Điện ảnh

Chuyên Mục

'Đào, phở và piano' - Hà Nội thời đạn bom


Phim "Đào, phở và piano" khai thác cuộc sống của những người ở lại khu phố Hà Nội trong cuộc chiến cuối 1946, đầu 1947.


Tác phẩm có kinh phí 20 tỷ đồng, ra rạp ngày mùng Một Tết Nguyên đán (10/2), duy nhất tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, Hà Nội với số suất ít.

Phim lấy bối cảnh cuộc chiến 60 ngày đêm tại Hà Nội vào cuối năm 1946, đầu năm 1947, do nghệ sĩ Phi Tiến Sơn đạo diễn, viết kịch bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng. Các nhân vật không được giới thiệu tên riêng, chỉ gọi chung như: Cô gái, chàng trai, ông họa sĩ, cậu bé đánh giày, người bán phở - những người ở lại khu phố, trong khi tất cả đi sơ tán. Đối diện cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, họ vẫn lạc quan, giữ tình yêu cuộc sống, con người, cái đẹp.

Doãn Quốc Đam trong một cảnh phim. Ảnh: Sơn Phi

Trong không khí bao trùm bởi bom đạn, điểm sáng là chuyện tình của anh lính tự vệ (Doãn Quốc Đam) và tiểu thư Hà thành (Cao Thị Thùy Linh). Tiểu thư bị lạc gia đình trong chuyến sơ tán cùng người dân khỏi Hà Nội tháng 2/1947, phải quay lại khu phố nhà cô, nơi quân dân đang chiến đấu. Ở đây, cô được đoàn tụ với người yêu, sống những phút giây hạnh phúc. Đám cưới của họ được ông họa sĩ (Trần Lực) tổ chức, trước sự chứng kiến của linh mục (NSND Trung Hiếu).

Hôm sau, quân địch tấn công khu phố, trong lúc chiến đấu, anh lính bị bom làm hỏng đôi mắt. Chứng kiến người yêu sắp bị xe tăng của địch nghiền nát, tiểu thư quyết định ôm bom ba càng, lao vào chiếc xe. Kết phim, mảnh vải trắng từ chiếc áo dài của cô bay lên không trung, gợi nhiều cảm xúc.

Bên cạnh tình yêu, tác phẩm khắc họa tình người. Ông Phán Tây học (Tuấn Hưng) lái xe băng qua mọi khu chốt của giặc, giúp anh lính tự vệ trở về căn cứ. Bà bán phở (Nguyệt Hằng) cũng không nỡ rời ngôi nhà đi sơ tán, chỉ vì lời hứa đãi cậu bé đánh giày một bát phở ngon.

Hình ảnh đào, phở, piano - những nét đặc trưng của thủ đô - xuất hiện xuyên suốt tác phẩm. Hoa đào thường được người dân sắm vào dịp Tết. Phở là món ăn không thể thiếu của người Hà Nội. Giữa khung cảnh hoang tàn, tiếng piano vang lên gửi gắm mong ước của quân dân về độc lập, biểu hiện tình yêu nghệ thuật, tính cách lãng mạn của người Hà Nội.

Bối cảnh phim khắc họa một giai đoạn chiến tranh ác liệt. Biên kịch Trịnh Thanh Nhã ấn tượng hình ảnh khu phố với những ngôi nhà đổ nát, ngổn ngang. Theo họa sĩ Vũ Việt Hưng, quá trình tìm kiếm địa điểm dựng phim trường gặp khó khăn, bởi phải đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống gần đó và đủ yên lặng để thực hiện thu âm đồng bộ. Nhờ sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, đoàn đã dựng trường quay tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Sau hơn ba tháng thi công, khu phố cổ dài hơn 100 m, với những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn của Hà Nội thập niên 1940 được tái hiện.

Phi Tiến Sơn chọn cách kể phi tuyến tính, đan xen quá khứ và hiện tại. Mở đầu là phân cảnh lãng mạn của hai nhân vật chính, sau đó thước phim chuyển sang cuộc giao chiến giữa quân dân ta và giặc Pháp. Mạch phim cho thấy nét sáng tạo của đạo diễn, song đôi lúc gây khó hiểu cho khán giả, đòi hỏi họ phải tập trung theo dõi từng chi tiết.

