tại lối vào, rạp chiếu đặt những biển chỉ dẫn ghi: "Cửa bán vé phim Đào, phở và piano''. Bên cạnh quầy bán chính, đơn vị sắp xếp thêm một quầy nhỏ bên cạnh. Ngoài ra trung tâm có một khu mua vé điện tử, dành cho những khách có nhu cầu xem phim khác mà không cần xếp hàng.

Khán giả mua vé xem tác phẩm của nghệ sĩ Phi Tiến Sơn chủ yếu là người trẻ. Họ nhiều lần "canh" trên trang web của trung tâm nhưng không có vé, quyết định đến tận nơi. Có người xếp hàng từ hôm trước nhưng không mua được vé, phải quay lại vào hôm sau.

Trong ngày 21/2, trung tâm có 16 suất chiếu, từ 9h đến 20h30. Tại suất cuối lúc 20h30, phòng chiếu số chín ghi nhận lượng người xem ngồi kín rạp, chỉ có hàng đầu tiên vắng vì khoảng cách gần màn hình.

Hàng dài người đợi "săn" suất chiếu phim. Ảnh: Phương Linh

Đào, phở và piano do Phi Tiến Sơn đạo diễn, viết kịch bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng. Tác phẩm lấy bối cảnh cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, có sự tham gia của dàn diễn viên: Doãn Quốc Đam, Cao Thị Thùy Linh, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực, Nguyệt Hằng, Tuấn Hưng.

Phim gây chú ý với khán giả bởi thông tin về bối cảnh hoành tráng, phim trường tái hiện không gian thời chiến. Tuy nhiên, tác phẩm còn hạn chế về kỹ xảo ở những cảnh bom nổ, lời thoại diễn viên mang cảm giác "kịch". Cách kể chuyện phi tuyến tính đôi khi khiến người xem khó hiểu. Ngoài ra, diễn xuất của nữ chính còn yếu so với các gương mặt nhiều kinh nghiệm.

Được thực hiện năm 2023, tác phẩm chỉ khởi chiếu hồi mùng Một Tết Giáp Thìn (10/2), duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia và có ít khung giờ. Hôm 18/2, tác phẩm được chú ý nhờ các bài đánh giá trên mạng xã hội. Vì thế, nhu cầu xem phim của khán giả tăng mạnh, từ ngày 19/2, đơn vị chiếu phim tăng 18 ca một ngày, sắp xếp tại các phòng chiếu lớn nhất, sức chứa 402 chỗ.

Ông Vũ Đức Tùng - quyền giám đốc trung tâm - gọi đây là "hiện tượng chưa từng có". Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc chiếu phim trên toàn quốc.

Hiện Beta là rạp tiếp theo chiếu phim, với mục đích phi lợi nhuận. Trong công văn gửi Cục Điện ảnh, ông Bùi Quang Minh - chủ tịch Beta Group - nói tác phẩm có giá trị về văn hóa, lịch sử, đơn vị có nguyện vọng được phát hành rộng rãi cho khán giả cả nước. Hôm 21/2, Beta mở bán vé trực tiếp tại các cụm rạp ở Hà Nội, TP HCM, Thái Nguyên, Bình Dương. Hiện đơn vị đã mở rộng suất chiếu đến các thành phố như Bắc Giang, Biên Hòa, Thanh Hóa, Nha Trang.

Đào, phở và piano là một trong số ít phim do Nhà nước đặt hàng gây chú ý với công chúng, cùng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015) của Victor Vũ, Mùa len trâu (2005) của Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Trong đó, dự án do đạo diễn Victor Vũ thực hiện có doanh thu hơn 80 tỷ đồng, đoạt giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, diễn ra tháng 12/2015.

Tác phẩm của Phi Tiến Sơn và Hồng Hà nữ sĩ do Nguyễn Đức Việt đạo diễn là hai phim được Nhà nước đặt hàng năm 2023. Theo Box Office - đơn vị quan sát phòng vé độc lập, tính đến trưa ngày 22/2, Đào, phở và piano đạt hơn một tỷ đồng, sau 11 ngày công chiếu, còn Hồng Hà nữ sĩ chạm mốc 850 triệu đồng.

Theo Vnexpess