Nhạc phim gợi lại không gian của người Hà Nội xưa, khi những bản ca trù như Chí làm trai (thơ Nguyễn Công Trứ), Đời đáng chán (thơ Tản Đà) hay ca khúc Du kích ca (Đỗ Nhuận), Suối mơ (Văn Cao) vang lên. Xen kẽ là các bài nhạc phương Tây như Bridal Chorus - Richard Wagner, Liebestraum - Franz Liszt.

Tuấn Hưng (áo trắng) vào vai ông Phán - người đam mê ca trù, yêu chủ nghĩa lãng mạn. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Tác phẩm lồng ghép một số phân cảnh, câu thoại hài hước. Chi tiết anh lính tự vệ và chú bé đánh giày cùng tưởng tượng về viễn cảnh đẹp - người mang đạn về cho đồng đội, người được ăn một bát phở ngon - khiến khán giả bật cười. Ông họa sĩ cũng có nhiều câu nói cho thấy phong thái bất cần, luôn coi cái chết nhẹ nhàng.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhận xét các diễn viên đều thể hiện khá tròn vai. Đảm nhận vai tiểu thư là Cao Thị Thùy Linh, 21 tuổi, "tân binh" màn ảnh. Thùy Linh vượt qua gần 100 diễn viên ở vòng casting, dù không theo học diễn xuất chuyên nghiệp. Trong Đào, phở và piano, cô có nhiều cảnh thân mật với Doãn Quốc Đam, khi nhân vật của họ tận hưởng khoảnh khắc hạnh phúc cuối trước khi quay về thực tế chiến đấu.

Dù có sự đầu tư về bối cảnh, nội dung phim còn nhiều hạn chế. Tuyến nhân vật dày, thời lượng phim không đủ xây dựng tình huống tạo cao trào cho một số diễn viên. Vài câu thoại bằng tiếng Pháp không có phần dịch, gây khó hiểu cho người xem. Lời nói của diễn viên bị nhận xét mang cảm giác kịch, gồng dù theo Doãn Quốc Đam, êkíp đã tham khảo tư liệu và một số nhân chứng lịch sử, khẳng định đây là cách nói chuyện của người Hà Nội xưa.

Kỹ xảo được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng chưa chân thực. Trong phân đoạn cuối, nữ chính ôm bom ba càng lao vào xe tăng của giặc, cảnh quay slow motion bị cho là thiếu tự nhiên. Hiệu ứng cháy nổ trong một số phân đoạn còn giả. Một vài cảnh quay đặc tả bát phở gợi cảm giác như những video quảng cáo, thời lượng dài không cần thiết. Ngoài ra, đoạn ông Phán Tây học lái xe hơi cổ điển vượt khỏi vòng vây của lính Pháp bị nhiều người xem nhận xét khiên cưỡng, khó tin.

Ở những phân đoạn nặng về tâm lý, nữ chính bộc lộ sự chới với do chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuấn Hưng cho thấy phong thái của một trí thức yêu nước, song lời thoại còn gồng cứng, mang tính triết lý giáo điều.

Thùy Linh và Doãn Quốc Đam trong phim. Ảnh: Êkíp cung cấp

Hôm 18/2, mạng xã hội bất ngờ xuất hiện nhiều thông tin tích cực về phim, khiến khán giả quan tâm. Vì nhu cầu mua vé tăng, nhà rạp mở thêm khung giờ chiếu. Hôm 19/2, Cục trưởng Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết Cục đề xuất Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch chiếu phim toàn quốc, nhận định phim có giá trị để giới thiệu đến công chúng.

Khán giả Quang Huy (26 tuổi, Hà Nội) khen nỗ lực của êkíp làm phim, xúc động trước chuyện tình đẹp của anh lính tự vệ và tiểu thư, cảm phục sự hy sinh của nhiều thế hệ vì độc lập dân tộc. Còn Thảo Phương (25 tuổi, Hà Nội) cho biết hào hứng với nội dung tác phẩm nhưng chưa "săn" được vé vì các suất chiếu hiện kín chỗ.

Theo Vnexpess